Cơ quan chức năng kiểm tra hiện trường vụ ngạt khí lò vôi làm 8 người tử vong đầu năm 2016 |
Tiền công ít ỏi, cái chết cận kề
Trung bình, mỗi ngày lao động lò vôi chỉ nhận được số tiền công ít ỏi từ 70 - 80.000 đồng/người. Được biết, hầu hết công nhân làm việc cho mỏ đá đều là lao động thời vụ. Không hợp đồng, không chế độ bảo hiểm, song phu thợ tại đây lại luôn phải đối mặt với tai nạn, thậm chí cái chết cận kề.
Trở về làng Yên Thái, xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống (Thanh Hóa), không khí tang thương vẫn bao trùm lên làng quê nghèo nơi đây. Sự ảm đạm và vắng vẻ lạ thường sau vụ việc làm 8 người chết và 1 người bị thương tại lò vôi của gia đình ông Lê Văn Thong (SN 1959, ở thôn 1, xã Hoàng Giang). Trong số 9 nạn nhân thì gia đình ông Thong có 3 người chết (ông Thong, 2 con gái) và người vợ tên Lê Thị Nguyên (SN 1963) đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Theo ghi nhận của PV, nơi xảy ra vụ việc nằm cách khu dân cư một cánh đồng, khu vực đặt lò vôi dựa lưng vào một dãy núi đá vôi. Tại khu vực này có khoảng 4 lò vôi hoạt động từ nhiều năm qua. Lò vôi của gia đình ông Lê Văn Thong chỉ cao khoảng 3 m, có 2 cửa. Vị trí những người gặp nạn nằm ở phía cửa lò vẫn đang còn vương vãi những vật dụng, đá và than.
Lời kể từ người sống sót
Liên quan đến vụ việc bi thương trên, ông Trương Trọng Khanh, người may mắn thoát chết cho biết, chiều 1/1, khi ông và một số công nhân đang làm việc tại lò vôi thì được ông Thong bảo về nhà trước làm thịt vịt để chiều tối tổ chức Tết Dương lịch cho anh chị em công nhân.
“Khoảng 16h, khi đang nấu ăn ở nhà, tôi nghe tiếng hô hoán của người dân nói sập lò, tôi liền chạy ra hiện trường ứng cứu. Lúc này, mới có ông Tuyên ngất xỉu dưới lò. Thấy vậy, nhiều người đã nhảy xuống lò cứu người thì đồng loạt ngất xỉu. Tôi lao xuống nhưng không thở được liền trèo lên. Lúc này ai cũng hoảng loạn, tôi liền nhanh chóng phá cửa hông lò vôi, dùng quạt thổi mạnh vào trong để thổi khí độc ra ngoài rồi nhanh chóng đưa những người bất tỉnh đi cấp cứu nhưng đã quá muộn”, ông Khanh chưa hết bàng hoàng kể lại.
Vụ việc tang thương tại làng Yên Thái chưa nguôi, mới đây, ngày 22/1, tại mỏ đá Hang Cá ở xã Yên Lâm, huyện Yên Định (Thanh Hóa), do Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Hùng quản lý và khai thác, dư luận lại nhận thêm hung tin sập mỏ đá làm 8 người tử vong dưới đống đá tảng. Bà Hà Thị Dung (SN 1969) là thím của hai người cháu cùng chết trong một ngày là Trương Văn Danh và Đinh Văn Hoàng nức nở: “Cả hai đứa nó nhà đều rất nghèo, nên chúng rủ nhau xuống Yên Lâm làm thuê cho mỏ đá, mỗi ngày ông chủ trả lương từ 180 - 200 nghìn đồng. Khi nghe tin các cháu tử nạn, ruột gan tôi như đứt thành từng đoạn, chưa bao giờ bản thân tôi đón nhận đau thương đến thế”.
Một trong những người có mặt sớm ở hiện trường, ông Phạm Ngọc Đức kể lại, khoảng 11h, khi nhận được tin báo, ông tức tốc quay lại hiện trường và cảnh tượng ông chứng kiến là một đống đổ nát. “Nhiều thi thể không còn nguyên vẹn bị vùi lấp dưới đống đất đá. Phải mất một lúc tôi mới trực tiếp tham gia giúp đỡ đưa những nạn nhân ra bên ngoài”, ông Đức rớt nước mắt kể lại.
Đã 20 năm theo nghề thợ đá, từng tận mắt chứng kiến không biết bao nhiêu vụ tai nạn, tuy nhiên theo ông Đức vụ sập mỏ Hang Cá là vụ nghiêm trọng nhất từ trước đến nay xảy ra tại xã Yên Lâm.
Tính từ đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 3 vụ tai nạn lao động làm 20 người chết. Riêng 2 vụ sập mỏ đá làm 8 người chết ở xã Yên Lâm, huyện Yên Định và vụ sập hệ đà giáo trong quá trình thử tải thi công cầu Suối Quanh ở huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) làm 4 công nhân tử vong đã được cơ quan Công an tỉnh khởi tố vụ án để điều tra. Còn vụ ngạt khí lò vôi không khởi tố do tất cả các nạn nhân đều đã tử vong. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận