Cầu, cống dân sinh giúp phát triển sản xuất vùng đồng bào dân tộc
Là địa bàn vùng khó thuộc huyện miền núi Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi), xã Sơn Dung có gần 90% là đồng bào dân tộc Ca Dong, H're, điều kiện kinh tế - xã hội còn rất nhiều khó khăn. Với điều kiện địa hình rộng, nhiều sông, suối nhỏ chia cắt khiến việc đi lại, giao lưu, trao đổi hàng hóa của các khu dân cư trên địa bàn hết sức trắc trở, đặc biệt là vào mùa mưa lũ.
Theo ông Nguyễn Văn Trí, Chủ tịch UBND xã Sơn Dung, với địa bàn bị sông, suối chia cắt nên nhu cầu xây dựng công trình cầu dân sinh là hết sức bức thiết. Nếu cầu dân sinh được xây dựng sẽ giúp người dân thuận tiện trong sinh hoạt và giao thương, trao đổi hàng hóa nông sản, phục vụ sản xuất phát triển kinh tế, nhất là tạo điều kiện đi lại thuận tiện, an toàn cho con em học sinh.
Cầu Kà Rá đã thi công hoàn thành
"Bởi vậy, năm 2019, khi công trình cầu dân sinh Ka Rá bắc qua suối Ka Sim được đầu tư xây dựng và nhanh chóng được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Chiếc cầu vững vàng bắc qua dòng suối, giúp bà con đi lại, con em đến trường thuận lợi nên ai nấy đều phấn khởi, vui mừng", ông Trí nói.
Niềm vui không chỉ đến với người dân xã Sơn Dung, mà đồng bào dân tộc xã Sơn Long (huyện Sơn Tây) cũng mừng vui đón nhận công trình cầu Ra Pân được đầu tư xây dựng theo chương trình Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý đường địa phương (LRAMP) do Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư (từ nguồn vốn ODA do Ngân hàng Thế giới tài trợ).
Công trình bê tông cốt thép được xây dựng, đi vào sử dụng, tạo điều kiện cho người dân đi lại, sinh hoạt thuận lợi, bảo đảm an toàn giao thông, mang lại diện mạo mới cho các bản làng vùng miền núi.
Hoàn thiện hạ tầng giao thông, đảm bảo ATGT vùng dân tộc thiểu số
Theo ông Nguyễn Văn Dương, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi), đến nay huyện Sơn Tây được thụ hưởng 7 công trình cầu, cống từ chương trình Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý đường địa phương (LRAMP).
Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, những cây cầu, cống dân sinh đã tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, mở ra không gian, giao thương được kết nối giữa các khu vực dân cư, khu vực sản xuất, vùng nguyên liệu. Không những vậy, các cầu, cống đều được đầu tư kiên cố còn đem lại lợi ích kinh tế, giúp người dân có điều kiện đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, trang trại chăn nuôi.
Hình ảnh trước và sau của Cầu Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây.
"Nhằm tạo kết nối, đồng bộ với các công trình cầu, cống đã được xây dựng, hiện nay, huyện Sơn Tây đã tập trung huy động nguồn vốn từ các chương trình, dự án để đầu xây dựng, bê tông hóa các tuyến đường dân sinh trên địa bàn. Một khi hệ thống hạ tầng cầu, đường dân sinh được hoàn thiện sẽ góp phần thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội các địa bàn dân cư, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sơn Tây", ông Dương nói.
Theo ông Lê Tới, Phó Giám đốc QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi, theo chương trình dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) đầu tư tại địa bàn tỉnh Quảng Ngãi 60 cầu dân sinh và phân chia thành 7 dự án thành phần với tổng kinh phí là 124,98 triệu đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện do một số nguyên nhân, nên đến nay đã triển khai và thực hiện hoàn thành tổng cộng là 56 cầu, cống. Đến nay, tất cả các công trình cầu, cống đã bàn giao đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả thiết thực.
Ông Nguyễn Phong, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam nhìn nhận: "Từ thực tế triển khai và hiệu quả mang lại ở Quảng Ngãi, các công trình được thực hiện từ dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) đã góp phần phát triển giao thông nông thôn, miền núi, đảm bảo an toàn giao thông tại các khu vực dân tộc thiểu số, đặc biệt là các khu vực nơi có cộng đồng dân tộc thiểu số nghèo sinh sống".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận