Có lệnh là đi, bất chấp nguy hiểm có thể ập đến. Có mặt tại điểm nóng Hoàng Sa, nơi giàn khoan Haiyang Shiyou 981 của Trung Quốc đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam, những bài viết của họ đã góp phần lật bộ mặt thật của Trung Quốc, từ đó thức tỉnh lòng yêu nước của triệu triệu trái tim người Việt. Họ là những nhà báo chiến sĩ.
Tác nghiệp giữa trùng dương |
PV Viễn Sự - Báo Tuổi trẻ TP HCM: 7 ngày, sụt 4kg
“Trong 19 PV có ai chưa sẵn sàng thì có thể rời tàu trở về đất liền, vì đi có thể bị thương tích và cũng chưa biết ngày nào về. Chuyến đi này không phải để làm người hùng mà đi để làm nhiệm vụ” - PV Viễn Sự bồi hồi dẫn lại lời một lãnh đạo Cục Kiểm ngư dặn dò PV trước khi lên tàu đến “điểm nóng” Hoàng Sa để mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi.
Ngày 10/5/2014, chuyến tàu tàu kiểm ngư HP 9226 chở 19 PV đầu tiên ra biển tác nghiệp. Chuyến tàu chở 50 người bao gồm PV, thuyền viên... Tàu có độ giãn nước là 1.600 tấn, là tàu ứng phó sự cố tràn dầu được điều từ Hải Phòng vào và cũng là một trong những tàu tiến tới giàn khoan gần nhất, chỉ cách 3,8 hải lý, tạo điều kiện thuận lợi cho PV tác nghiệp. “Ba ngày đầu trên biển, 19 anh em bị say sóng. Ăn vào là ói ra hết. Có những PV đang ngủ trên giường bị sóng đánh rơi xuống sàn tàu. Khi trở về đất liền ai cũng sụt cân. Tôi bị sụt mất 4kg sau chuyến đi 7 ngày này”, PV Viễn Sự nhớ lại.
Sau chuyến đi này, PV Viễn Sự rút ra được một vài kinh nghiệm tác nghiệp đáng quý. Để có thông tin, hình ảnh kịp thời gửi về đất liền là một quá trình chuẩn bị chu đáo trước đó. Trước khi tòa soạn có chủ trương cử PV ra tác nghiệp tại biển Đông, PV Viễn Sự đăng ký xin đi và đã chuẩn bị tư trang đầy đủ, kể cả điện thoại vệ tinh. Tòa soạn cũng đã trao đổi với PV về phương án truyền bài, ghi nhận thông tin như thế nào. Vì thế trong hai ngày đầu, PV Báo Tuổi trẻ đã gửi thông tin về đất liền sớm nhất, mặc dù sự vất vả của các PV tại hiện trường là như nhau. Bởi trong đoàn có những PV nhận được lệnh là xách ba lô lên tàu, không kịp chuẩn bị quần áo, thậm chí còn không kịp dặn vợ con.
PV Viễn Sự bảo: “Đây là một chuyến đi đáng nhớ, bởi những dữ liệu khai thác được không chỉ là thông tin mà còn là cảm xúc, mình có thể kể rất nhiều câu chuyện về Hoàng Sa, về chủ quyền... Cảm xúc này sẽ còn theo mình trong nhiều năm nữa”.
Thượng úy Tống Văn Đức - Đoàn làm phim Điện ảnh Quân đội Nhân dân Việt Nam:
Thoát chết trong gang tấc
Sáng 28/5, chúng tôi bắt đầu tiếp cận khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc. Tàu chúng tôi càng tiếp cạn gần hơn giàn khoan Haiyang Shiyou 981 thì các hành động rượt đuổi, đâm va của tàu Trung Quốc càng hung hãn hơn.
Thượng uý Tống Văn Đức - Đoàn làm phim Quân đội nhân dân |
Tôi không thể nào quên sự việc diễn ra vào đêm 5/6, biển động dữ dội, chúng tôi nhận được lệnh di chuyển sang tàu khác để về đất liền. Khi cả đoàn bắt đầu xuống xuồng để di chuyển sang tàu CSB 2016 thì bất ngờ từ phía xa xuất hiện ánh đèn pha sáng lóa cả một vùng biển.
Một chiến sĩ cảnh sát biển hô: “Tất cả khẩn trương! Tàu Trung Quốc đang lao tới”. Mọi người chúng tôi đều đã sẵn sàng cho phương án xấu nhất.
Rất may chiếc xuồng chở chúng tôi kịp nổ máy, tăng tốc đưa chúng tôi sang tàu CSB 2016 an toàn trước khi tàu Trung Quốc lao tới. Khi ấy, chỉ chậm chừng 5 phút thôi toàn bộ anh em chúng tôi có lẽ đã mãi mãi nằm lại ở biển Hoàng Sa.
Phóng viên Hoàng Sơn – Báo Thanh niên: Mong một ngày sẽ trở lại
Dù đã chủ động đăng ký xin đi tác nghiệp tại biển Đông nhưng cảm xúc mừng - lo lẫn lộn. Mừng vì là PV trẻ được đến “điểm nóng” để tác nghiệp, đó là một cơ hội hiếm có. Còn lo là vì điều kiện môi trường ngoài đó liệu có làm được việc.
Nhà báo Hoàng Sơn |
Theo PV Hoàng Sơn, khó khăn nhất là việc viết bài và truyền thông tin về tòa soạn: “Cứ mở máy tính gõ bài được 10 phút, tôi lại bị say sóng. Tôi mới nghĩ ra cách viết bài vào sổ ghi chép rồi đọc về tòa soạn. Cách này hiệu quả vì khi nào làm xong tôi cũng tỉnh táo. Để truyền bài về tôi phải lên boong tàu dùng điện thoại vệ tinh nối máy về toà soạn. Thế nhưng để nối được một cuộc gọi lại rất mất thời gian, có khi phải gọi gần chục cuộc mới “bám” được vệ tinh. Khi đã nối máy, tôi đọc một mạch để người trực ghi âm lại. Trong khi đọc bài, một tay cầm điện thoại tay kia vịn lan can. Nếu không, tàu lắc ngã là sưng tay” - PV Hoàng Sơn kể.
Những ngày trên tàu 4033, PV Hoàng Sơn nhớ mãi ánh mắt đỏ hoe của thuyền trưởng Lê Trung Thành, khi nghe tin tình hình sức khỏe của người mẹ đang điều trị căn bệnh ung thư trong bệnh viện. Tương tự là những thoáng chốc bồn chồn của anh Trương Trường Quang, bác sỹ quân y sắp đến ngày cưới mà vẫn lênh đênh trên biển, chưa hẹn ngày về.
Dù chuyến đi tác nghiệp trên biển Đông đã kết thúc khá lâu nhưng khi được hỏi về cảm xúc, PV Hoàng Sơn chẳng cần suy nghĩ trả lời ngay tắp lự: Nguy hiểm và gian khổ nhưng vẫn mong có ngày được quay trở lại.
Nhà báo Thu Lan, Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp, Đài Tiếng nói VN:
Đã lên tàu, nhà báo cũng là chiến sĩ
Chiều thứ Hai (12/5), đoàn PV gồm 24 người, trong đó có 8 phóng viên nước ngoài (4 PV nữ) tập kết tại Đà Nẵng. Ngay đêm hôm ấy, chúng tôi rời cảng Đà Nẵng trên chiếc tàu cảnh sát biển mang số hiệu CSB 4033 để hướng về Hoàng Sa - vùng biển đảo thiêng liêng đang bị Trung Quốc xâm phạm.
Tàu qua khỏi vùng biển Sơn Trà, gió bắt đầu giật mạnh, sóng ngày càng dữ dội khiến cả đoàn ai nấy đều nôn nao, mệt lả. 11h30 ngày 13/5, chúng tôi nhận được lệnh phải chuyển tàu để tác nghiệp. Một mũi phóng viên lên tàu CSB 4032, còn nhóm của tôi, trong đó có 2 PV nữ của đài NHK (Nhật Bản) và hãng tin Bloomberg (Mỹ) lên tàu CSB 8003. Khoảng 2 giờ sau, tàu chúng tôi tiến vào vùng biển Hoàng Sa.
Nhà báo Thu Lan - Đài tiếng nói Việt Nam trên tàu cảnh sát biển ngoài khơi Hoàng Sa |
Khi cả đoàn ai nấy đều đang phải ôm chặt lấy thành giường để chống chọi với những cơn sóng dữ thì tiếng loa báo động trên tàu vang lên, tất cả lập tức bật dậy. Quan sát nhanh qua các ô cửa kính, có rất nhiều tàu Trung Quốc với dòng chữ China Coast Guard (Cảnh sát biển Trung Quốc) đang bủa vây tàu chúng tôi. Chỉ huy tàu CSB 8003 nhắc tất cả phải nhanh chóng mặc áo phao và nghe theo lệnh chỉ huy. Chúng tôi lập tức lấy máy ảnh, máy quay tác nghiệp.
Lúc này xung quanh đã dày đặc các tàu Trung Quốc, cái thì hú còi inh ỏi, cái thì làm động tác giả như cắt mũi, áp mạn vào tàu CSB 8003. Hướng mắt sang bên trái là một tàu cảnh sát biển của Trung Quốc đang bám sát. Tôi nhìn thấy họ đã rút vòi rồng và chuẩn bị phun nước về phía chúng tôi nhưng không hiểu sao lại nhanh chóng chuyển hướng tấn công các tàu kiểm ngư của ta ở xung quanh nó. Các anh Cảnh sát biển thấy thế giải thích: “Có lẽ vì biết trên tàu của ta có PV tác nghiệp nên tàu Trung Quốc bớt hung hăng, không phun vòi rồng hay đâm va như trước”.
Sau hơn 2 giờ uy hiếp, đe dọa tàu CSB 8003 nhưng không đạt được mục đích, đến 17h, các tàu của Trung Quốc rút lui về phía giàn khoan Haiyang Shiyou 981 hạ đặt trái phép trong vùng chủ quyền của Việt Nam. Thời điểm này, tàu CSB 8003 chỉ còn cách giàn khoan 6,8 hải lý. Đứng ở mạn tàu, chúng tôi nhìn rất rõ hình ảnh một “khối sắt” khổng lồ được dựng lên, cùng 4 lớp tàu bảo vệ dày đặc xung quanh. Nhưng không ai trong chúng tôi tỏ ra sợ sệt hay nao núng. Chúng tôi xác định bước lên tàu nhà báo là chiến sĩ.
Nhà báo Công Hạnh - PV Báo Công an TP Đà Nẵng: Sẵn sàng xả thân vì chính nghĩa
Nhà báo Công Hạnh |
Đó là chuyến tác nghiệp để đời và trên hết, đó là nhiệm vụ thiêng liêng trước Tổ quốc, trước nhân dân. Tôi đã có những ngày dài trải nghiệm trở thành người chiến sĩ thực thụ trên con tàu Kiểm ngư HP 926 của lực lượng Kiểm ngư vùng 4 kiên cường ở “tọa độ nóng” Hoàng Sa, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Dù trong gần 10 ngày trên sóng nước, tàu của chúng tôi đã hàng chục lần bị tàu Trung Quốc vây ráp, cản trở, gây hấn tấn công đâm va, phun vòi rồng phá hoại trang thiết bị, có lúc tưởng chừng như đã bị những “trâu điên” hải cảnh, hải giám, tàu kéo khổng lồ của Trung Quốc “ăn tươi, nuốt sống”, nhưng chúng tôi cùng cán bộ, kiểm ngư viên vẫn kiên trì bám biển, kiên quyết một lòng nắm chặt tay nhau đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Cũng gần 10 ngày trên “tọa độ nóng”, tôi đã được tiếp xúc với nhiều cán bộ chấp pháp, thăm nhiều tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển và chứng kiến được sự tinh nhuệ của mỗi cán bộ, chiến sĩ trên biển. Trong lòng mỗi đồng chí, ai cũng hừng hực khí thế, một lòng xả thân cho chính nghĩa, cho độc lập tự do của dân tộc.
Mỗi lần chứng kiến các anh tác nghiệp, đưa ra phương án đấu tranh tuyên truyền với tàu Trung Quốc, tôi bỗng thấy yên lòng và tin tưởng tuyệt đối vào khả năng phòng vệ ở vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam chúng ta.
P.V
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận