Xã hội

Những chiến sĩ ngã xuống Tân Sơn Nhất năm 1968 - Họ là ai?

25/07/2017, 07:08

Hơn 1.000 người đã ngã xuống trong trận đánh này, gồm các tiểu đoàn và lực lượng biệt động thành...

5-1500865197143

Người cựu chiến binh mong những người đồng đội của ông đã nằm xuống dù đã tìm thấy di hài hay chưa cũng sẽ được khắc tên trên bia kỷ niệm trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất năm 1968

Trực tiếp tham gia trận đánh vào sây bay Tân Sơn Nhất tết Mậu Thân 1968, ông Vũ Chí Thành – nguyên Trung đội phó Trung đội đại liên, tiểu đoàn 16 (phân khu 2) – cho biết có thể có hơn 1.000 người đã ngã xuống trong trận đánh này, bao gồm chiến sĩ của tiểu đoàn 16, tiểu đoàn 12 đặc công, tiểu đoàn 267, lực lượng biệt động thành và các lực lượng trợ chiến.

Manh mối về ngôi mộ tập thể liệt sĩ từ một bình luận trên mạng

Từ chiều 6/7, các lực lượng thuộc Bộ Tư lệnh TPHCM và Quân khu 7 đã được triển khai để tiến hành khảo sát khu vực phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất - nơi nghi có ngôi mộ tập thể thứ hai – để tìm kiếm, quy tập hài cốt chiến sĩ giải phóng quân tử trận trong trận đánh vào sân bay tết Mậu Thân 1968.

Khu vực tìm kiếm được khoanh vùng trong phạm vi 7,5ha, trong đó phần trọng tâm khoảng 4ha.

Cho đến nay, đội quy tập đã tìm thấy một số di vật như mẩu xương, võng, dây nịt, dép cao su… Những di vật này góp phần củng cố nghi vấn nơi đây là hố chôn tập thể thứ hai các chiến sĩ tử trận.

tim-hai-cot-liet-si-trong-san-bay-tan-son-nhat-16-

Cuộc tìm kiếm đang được tiến hành khẩn trương

img-7834-1499859364389-1500865413665

Những di vật được tìm thấy

Công cuộc tìm kiếm xuất phát từ một số thông tin, hình ảnh của cựu binh Mỹ từng tham chiến tại chiến trường Việt Nam giai đoạn 1968 cung cấp.

Kỹ sư Nguyễn Xuân Thắng và cộng sự là những người lần ra những manh mối đầu tiên từ một bình luận của một cựu binh Mỹ trên internet. Với tấm lòng tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc, kỹ sư Thắng đã cố gắng tìm hiểu, liên lạc và trở thành kênh kết nối quan trọng để chuyển thông tin này đến cơ quan chức năng.

nghi-van-mo-tap-the-liet-si-san-bay-tan-son-nhat-1

Một số hình ảnh về vị trí nghi có mộ tập thể liệt sĩ ở phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất

Trước đó, vào ngày 13/4, ngôi mộ tập thể lớn tại khu vực sân bay Biên Hòa được tìm thấy cũng là từ những thông tin do ông Thắng và cộng sự cung cấp.

Mới đây, ngày 12/7, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai cũng đã làm lễ truy điệu, đưa hài cốt các liệt sĩ tìm thấy ở sân bay Biên Hòa vào nghĩa trang liệt sĩ.

Sau sự kiện phát hiện mộ tập thể ở sân bay Biên Hòa, nhóm ông Thắng vẫn giữ liên lạc với các cựu binh Mỹ. Họ tiếp tục làm cầu nối để tìm kiếm và chuyển nhiều tư liệu liên quan đến chiến dịch tết Mậu Thân 1968.

Theo tài liệu thu thập được thì khả năng có khoảng 600 chiến sĩ giải phóng quân đang nằm dưới ngôi mộ tập thể mà các cơ quan chức năng đang tìm kiếm trong sân bay Tân Sơn Nhất.

Có thể là di hài của chiến sĩ tiểu đoàn 16

Trực tiếp tham gia trận đánh vào sây bay Tân Sơn Nhất tết Mậu Thân 1968, ông Vũ Chí Thành – nguyên Trung đội phó Trung đội đại liên, tiểu đoàn 16 (phân khu 2) – cho biết có thể có hơn 1.000 người đã ngã xuống trong trận đánh này, bao gồm chiến sĩ của tiểu đoàn 16, tiểu đoàn 12 đặc công, tiểu đoàn 267, lực lượng biệt động thành và các lực lượng trợ chiến.

Tuy nhiên, về các di hài còn nằm lại trong ngôi mộ tập thể đang tìm kiếm, ông Thành nhận định chủ yếu là di hài của các đồng đội của ông ở tiểu đoàn 16.

Khi được phóng viên cho xem các bức hình chụp các di vật đã được tìm thấy trong sân bay là các loại quần áo, dép cao su (hay còn gọi là dép râu), mặt dây nịt… người cựu binh già Vũ Chí Thành xúc động thốt lên: “Nó đấy, nó đấy!”.

Ông khẳng định trong các lực lượng đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất dịp tết Mậu Thân 1968 chỉ có duy nhất tiểu đoàn 16 là có mang dép cao su, vì đơn vị ông là quân chính quy hành quân từ miền Bắc vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu nên được trang bị khác với các cánh quân khác.

3-1500865197138

Ông Vũ Chí Thành xúc động khi xem hình ảnh các di vật được tìm thấy

Theo ông Thành, lúc tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất thì đơn vị ông vẫn còn mặc quân phục của bộ đội chủ lực lúc hành quân từ Bắc vào Nam vì chưa có quân phục mới. Riêng đôi dép cao su, dây nịt thì chỉ có tiểu đoàn 16 mới có. Bộ địa phương hầu hết mang dép Lào.

Ngoài ra, ông Vũ Chí Thành cũng khẳng định khu vực mà lực lượng chức năng đang tìm kiếm ngôi mộ tập thể thứ 2 trong sân bay Tân Sơn Nhất là khu vực tiểu đoàn 16 đã tấn công vào.

Theo ước đoán của ông thì khu vực đang tìm kiếm hài cốt là lô cốt đầu cầu của sân bay lúc đó. Đây là vị trí mà tiểu đoàn 16 vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của quân địch trong lô cốt bắn ra và hy sinh rất nhiều. Sau đó, 1 chiến sĩ đã anh dũng ôm bộc phá cho nổ tung lô cốt thì tiểu đoàn 16 mới vượt qua được cứ điểm này để đánh sâu vào sân bay.

“Vị trí đang tìm kiếm là khu vực tiểu đoàn 16 đánh vào sân bay. Dép cao su thì đúng là của tiểu đoàn 16, còn các đơn vị khác thì không có. Đi hành quân dọc đường thì mỗi người mang đôi giày cao cổ, về nơi tập kết thì cất giày hết và chỉ mang dép cao su đi đánh trận”, ông Thành nhớ lại.

Cựu chiến binh Bùi Hồng Hà – Đại đội cối A82, tiểu đoàn 16 - cũng khẳng định thông tin về dép cao su và dây nịt. “Nơi đang khai quật đúng là mũi đơn vị tôi tấn công. Còn dép râu, dây nịt thì trăm phần trăm là của đơn vị tôi”, ông Hà nhấn mạnh.

Còn bao nhiêu chiến sĩ "lạc" dưới lòng đất lạnh?

Theo ông Vũ Chí Thành, ước tính có khoảng 1.700 người tham gia trận đánh và tỷ lệ thương vong của các đơn vị này đều ở mức cao. Riêng tiểu đoàn 16 đã có 550 chiến sĩ tham gia trận đánh nhưng chỉ có khoảng 100 người trở về. Theo danh sách thống kê của tiểu đoàn 16 thì vẫn còn hơn 300 đồng đội của ông chưa tìm được hài cốt.

“Tôi nghe tin có mộ tập thể khoảng 600 người, con số này thì tương đối chính xác với số anh em thương vong. Hai tiểu đoàn 12 và 16 đánh vào sân bay thì đã có hơn một ngàn quân, rồi tiểu đoàn 267 cũng có sáu, bảy trăm quân. Ngoài ra, còn có quân của biệt động thành khu vực Gò Môn (Gò Vấp – Hóc Môn) đánh vào sân bay ở cánh Bắc. Như vậy, số hy sinh trong sân bay có thể là cả ngàn người chứ không phải chỉ là 181 liệt sĩ trong ngôi mộ tập thể thứ nhất đã khai quật vào năm 1995”, ông Thành nói.

Trong khi đó, cựu chiến binh Bùi Hồng Hà cho biết trong trận đánh lịch sử ấy đơn vị ông mang theo 20 quả đạn cối. Đến giờ nổ súng thì cho đơn vị pháo thuộc tiểu đoàn 267 mượn 10 quả để hỗ trợ bộ binh tấn công nên ông rõ hơn về số lượng quân của tiểu đoàn 267.

Theo ông Hà, tiểu đoàn 267 có khoảng 1.500 quân, vì thanh niên yêu nước thuộc Bến Tre, Mỹ Tho, Long An tập trung hầu hết vào đơn vị này nên quân số rất đông. Tiểu đoàn 267 đề nghị lên Trung ương cho thành lập trung đoàn nhưng cấp trên chưa cho phép nên thực tế số quân của tiểu đoàn 267 rất đông. Do đây là đơn vị địa phương, rất rành địa bàn nên là đơn vị chủ lực đánh vào sân bay trước.

1-2-1500865197132

Cựu chiến binh Bùi Hồng Hà kể lại những tháng ngày chiến đấu máu lửa năm xưa

Nói về cảm xúc của mình về thông tin tìm thấy dấu vết của ngôi mộ tập thể mới, người cựu binh già Bùi Hồng Hà không ngăn được dòng nước mắt lăn dài. Ông nghẹn ngào: “Mình cũng sốt ruột và buồn quá! Mình muốn làm sao đưa được đồng đội về nghĩa trang vì nhiều đồng đội còn đang nằm đâu đó dưới lòng đất lạnh. Lần đầu nghe thông tin tìm kiếm, mình mừng lắm nhưng đến nay vẫn chưa nghe được thông tin gì mới”.

Cựu chiến binh Vũ Chí Thành tha thiết: “Tôi mong sớm tìm thấy được các đồng đội và đề nghị Nhà nước vinh danh những anh em đánh vào sân bay, không bỏ sót một ai. Anh em nào đã hy sinh mà còn được lưu giữ danh sách tại Bộ Tư lệnh TP, Bộ chỉ huy quân sự Long An, quân khu 7 thì hãy đưa tên lên bia mộ tập thể để vinh danh và tưởng nhớ công ơn các anh!”.

Cựu chiến binh Bùi Hồng Hà thì khóc nghẹn: “Đồng đội tôi hy sinh hết rồi! Tôi mong Đảng, Nhà nước phong anh hùng để ghi nhận sự đóng góp của đồng đội tôi, đồng chí tôi chứ tôi không muốn gì hơn!”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.