Gác lại sau lưng tất cả, chấp nhận hy sinh vất vả, họ đã và đang ngày đêm miệt mài góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đảm bảo hàng hóa vận chuyển thông suốt.
Trung úy Hoàng Anh làm nhiệm vụ tại chốt QL1K giữa TP.HCM - Bình Dương
Vừa chịu tang cha, vừa lo chống dịch
Tại TP.HCM, hơn 3 tháng qua, Thiếu tá Đinh Tiến Dũng, Phó Đội trưởng Đội CSGT-TT Công an quận 1 chưa thể về thăm gia đình vì thực hiện nhiệm vụ.
Vừa qua, tại khu vực nhà Thiếu tá Đinh Tiến Dũng ở quận 8 cũng bị phong tỏa 21 ngày. Sau khi hết thời gian phong tỏa chưa được bao lâu, ngoại trừ vợ anh thì cả gia đình gồm cha mẹ, em trai và hai người con đều mắc Covid-19. Sau đó, cha anh chuyển nặng vì có bệnh nền và qua đời vào tối 11/8.
Được đơn vị tạo điều kiện, Thiếu tá Đinh Tiến Dũng mặc đồ bảo hộ đến nhận tro cốt của cha mình rồi đưa về nhà thờ cúng. Anh chỉ kịp thắp vội nén nhang rồi trở về đơn vị để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Nhờ những sự động viên, chia sẻ từ lãnh đạo và đồng đội, anh nén chặt nỗi đau, hàng ngày vẫn cùng đồng đội tuần tra, xử lý… hoàn thành nhiệm vụ chống dịch Covid-19.
Nhà chỉ cách đơn vị đang công tác khoảng 200m nhưng hơn 2 tháng qua, Thiếu tá Lê Đức Long, Phó trưởng Công an phường Cầu Ông Lãnh, quận 1 cũng chỉ dám đi ngang nhà, nhìn hai con nhỏ từ xa.
Anh chia sẻ, từ cuối tháng 5/2021, công việc liên miên chưa dứt thì dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại. Hơn 2 tháng nay, anh chưa một lần về nhà để thăm mẹ và vợ con.
Những lúc nhớ nhà quá, anh cũng chỉ dám chạy ngang qua con đường trước nhà, đứng bên kia lề đường nhìn về tổ ấm nhỏ trong chốc lát rồi vội vã rời đi.
Vợ anh Long là Thiếu tá Nguyễn Thị Ngọc Thủy cũng công tác trong ngành công an. Từ khi dịch bùng phát mạnh, cơ quan chị thực hiện làm việc theo ca, một tuần mới đổi ca một lần nên 2 con nhỏ (9 tuổi và 27 tháng tuổi) phải gửi bà nội chăm sóc.
Ngày 4/8 vừa qua, mẹ Thiếu tá Long dương tính với Covid-19, vợ và con cũng có những triệu chứng của căn bệnh này.
Tuy nhiên, khi được hỏi có dự định xin nghỉ để về nhà hay không, anh đáp: “Quận 1 có nhiều đồng chí hoàn cảnh giống tôi lắm. Anh em chúng tôi cũng xác định tập trung cho công việc để dịch sớm qua đi. Công an phường tôi có ba chỉ huy thì hai anh đã nhiễm Covid-19 rồi, bây giờ tôi nghỉ nữa thì anh em sẽ ra sao… Tôi nghĩ mẹ và vợ con tôi đều hiểu cho tôi trong thời điểm này”.
Là người trực chiến ở các chốt, Trung úy Hoàng Anh, một CSGT tại chốt QL1K giữa TP.HCM - Bình Dương cho biết, gian nan không chỉ là thời tiết, là hiểm nguy dịch bệnh, mà còn là nhiệm vụ hàng ngày rất phức tạp.
“Ở các chốt cửa ngõ, ngoài việc kiểm tra, kiểm soát xe cộ qua lại, nhọc nhằn nhất là kiểm soát rất chặt những người muốn qua lại chốt. TP.HCM với hàng trăm nghìn người muốn về quê, lúc nào cũng trong tâm thế “vượt chốt”, Trung úy Hoàng Anh kể.
Vượt qua nỗi lo lây nhiễm
Đội TTGT đường bộ Sở GTVT Hà Nội kiểm tra giấy đi đường các phương tiện tại trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ
Từ ngày 14/7 đến nay, khi Hà Nội bắt đầu lập 23 chốt kiểm dịch cửa ngõ vào thành phố, đó cũng là khoảng thời gian mà hàng nghìn cán bộ chiến sĩ Phòng CSGT Công an TP Hà Nội luôn trong tình thế “căng như dây đàn”.
Bởi ngoài việc tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự ATGT, họ còn phải gánh vác thêm một nhiệm vụ rất quan trọng khác là tham gia phòng, chống dịch.
Trung tá Nguyễn Hồng Hải, Đội phó Đội tuyên truyền và khám nghiệm giải quyết TNGT, được đơn vị cử tham gia chốt kiểm dịch cửa ngõ trên tuyến QL18 vào Hà Nội.
Sau gần tháng trời trực liên miên, dưới thời tiết khắc nghiệt, khuôn mặt anh sạm đi nhiều. Cứ vào ca là anh và các đồng đội làm việc liên tục, hết kiểm soát giấy tờ lại hướng dẫn, phân luồng phương tiện. Đến bữa, mọi người cũng chỉ dám ăn vội suất cơm hộp rồi lại tiếp tục công việc.
“Hết ca trực thì tôi về đơn vị. Gần tháng nay, tôi không về nhà, dù nhà chỉ cách đơn vị chưa đầy chục km và vợ đang ốm. Chúng tôi làm ngoài đường, thường xuyên tiếp xúc với nhiều người nên nguy cơ lây nhiễm rất lớn”, Trung tá Hải nói và cho hay, con trai anh làm tại Công an quận Hà Đông, cũng đang đi trực chốt nên đã rất lâu rồi anh chưa được gặp con.
Tương tự, Trung úy Nguyễn Văn Thanh cũng đã trực tại chốt kiểm dịch trên QL2 vào Hà Nội từ gần một tháng qua.
Chịu nắng gió đã quen, song với thời tiết cực đoan như hồi cuối tháng 7, anh không tránh khỏi cảm giác mệt mỏi.
Nhắc đến gia đình, Trung úy Thanh kể, do thường xuyên phải trực nên đã gửi vợ và con trai 14 tháng tuổi về quê Hà Tĩnh nhờ ông bà chăm sóc giúp. Đã hơn nửa năm nay, anh chưa được gặp vợ con.
Đại úy Đinh Vạn Sơn, Đội phó Đội TTKS cao tốc số 3, Phòng hướng dẫn TTKS, Cục CSGT, làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình chia sẻ, làm việc tại chốt trực, các cán bộ, chiến sỹ đều đối mặt với nguy cơ lây nhiễm khi mỗi ngày, tiếp xúc với hàng nghìn tài xế ở các địa bàn đi qua.
Do đó, cán bộ, chiến sỹ CSGT luôn chú ý đảm bảo “5K”, không tiếp xúc với người thân, người nhà.
Cùng tham gia trực tại các chốt kiểm dịch cửa ngõ Thủ đô lần này, có những bóng áo xanh của lực lượng TTGT. Ông Nguyễn Đức Hoàn, Đội TTGT đường bộ, Sở GTVT Hà Nội cho hay, hơn 1 tháng qua, 100% nhân sự của TTGT Hà Nội chia nhau chốt trực, bám đường.
“Cứ đi trực liên miên, có về nhà thì cũng chỉ lăn ra ngủ bù rồi lại đi trực. Nhiều người không dám về nhà vì sợ nguy cơ lây nhiễm cho người thân nên ở lại luôn đơn vị. Như tôi, đã lâu lắm rồi chưa về, thèm lắm một bữa cơm gia đình”, ông Hoàn tâm sự.
Còn theo ông Hoàng Xuân Dư, Đội trưởng Đội TTGT Đường bộ, Sở GTVT Hà Nội, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ như bình thường, giai đoạn dịch bệnh này, TTGT phải chia nhau ứng trực tại các chốt kiểm dịch và làm công việc hậu kiểm xe “luồng xanh” tại các cảng, bến, điểm xếp dỡ hàng hóa.
“Vất vả mãi cũng quen, nhưng điều đó không sao. Chúng tôi chỉ mong các tài xế hợp tác, chấp hành nghiêm, các quy định, có vậy mới sớm đẩy lùi được dịch bệnh”, ông Dư nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận