Hạ tầng

Những chiếc cầu mang "thương hiệu" thanh niên

13/09/2014, 15:33

Khát vọng chung tay xây dựng nông thôn mới mà thế hệ tuổi trẻ Đắk Lắk đang ngày đêm giúp đỡ nhân dân đã dệt nên câu chuyện về cây cầu nối những bờ vui mang tên "Cầu thanh niên".

Khát vọng chung tay xây dựng nông thôn mới mà thế hệ tuổi trẻ Đắk Lắk đang ngày đêm giúp đỡ nhân dân đã dệt nên câu chuyện về cây cầu nối những bờ vui mang tên “Cầu Thanh niên”.

Có đến 10 chiếc cầu do thanh niên Đắk Lắk xây dựng
Có đến 10 chiếc cầu do thanh niên Đắk Lắk xây dựng

Theo đoàn công tác về với buôn Tơ Lơ, xã Ea Na, huyện Krông Ana (Đắk Lắk) để thăm bà con nơi đây trong mùa mưa lũ. Đứng trên cầu nhìn xuống dòng nước cuồn cuộn, đỏ ngầu mới cảm nhận chiếc cầu Suối Đục có ý nghĩa lớn lao như thế nào.

Nhìn bà con đồng bào người Ê đê sử dụng những chiếc xe công nông để vận chuyển nông sản chạy ầm ầm qua cầu, thẳng về buôn, ít người biết được cây cầu ấy là sản phẩm của tuổi trẻ cùng góp sức để bắc những bờ vui.

Khi chưa có cầu kiên cố bắc qua, vào mùa gặt người dân rất khó để vận chuyển nông sản về nhà, các em học sinh rất sợ khi phải đánh võng trên những nhịp cầu treo lắc lẻo. Nguy hiểm nhất khi mùa mưa về, lúc ấy suối Đục đỏ ngầu, nước dâng lên và chảy cuồn cuộn và số phận của người và nông sản nơi đây đều phó mặc cho sự may rủi. Và đó cũng là thực trạng của nhiều cây cầu thiết yếu với nhân dân trong toàn tỉnh Đắk Lắk.

Với sự hỗ trợ nguồn vốn do Trung ương Đoàn phân bổ cho Tỉnh Đoàn (Đắk Lắk), một nguồn vốn khoảng 3,9 tỷ đồng được dành để xây mới 10 cây cầu giao thông nông thôn tại các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn.

Anh Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng ban thanh niên NTCN&ĐT cho biết: “Ban đầu, nhiều nhà thầu đến liên hệ để tìm hiểu và ngỏ ý xin đấu thầu, thế nhưng khi khảo sát đơn vị nào cũng lắc đầu. Để dựng những cây cầu này phải tính lên giá gấp đôi vì không có đường vận chuyển vật liệu và phương tiện vào địa điểm để thi công, trong khi nguồn vốn có hạn”.

img

Lúc ấy, Tổng đội TNXP Trường Sơn (thuộc Trung ương Đoàn) đã liên hệ và bàn với Tỉnh đoàn tìm cách xây dựng bằng được để nhân dân dễ dàng đi lại và vận chuyển hàng hóa, nông sản. “Những cây cầu mà Tỉnh Đoàn lựa chọn xây đều là những cây cầu bức thiết và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Vậy nên, nhất quyết phải làm để người dân sớm thoát khỏi cảnh mất an toàn và giúp các em học sinh dễ dàng đến trường. Và chỉ có huy động sức trẻ của thanh niên tình nguyện mới có thể làm được”, anh Hiếu kể.

Dự án xây dựng Cây cầu được thực hiện với sự góp sức trợ lực của hàng nghìn lượt thanh niên tình nguyện với hàng nghìn ngày công đóng góp. Nhiều thanh niên đã tạm gác lại việc nhà để cùng chung sức với nhà thầu. Cũng vì vậy nên những cây cầu này đều mang tên chung “Cầu Thanh niên”.

Một chiến sĩ tình nguyện kể lại: Chúng tôi cùng nhau đồng cam cộng khổ, từ công việc phát quang bụi rậm, san lấp mặt bằng đến vận chuyển vật liệu, mang vác xi măng, sắt thép… để vào tận nơi thi công. Có khi tải từng bao xi măng và phải mất mấy tiếng đồng hồ từ đường lớn mới vào được tận nơi, vì không có đường vận chuyển".

Khó khăn là thế, song khi giúp làm đường được người dân hưởng ứng nên hầu như ai cũng cố gắng để vượt qua. “Mong sao cho nhà thầu sớm có vật liệu để làm nhanh cho người dân có cầu đi”, một bạn thanh niên tình nguyện tại huyện Krông Ana nói.

Niềm vui của hàng trăm thanh niên tình nguyện ấy hòa trong “niềm vui lớn” của người dân khi mà những chiếc cầu đã hoàn thành vượt tiến độ trước mùa mưa ở Tây Nguyên. Hơn thế nữa, các cây cầu hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng ngàn người dân nghèo ở tỉnh Đắk Lắk yên tâm lao động sản xuất.

Chị H’Doanh Êban, buôn Tơ Lơ - xã Ea Na, huyện Krông Ana xúc động nói: “Nhà tôi có 2 cháu đi học, nhưng chúng còn nhỏ, hay ngịch ngợm. Sợ mấy đứa con nít đi rồi lỡ rớt xuống nước. Nhiều đứa con nít ở buôn này bị sẩy chân rồi đó. Lo lắm chứ. Nhưng bữa nay hết lo rồi. Ôi, cả buôn mừng và yên tâm rồi. Yên tâm làm ăn thôi”- chị Êban cười nói.  

Tham dự lễ bàn giao và đưa vào sử dụng những “cây cầu thanh niên” mới cảm nhận được niềm vui của những người dân nơi đây. Những ám ảnh mùa mưa “nước đỏ” ở Tây Nguyên như tan biến.

Anh Y Nhuân Byă - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh cho biết: “Tất cả 10 công trình cầu giao thông nông thôn này hoàn thành cũng có rất nhiều công sức của Đoàn viên Thanh niên đã gắng công sức trong việc vận chuyển nguyên vật liệu, đổ nhiều ngày công để đổ đất, khơi thông cống rãnh, trồng cây xanh. Ngoài ra, nhiều hộ dân cũng đã nguyện hiến đất để làm đường dẫn. Các cây cầu hoàn thành và bàn giao cho người dân và giao cho tổ chức Đoàn quản lý”.

Theo dự tính, các cây cầu sẽ được hoàn thành trong tháng 7/2014 nhưng nhờ sự giúp sức của ĐVTN nên các cây cầu hoàn thành trong khoảng thời gian nửa đầu tháng 5/2014.

Được biết, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án xây dựng cầu nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020. Theo đó, sẽ triển khai 32 dự án gồm 450 cầu nông thôn trên phạm vi 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các công trình này có tổng mức đầu tư trên 324,8 tỷ đồng, bằng nguồn ngân sách Trung ương.

Vĩnh Yên

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.