Giữ vững kỷ lục trong suốt 64 năm
Mới tháng 8/2022, một máy bay không người lái chạy bằng năng lượng mặt trời có tên Zephyr gần như đã phá được kỷ lục về chuyến bay liên tục lâu nhất thế giới.
Chiếc máy bay do Airbus sản xuất và được quân đội Mỹ vận hành đã bay 64 ngày, 18 giờ và 26 phút trước khi bất ngờ rơi xuống bang Arizona trong khi chỉ còn cách 4 giờ nữa là có thể phá kỷ lục chuyến bay liên tục trong thời gian lâu nhất thế giới.
Ông Robert Timm - 1 trong 2 phi công thực hiện chuyến bay liên tục lâu nhất thế giới năm 1959. Ảnh - Bảo tàng Hàng không Howard W. Cannon
Kỷ lục này được 2 phi công Robert Timm và John Cook thiết lập năm 1959 khi điều khiển chiếc máy bay 4 chỗ bay trên bầu trời Las Vegas trong 64 ngày, 22 giờ và 19 phút.
Theo hãng tin CNN, kể cả trong trường hợp chiếc Zephyr - máy bay hạng nhẹ trang bị công nghệ tiên tiến, có phá vỡ kỷ lục về thời gian so với chuyến bay của ông Timm và ông Cook thì chuyến bay vào năm 1959 vẫn giữ kỷ lục chuyến bay có người lái trong thời gian lâu nhất thế giới.
Bên cạnh đó, chuyến bay của ông Timm và ông Cook cũng đáng ghi nhận khi 2 phi công có thể điều khiển máy bay trên bầu trời trong thời gian lâu như vậy vào thời kỳ công nghệ hàng không còn thô sơ.
Dùng xe tải chạy theo để tiếp nhiên liệu
Ý tưởng thực hiện kỷ lục xuất phát từ năm 1956 khi khu tổ hợp khách sạn, casino Hacienda khai trương tại thành phố Las Vegas. Để quảng bá, chủ sở hữu khách sạn quyết định thực hiện ý tưởng do nhân viên gợi ý về việc điều máy bay sơn tên khách sạn trên thân di chuyển trên bầu trời thành phố.
Không dừng lại ở đó, khách sạn mong muốn chuyến bay sẽ phá kỷ lục về thời gian bay được thiết lập vào năm 1949, với thời gian máy bay ở trên không liên tục trong 47 ngày.
Ông Robert Timm, cựu phi công phục vụ trong Thế chiến II khi đó đã chuyển sang làm thợ sửa máy tại khách sạn, được giao số tiền 100.000 USD để chuẩn bị cho chuyến bay.
Ông Timm đã dành nhiều tháng để sửa đổi chiếc máy bay Cessna 172 nhằm phục vụ hành trình này. Đưa ra quan điểm về lý do ông Timm lựa chọn máy bay Cessna 172 để thực hiện chuyến bay, ông Janet Bednarek, nhà nghiên cứu về lịch sử hàng không kiêm giáo sư tại Đại học Dayton cho rằng vào thời điểm đó, Cessna 172 là loại máy bay khá mới, không gian rộng rãi với 4 chỗ ngồi, nổi tiếng về độ tin cậy và dễ vận hành.
Trong quá trình sửa đổi máy bay, ông Timm đã bổ sung thảm để ngủ, bồn vệ sinh, loại bỏ hầu hết nội thất bên trong để giảm trọng lượng máy bay cũng như lắp đặt hệ thống trợ lái.
Xe tải tiếp nhiên liệu cho máy bay trong hành trình. Ảnh - Bảo tàng Hàng không Howard W. Cannon
Ông Bednarek cho rằng điều quan trọng nhất là tìm phương án tiếp nhiên liệu cho máy bay bởi vào thời điểm đó, không có cách nào để sửa đổi máy bay Cessna 172 nhằm phục vụ quá trình tiếp nhiên liệu trên không.
Cuối cùng, nhóm thực hiện dự án nghĩ ra cách điều xe tải chở bình nhiên liệu dự phòng chạy theo máy bay. Mỗi khi cần tiếp nhiên liệu, máy bay cần hạ độ cao, bay với tốc độ gần như đứng yên để xe tải dùng bơm tiếp nhiên liệu lên chiếc Cessna 172. Theo ông Bednarek, để làm được điều này đòi hỏi kỹ năng điêu luyện của phi công, đặc biệt trong trường hợp tiếp nhiên liệu vào ban đêm.
Quá trình thực hiện chuyến bay của ông Timm trải qua 3 lần thử nghiệm thất bại do trục trặc động cơ, trong đó, ông và phi công phụ bay trên không trung liên tục trong 17 ngày trong lần thử nghiệm có thời gian bay kéo dài lâu nhất.
Trong lần bay thứ 4, ông Timm chọn ông John Cook, cũng là thợ bảo trì, sửa chữa máy bay làm người đồng hành trong hành trình. Hai người khởi hành vào ngày 4/12/1958 tại sân bay McCarran, Las Vegas.
Vào đầu hành trình, chuyến bay diễn ra khá suôn sẻ. Mỗi lần tiếp nhiên liệu, 2 phi công cũng nhận đồ tiếp tế, thực phẩm. Họ làm vệ sinh cá nhân trong toilet cắm trại được lắp đặt trên máy bay. Cạnh ghế của phi công phụ cũng có khu vực để tắm, làm vệ sinh cá nhân.
Tự bơm tay để tiếp nhiên liệu
Hai người thay phiên điều khiển máy bay và ngủ lấy sức dù quá trình nghỉ ngơi bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn động cơ và rung động khi phương tiện di chuyển. Do thiếu ngủ, vào ngày thứ 36 trong hành trình, ông Timm ngủ gật khi đang điều khiển máy bay, phương tiện đã tự bay trong hơn 1 giờ ở độ cao hơn 1.200m.
Hệ thống lái tự động thô sơ vào thời kỳ đó đã cứu mạng 2 phi công dù chỉ vài ngày sau đó, hệ thống gặp trục trặc và ngừng hoạt động hoàn toàn.
Hai phi công trong quá trình thực hiện chuyến bay liên tục lâu nhất thế giới. Ảnh - Bảo tàng Hàng không Howard W. Cannon
Khó khăn xảy ra vào ngày thứ 39 của hành trình khi bơm điện dùng để bơm nhiên liệu lên bình xăng của máy bay bị hỏng, khiến 2 phi công buộc phải thao tác bằng tay để hoàn thành quá trình tiếp nhiên liệu mà không có sự hỗ trợ của bơm máy.
Đến ngày 23/1/1959, một loạt trục trặc kỹ thuật khác liên tiếp xảy ra như hỏng hóc hệ thống sưởi trong cabin, đồng hồ đo nhiên liệu, đèn hạ cánh.
Trong khi đó, ông Bednarek cho rằng thách thức lớn nhất là duy trì động cơ hoạt động bởi trong thời gian bay kéo dài, dù máy bay được tiếp nhiên liệu, tra dầu, nhưng nhiệt độ và ma sát sinh ra trong quá trình phương tiện di chuyển cũng có thể gây ra vấn đề.
Tuy nhiên, 2 phi công vẫn nỗ lực điều khiển máy bay trên không thêm 15 ngày nữa trước khi hạ cánh xuống sân bay McCarran vào ngày 7/2/1959, hoàn thành quá trình bay kéo dài hơn 2 tháng, bay qua quãng đường hơn 240.000km.
Theo ông Bednarek, 2 phi công quyết định hạ cánh sau khi duy trì thời gian bay trên không đủ lâu để đảm bảo rằng kỷ lục của họ thật khó vượt qua. Khi hạ cánh, 2 phi công phải nhờ sự hỗ trợ mới có thể di chuyển ra khỏi máy bay do cơ thể bị ảnh hưởng sau 64 ngày liên tục ngồi, loanh quanh trong không gian nhỏ hẹp bên trong phương tiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận