Thể thao

Những chuyên gia ngoại đồng cam cộng khổ với thể thao Việt Nam

13/04/2019, 06:26

Ngoài HLV Park Hang Seo, có khoảng 40 chuyên gia nước ngoài đang làm việc cho TTVN...

img
Ông Joseph Donnelly cùng học trò ăn mừng HCV ASIAD 2018 nội dung thuyền 4 nữ hạng nhẹ

Ngoài HLV Park Hang Seo, có khoảng 40 chuyên gia nước ngoài đang làm việc cho TTVN. Có thể gắn bó cả chục năm hay chỉ trong một thời gian ngắn, với mức lương nhận được thuộc diện thấp nhất thế giới, trung bình 3-4 nghìn USD/tháng, song chính các ông thày ngoại đã góp công lớn tạo nên xạ thủ vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh, kình ngư giành HCB Asiad Nguyễn Huy Hoàng, hay thậm chí nâng cả một môn yếu kém như rowing lên tầm châu lục.

Người nâng tầm cả môn, người tạo nhà vô địch Olympic

Chuyên gia rowing người Autralia Joseph Donnelly có lẽ là HLV nước ngoài đặc biệt nhất, với sự xuất hiện cùng cách thức đóng góp giống… tình nguyện viên. Mối duyên với rowing Việt Nam của Donnelly khởi nguồn vô cùng ngẫu nhiên cách đây 9 năm, trong một lần đến Hà Nội du lịch và được chứng kiến ĐTQG đang luyện tập tại Hồ Tây. Ông Joseph Donnelly đã tìm đến với mong muốn được hỗ trợ miễn phí. Lý do đơn giản vì HLV chuyên gia hàng đầu này thấu cảm với điều kiện khó khăn về mọi mặt, cùng nỗ lực vượt khó của các VĐV.

Như một định mệnh, cũng kể từ đó, mỗi năm, ông thày hàng đầu thế giới này đều đặn dành dụm tiền, xin nghỉ phép rồi sang Việt Nam trong vài tháng để huấn luyện hay chuẩn bị, dự tranh các giải. Bằng những mối quan hệ của mình, HLV Donnelly đã nhiều lần đưa ĐTQG sang Autralia tập huấn dài hạn, hay theo các đợt, với mức chi phí mang tính tượng trưng. Ông còn kêu gọi sự giúp đỡ của bạn bè, mua tặng tuyển Rowing một chiếc thuyền đua có giá trị 20 nghìn USD để gây dựng nội dung thuyền bốn, trở thành thế mạnh số 1 sau này. Dưới sự dẫn dắt của ông theo những phương pháp hiện đại, có điểm nhấn, rowing Việt Nam đã liên tiếp có những bước thăng tiến ngoạn mục. Không chỉ chiếm giữ ngôi đầu Đông Nam Á, rowing Việt Nam đã liên tục có huy chương châu Á, đoạt suất chính thức dự Olympic.

Nếu chuyên gia Donnelly đã giúp cả một môn rowing có xuất phát điểm thấp vươn lên tầm châu lục, thì ông thày đến từ xứ Hàn Park Chung Gun lại có dấu ấn cực lớn trong cuộc đột phá thần kỳ của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở Olympic Rio 2016. Năm 2014, với sự giới thiệu và bảo lãnh của Liên đoàn Bắn súng nước bạn, cựu HLV trưởng đội tuyển trẻ Hàn Quốc đã nhận lời sang Việt Nam công tác với một mức lương hết sức hữu nghị. Cả một thử thách lớn đặt ra khi ông Park phải thay đổi từ môi trường tốt nhất tới làm việc ở chỗ tệ nhất thế giới, chưa kể ngoài trách nhiệm chung với cả đội còn phải ưu tiên cho một số gương mặt xuất sắc.

img
Chuyên gia Park Chung Gun là người nâng tầm Hoàng Xuân Vinh

Thế nhưng, chuyên gia Park đã thích ứng với hoàn cảnh cực tốt, không chỉ nhanh chóng nắm bắt những điểm mạnh điểm yếu của các xạ thủ Việt Nam mà còn sớm đưa ra những bài tập phù hợp với từng trường hợp, điều kiện cụ thể. Ông truyền đạt đúng những cái VĐV Việt Nam đang cần. Ông nắm bắt điểm mạnh, điểm yếu của các xạ thủ Việt Nam. Riêng với Xuân Vinh sau những thất bại liên tiếp đầy tức tưởi, thay vì tạo áp lực, ông đã dày công và bền bỉ hỗ trợ để anh tự làm mới mình. Chuyện đơn giản nhất như cách nín thở, thay đổi cách tập trung ngắm bắn hay lớn hơn như cách tập những bài tập chuyên sâu và mấu chốt nhất như cách tiếp cận và phương án thi đấu cho mỗi giải đấu. Cuối cùng, với điểm tựa là ông thày ngoại lặng lẽ đứng phía sau, Xuân Vinh đã làm nên lịch sử với 1 HCV, 1 HCB Olympic.

Tại ASIAD 2018, kình ngư lạ hoắc Nguyễn Huy Hoàng đã gây chấn động khi giành 2 tấm huy chương, trong đó có chiến tích Bạc ở nội dung siêu khó 1.500m bơi tự do nam sau một cuộc đua tranh sòng phẳng với kỷ lục gia thế giới Sun Yang. Đúng một tháng sau, ở Olympic lại chính kình ngư trẻ 18 tuổi ấy tiếp tục lập kỳ tích với ngôi đầu trên đường bơi 800m tự do. Điều đáng nói, trong suốt thời gian chuẩn bị, Hoàng không có chuyến xuất ngoại tập huấn nào, cả ngắn hạn lẫn dài hạn, thậm chí, kình ngư đất Quảng Bình cũng chỉ được cọ xát ở một giải quốc tế duy nhất. Và nhân vật đặc biệt đã nắm giữ bí quyết thành công, tạo nên câu chuyện li kỳ ấy là HLV trẻ người Trung Quốc Hoàng Quốc Huy, cũng từng dẫn dắt kình ngư Việt đầu tiên 3 lần liền đoạt HCV SEA Games Nguyễn Hữu Việt.

Hai năm trước, ông Huy nhận lời quay trở lại Việt Nam để kèm cặp riêng Huy Hoàng. Bất chấp điều kiện rất tệ về cơ sở vật chất, dinh dưỡng tại Trung tâm HLTTQG Cần Thơ, ông Huy vẫn có thể mang tới khác biệt cho cậu học trò tài năng bằng một quy trình đào tạo vừa chuẩn quốc tế vừa phù hợp với đặc thù, kỹ lưỡng đến từng buổi tập. Ngoài khả năng truyền cho Hoàng khát vọng, sự tự tin, tinh thần quyết thắng một cách tự nhiên, ông cũng đã vô cùng thành công trong việc đẩy khối lượng vận động lên cao hay tính điểm rơi phong độ. Dưới tay ông, chỉ mất đúng 1 năm, Hoàng đã “nuốt” ngon lành 30km/ ngày tập. Cũng chính ông đã dự báo gần như chính xác hoàn toàn về cả thông số chuyên môn lẫn thành tích mà Hoàng có thể đạt được ở ASIAD, chỉ khác về màu huy chương.

Ông thày quốc tịch Iran Sayed Hassan Shaterzadeh từng có một năm gắn bó với ĐTQG Karate, rồi không được tái ký hợp đồng sau thất bại ở ASIAD 2014. Đến đầu 2017, ông bất ngờ nhận lời trở lại Việt Nam, cho dù đang có công việc ở chỗ khác với thu nhập tốt hơn nhiều. Hassan quyết định tái ngộ để chứng tỏ đẳng cấp của mình và thực hiện những gì còn dang dở. Rút kinh nghiệm, lần này ông thày có dáng vẻ như một tài tử điện ảnh đã không còn quá ôm đồm mà tập trung cao độ cho một số võ sĩ ưu tú, điển hình như Minh Phụng. Các bài tập của ông cũng không thiên quá về kỹ chiến thuật mà dành nhiều cho việc nâng cao thể lực cùng ý chí chiến đấu. Những sự điều chỉnh ấy của ông đã sớm mang tới hiệu quả khi trình độ, thành tích của các học trò nâng lên rõ rệt. Trong đó, thành quả ngọt ngào nhất chính là tấm HCB quý như vàng của Minh Phụng tại ASIAD 2018, với một màn trình diễn đổ máu, tới sức tàn lực kiệt khiến làng karatedo quốc tế nể phục.

Trên hết là tình yêu việt nam

img
Chuyên gia Hoàng Quốc Huy bên VĐV bơi Huy Hoàng và các học trò nhí

Rõ ràng những Joseph Donnelly, Park Chung Gun, Hoàng Quốc Huy và Hassan là những chuyên gia đẳng cấp thế giới mà thể thao có được.

Trong số này, dù nhiều lần được ngành thể thao đề nghị song ông thày rowing Donnelly vẫn một mực từ chối nhận tiền lương hay thưởng mà tiếp tục làm việc miễn phí hoàn toàn. Sau kỳ tích của Xuân Vinh, HLV Park đã được tưởng thưởng bằng việc tăng lương lên gấp đôi với 8 nghìn USD/tháng, còn hai HLV Hoàng Quốc Huy và Hassan vẫn nhận mức 4 nghìn USD/tháng.

Tuy nhiên, đây cũng đã là những ông thày ngoại đang hưởng lương cao nhất của thể thao Việt Nam. Nhìn sang HLV ngoại khác ở các môn thể thao đỉnh cao, mức lương khoảng 3 nghìn USD/tháng đã là một sự xa xỉ và hầu hết đều chỉ trên dưới 2 nghìn USD. Qua hai thập kỷ, mức kinh phí thuê chuyên gia nước ngoài theo quy định của nhà nước vẫn chỉ là 1,2 nghìn USD/tháng, giống như các lĩnh vực khác chứ không có đặc thù gì như đáng ra phải thế.

Những HLV có mức lương cao hơn, chủ yếu là do các bộ môn đã “lách luật”, hay nhờ cậy Liên đoàn - Hiệp hội theo môn hỗ trợ thêm. Phần lớn các chuyên gia nước ngoài hiện tại vẫn còn gắn bó với thể thao Việt Nam, chủ yếu là nhờ các mối quan hệ với cá nhân nào đó trong liên đoàn, bộ môn.

Mức thu nhập của các ông thày ngoại đã có thể coi là khá “bèo bọt” so với thế giới, có lẽ cũng chỉ đủ để lo cho bản thân cùng gia đình họ một cách tương đối ở nước mình. Nếu các học trò có thể tranh thủ về quê vào các dịp cuối tuần hay sau mỗi đợt tập huấn thi đấu thì các chuyên gia nước ngoài nhiều nhất cũng chỉ được về nước nghỉ hai lần, trong đó thường có một lần vào dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch.

Chuyện sinh hoạt của các ông thày ngoại cũng rất đơn giản, phần nào đó còn khá vất vả, thua thiệt, như ví von là mang đúng nghĩa người độc thân… vui vẻ. Họ không thể mang gia đình sang sinh sống tại Việt Nam vì nhiều lý do, mà chủ yếu là do kinh tế. “Người đặc biệt” Donnelley mỗi dịp sang Việt Nam đều di chuyển thẳng về CLB đua thuyền Song Giá ở Hải Phòng để rồi trải qua vài tháng liên tục “ba cùng” với ĐTQG rowing: Ở nhà trọ, ăn cơm thuê người dân nấu và mỗi ngày 8 tiếng phơi mặt mỏng tay trần cùng sóng gió. Chuyên gia bắn súng Park hay chuyên gia Hassan của karatedo, ở trong căn phòng chưa đến 10m2 cũ kỹ tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Nhổn (Hà Nội), ăn cơm tập thể. Với họ, cuộc sống hàng ngày gần như chỉ gói gọn từ phòng ở tới nhà tập và hai buổi huấn luyện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.