Các nữ nhân viên luôn miệng trả lời điện thoại tại Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội
19h tối, khi nhiều người vợ, người mẹ đã trở về quây quần cùng chồng con thì các bác sĩ, điều dưỡng của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội vẫn tất bật theo xe cấp cứu tỏa đi các hướng. Đường dây nóng vẫn không ngừng đổ chuông…
“Chóng mặt” tiếp nhận 1.800 cuộc gọi/ngày
Tại phòng điều phối điện thoại trên tầng 3, Trung tâm cấp cứu 115, trong lúc chị Trần Thị Phương Liên thoăn thoắt hết tay trái lại đến tay phải nhấc điện thoại “Alo, cấp cứu xin nghe… Alo… Alo” thì đồng nghiệp Đỗ Thị Hồng Liên một tay cầm ống nghe, tay kia nhanh chóng ghi lại thông tin: “Bệnh nhân bị ngã từ trên cao xuống ạ? Tình trạng bệnh nhân hiện ra sao chị ơi? Chị đọc lại cho em số nhà của mình là bao nhiêu? Chị bình tĩnh, đọc chậm thôi ạ”.
Ngồi kế bên, chị Cao Thị Thúy Hải mắt chăm chú hướng về màn hình điện tử ở trước mặt để theo dõi vị trí, hành trình di chuyển của các xe cấp cứu nhưng vẫn tranh thủ hỗ trợ đồng nghiệp liên lạc với Bệnh viện Đa khoa Saint Paul, lại điều phối xe tới phố Chùa Bộc vận chuyển người bệnh.
Theo chia sẻ của chị Hải, trung bình mỗi ngày, phòng điều phối tiếp nhận trên dưới 1.800 cuộc gọi (không tính vô số cuộc điện thoại trêu đùa gọi đến).
“Thường trong 10 cuộc gọi tới, có đến 3 - 4 cuộc gọi từ số máy ảo, trêu đùa, nhiều người còn dùng lời lẽ khiếm nhã, thậm chí rất tục với các nhân viên.
Lại có người ngày nào cũng gọi đến Trung tâm lúc đêm muộn và sáng sớm bằng 2 - 3 số máy khác nhau. Gọi nhiều tới mức các chị em ở đây thuộc làu số, nhìn là biết ngay nhưng không thể không nhấc máy vì lo rằng nhỡ đâu họ cần cấp cứu thật”, chị Hải nói.
Riêng đợt cao điểm Covid-19, mỗi ngày Trung tâm còn tiếp nhận thêm gần 2.000 cuộc gọi xin tư vấn về phòng dịch và xét nghiệm…
“Bữa tối của chị em thường xuyên rời xuống 23h đêm, có hôm vừa cầm bánh mỳ vừa nghe điện thoại. Vất vả nhưng chưa thấm gì so với nguy hiểm bọn mình từng trải qua khi đi cấp cứu bệnh nhân trong mười mấy năm gắn bó với nghề”, chị Hải tâm sự.
Vất vả nhưng vẫn gắn bó với nghề
Nhiều năm gắn bó với công việc ở đây, cũng có lúc nản vì áp lực công việc, áp lực thời gian nhưng chị Hải cũng như nhiều chị em vẫn tâm niệm đó là mối duyên nghề.
Vất vả, nhiều rủi ro nhưng chúng tôi ai cũng làm bằng tâm huyết, trách nhiệm và yêu thích. Cứu được người là vui. Mình đã chọn công việc này thì xác định sẽ gắn bó, hết lòng vì nó.
Điều dưỡng Cao Thị Thúy Hải, Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội
Chia sẻ câu chuyện đi cấp cứu vào lúc 2 - 3h sáng tại gia đình một vợ chồng già (ở Bách Khoa, Hà Nội), chị Hải kể: “Cụ ông sức khỏe yếu, gặp khó khăn về đi lại, cụ bà nằm liệt một chỗ, gia đình lại không có người giúp việc.
Sau khi sơ cấp cứu cho cụ bà bị co giật xong, nữ bác sĩ và điều dưỡng của Trung tâm vừa phải dìu cụ ông đi, vừa phải tự dùng chăn khiêng cụ bà từ tầng 2 xuống để đưa tới bệnh viện”.
Đấy là chưa nói không ít trường hợp nam bệnh nhân người nước ngoài to cao, ngất xỉu hoặc bị thương ngoài đường… Khi ấy, dù mệt hay không, các chị em cũng phải vừa sơ cứu vừa làm “cửu vạn” để di chuyển họ.
Nhưng có lẽ nguy hiểm hơn cả là lúc cấp cứu bệnh nhân vào ban đêm, ở khu vực nguy hiểm, hẻo lánh.
“Có lần chúng tôi cấp cứu cho bệnh nhân là con nghiện, bị sốc thuốc… ngay tại nghĩa trang hay bãi đất ven sông Hồng, xung quanh cả chục thanh niên nghiện hút khác.
Trời tối đen như mực, giơ tay ra phía trước cũng khó có thể nhìn thấy, chị em phải níu chặt gấu áo nhau, dò dẫm từng bước, vừa đi vừa lo nếu chẳng may có sự cố không mong muốn thì phải giải thích cho các đối tượng khác đang ở đó như thế nào…
Rồi có cả bệnh nhân là nạn nhân của một cuộc ẩu đả, đâm chém lẫn nhau hay bệnh nhân bị TNGT do say rượu, đuổi đánh cả bác sĩ trong lúc đang băng bó vết thương. Thậm chí, có đối tượng ngáo đá không tự chủ được hành vi của mình...”, điều dưỡng Đỗ Thị Hồng Liên rùng mình nhớ lại.
BSCK I Trần Anh Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 nhận định: “Trong những tình huống đó, bác sĩ nam cũng ít nhiều e ngại, huống hồ với bác sĩ, điều dưỡng là nữ giới. Chưa kể, tại Trung tâm, hơn 50% bác sĩ, hơn 80% điều dưỡng là nữ giới”.
“Nhìn vào tần suất làm việc của chị em, phải thừa nhận họ có sức khỏe, sức bền và sức chịu rất tốt. Làm việc triền miên nhưng vào ngày nghỉ, ngày lễ, Tết vẫn đi làm đều, hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân.
Phụ nữ làm ngành y đã vất vả nhưng phụ nữ ở Trung tâm 115 còn vất vả hơn rất nhiều. Không ngoa khi gọi họ là những “bông hồng thép””, BS. Thắng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận