Xã hội

Những “bông hồng” thời Covid cật lực ngày đêm

25/07/2021, 06:57

Đó là những nữ y tá, điều dưỡng, nữ nhân siêu thị thực phẩm... Họ vẫn chưa hẹn được ngày về thăm nhà.

Miền Tây sắp bước vào tuần thứ 2 giãn cách. Ngày cũng như đêm, dọc theo tuyến đường, khu dân cư vắng lặng hơn ngày ba mươi tết. Ít ai ra đường, có chăng sự đông đúc là ở bệnh viện, cơ sở y tế… với những ca nặng “thập tử, nhất sinh”.

Căng mình hơn những ngày thường, những nữ điều dưỡng, y tá,.. hoạt động hết sức bình sinh mang trên mình bộ áo bảo hộ ướt đẫm vì cái nóng.

img

Một nữ y tá mỏi mệt, tự vận động tại chỗ. Ảnh: Hồ Thảo

Chị Huỳnh Lê Xuân Nhi, y tá Trạm Y tế huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp là người tham gia trực tiếp vào công tác chống dịch, cho biết do đặc thù công việc, nên chị cũng quen dần với đồ bảo hộ, kín mít từ đầu đến chân. Nhất là gần đây, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp ngoài cộng đồng nơi địa phương chị công tác. Nơi có ca dương tính bị phong tỏa, chị phải cùng mọi người tập trung lấy mẫu test nhanh nhất có thể bất kể ngày đêm, dù bụng đói, chân run, cũng gắng cho xong.

Đã hơn 3 tháng nay, chị ở cơ quan nhiều hơn ở nhà. Có lần chị vô tình tiếp xúc với F0 nên phải tự cách ly. Con khóc đòi mẹ, chỉ nhìn qua điện thoại mà khóc nghẹn… Công tác trong ngành được 7 năm, chuyện vui của chị thì nhiều nhưng buồn thì cũng không thiếu.

Rồi từ từ chị cũng quen. Chị lẳng lặng nhận trang bị thêm vật dụng cần thiết, đồ dùng cá nhân, sẵn sàng lên đường nếu được cấp trên gọi hỗ trợ bất kỳ địa bàn nào. “Vì yêu nghề, trách nhiệm cộng đồng, bệnh nhân hồi phục, ca tử vong ít nhất là thấy mừng rồi, vừa được phúc phần”, chị nói…

img

Mỏi mệt, nhưng những lúc rảnh rỗi, chị Huỳnh Lê Xuân Nhi vẫn đăng hình "tự sướng" để gia đình yên tâm về mình. Ảnh: Hồ Thảo

Là nhân viên điều dưỡng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa TP. Cần Thơ, chị Nguyễn Thị Sương tâm sự rằng, công việc tuy cực mà vui. Làm nghề này, chị Sương cũng đôi lần bị tai nạn nghề nghiệp không tránh khỏi.

Như lần đó, bộ phận của chị tiếp nhận 1 thanh niên cấp cứu, đang truyền nước anh này bỗng nhiên bật dậy, phản ứng, gặp ai cũng muốn ăn tươi nuốt sống. Anh ta còn chụp lấy thùng rác gần đó quay loạn xạ. Cũng may, chị và đồng nghiệp nhanh tay kéo những bệnh nhân lớn tuổi nằm trong phòng ra khỏi. Rốt cuộc mới biết do anh này bị ngáo đá…

Hay có lần tiếp nhận 1 bệnh nhân, mà nếu người yếu tim nhìn thấy đã sợ chết khiếp. Đó là 1 bệnh nhân nữ lớn tuổi với cái miệng bị biến dạng hoàn toàn, da thịt bùi nhùi, do bị gã trai làng tâm thần trèo vào nhà lúc đêm tối tấn công bằng miệng, cắn bà tới tấp… Nhưng chị và các đồng nghiệp vẫn bình thản làm công việc cấp cứu.

Và những ngày này, tâm lý của chị Sương và các đồng nghiệp càng phải vững vàng, ba lô phải soạn sẵn. Những ngày qua, dịch Covid-19 bùng phát, chị đã chứng kiến nhiều đồng nghiệp không có bữa cơm tối gia đình, con không gặp cha, mẹ; vợ không dám gặp chồng; con khóc đòi mẹ mới vừa dứt sữa; trai, gái, yêu nhau chưa bao giờ có được cái hẹn thành công.

img

Các y tá, bác sĩ luôn soạn sẵn cho mình chiếc ba lô, phòng khi phải cách ly. Ảnh: Minh Trung

Là người quê ở Vĩnh Long, đã 2 tháng nay chị Sương chưa được về thăm ba, mẹ. Từ khi có lệnh giãn cách do dịch bệnh phức tạp ở TP. HCM, cơ quan yêu cầu tất cả nhân viên không được ra khỏi TP. Cần Thơ, để tuân thủ biện pháp chống dịch. Lúc trước mỗi tuần, ba mẹ từ quê mang sang đồ ăn làm sẵn, túi gạo, trái cây, quả cà, quả ớt, đi chợ thấy đôi dép cũng mua sang cho con mang đi làm.

Giờ ngày nào mẹ cũng gọi hỏi: “Khi nào con được về thăm mẹ?”. Chị chỉ biết nói dối cho mẹ yên lòng: “Con sẽ về sớm thôi, con không sao, con chỉ làm trong phòng thôi, mẹ đừng lo quá”, nói xong mắt chị lại ngân ngấn nước. Bởi chị biết, “cuộc chiến” chống dịch còn dài, chưa biết khi nào kết thúc…

Chị than, mấy ngày vừa rồi do tính chất công việc di chuyển liên tục, chuyển bệnh gấp rút, đêm về chân vừa nhức vừa mỏi. Chị bị giãn tĩnh mạch ngủ không được, phải kê gối mà nằm đến khi ngủ thiếp đi. Nhưng chị và mọi người vẫn bật dậy mỗi khi bệnh nhân cần…

Còn Phan Thanh Tuyền, cô gái xinh đẹp, nụ cười tỏa nắng với chiếc răng khểnh, giọng nói trong trẻo, dịu dàng. Tuyền là nhân viên thu ngân của 1 siêu thị ở Cần Thơ. Chị cho biết gần đây trên cộng đồng mạng xuất hiện nhiều clip bốt phốt, ý kiến, đòi tẩy chay một số siêu thị về việc bán tăng giá, tính sai giá, chị cũng buồn lây.

img

Nhiều mạnh thường quân cảm thông, gửi qùa cho các nữ y bác sĩ. Ảnh: CTV

Chị nghĩ, có thể do bạn đồng nghiệp bất cẩn, chị mong mọi người cảm thông, có cái nhìn đa chiều hơn. “Những ngày gần đây tụi em phải thay nhau, vừa trưng bày, cập nhật giá, soạn hàng, rồi tăng ca, cầm máy bắn bill tính tiền in hóa đơn. Nói thiệt, tay chân bủn rủn, tối tăm mặt mày, bởi không còn giờ cao điểm như trước đây mà giờ khách có thể đến đông bất cứ lúc nào.

Họ xếp hàng đến ra tận ngoài sân, nên thay vì ngày thường chúng em hết 8 tiếng chốt ca, nay phải chia nhau làm gấp đôi để báo cáo tài chính. Những lúc khách hàng đến hết thịt cá, có người dễ, có người phàn nàn tụi em cũng phải nghe hết. Khách hàng tiếp xúc 1 ngày không đếm xuể, không biết ai là ai, họ đi những đâu, F0 hay F1…

Biết thân biết phận, tụi em đã chuẩn bị đồ dùng, chăn, mền cá nhân, xếp vào ba lô, có gì thì cứ đi cách ly. Để an toàn cho gia đình nên em đã dọn ra ngoài ở trọ. Nói thật, vì nghĩ đến bữa ăn của mọi người trong những ngày này nhất là nhà có trẻ nhỏ phải đủ chất dinh dưỡng có thịt có rau, trái cây tụi em thấy đang hạnh phúc vì góp một phần nhỏ công sức cho mọi người”, chị tâm sự…

img

Lương thực, thực phẩm là những thứ mà người dân cần nhất trong lúc này. Ảnh: Minh Trung

Những ngày này, phố thị vắng lặng, nhà nhà yên ắng, cũng là một dịp để sum họp gia đình cùng nhau quây quần bên mâm cơm, thì những bóng hồng này có khi phải thức trắng đêm. Họ làm việc gấp đôi, ba lần ngày thường, không hẹn ngày về gia đình. Với những người phụ nữ chân yếu, tay mềm nhưng tinh thần, trách nhiệm cộng động cao như vậy, xin hãy gọi họ là chiến sĩ áo trắng, bông hồng thời Covid-19.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.