Xã hội

Những chuyện vui buồn ở Bạch Long Vĩ

17/11/2019, 15:25

Một điểm đặc biệt nữa là dân số ở đảo Bạch Long Vĩ có tuổi đời rất trẻ, độ tuổi trung bình của người dân nơi đây còn chưa tới 40...

img
Cuộc sống thường nhật trên đảo Bạch Long Vĩ

Cách đất liền khoảng 110km, là hòn đảo xa bờ nhất vịnh Bắc bộ, đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng). Là huyện đảo tiền tiêu chủ yếu phục vụ hậu cần nghề cá, cứu hộ cứu nạn và bảo đảm an ninh quốc phòng nên cuộc sống của người dân trên đảo cũng có nhiều điều thú vị, sống động riêng.

Huyện không tội phạm

Ngoài mục tiêu trở thành Trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn phía Bắc, huyện sẽ tập trung phát triển du lịch, đầu tư đóng tàu mới để rút ngắn thời gian di chuyển từ đất liền ra đảo từ 7 giờ xuống 3 giờ.
Ông Trần Quang Tường, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vĩ


Sáng sớm đầu đông 2019, anh Trần Quang Tường, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vĩ mặc bộ đồ thể thao chạy bộ một vòng vừa rèn luyện sức khỏe cũng còn nhằm nắm bắt tình hình đời sống của bà con trong huyện.

Anh Tường chạy thể dục tới đâu, nơi đó vang lên tiếng chào hỏi. Có người còn tỏ vẻ nghiêm túc: “Báo cáo bí thư, hôm nay em xin phép đi họp muộn 5 phút ạ”. Đáp lại những câu chào hỏi đó, anh Tường tươi cười nhắc tên từng người vừa chào hỏi mình. “Mình nhớ tên gần hết dân ở đây, đố bí thư huyện nào có thể làm được điều tương tự”, anh hóm hỉnh.

Sự cách biệt địa lý, không gian cũng như ý nghĩa đặc biệt về quốc phòng, an ninh tạo nên một Bạch Long Vĩ đầy ấn tượng. Để đi được tới Bạch Long Vĩ là một hải trình dài đằng đẵng 9 tiếng trên những con tàu lớn vượt qua 110km đường biển để tới đảo tiền tiêu. Anh Tường cho hay, đảo chỉ rộng 2,5km2 khi thủy triều lên và 4km2 khi thủy triều xuống, đường bộ vòng quanh đảo dài chừng 5km. Tuy nhiên, huyện đảo nhỏ xinh này cũng có đủ trường học, bệnh viện, trung tâm văn hóa...

Chỉ có điều, là đơn vị hành chính cấp huyện nhưng Bạch Long Vĩ lại không có đơn vị hành chính cấp xã, phường mà chỉ có các tổ dân phố. Các cơ quan hành chính cấp huyện sẽ xử lý mọi vấn đề liên quan của từng khu dân cư. Viện KSND, TAND huyện Bạch Long Vĩ có lẽ là những cấp Tòa, Viện “nhàn nhất” trong hệ thống tư pháp Việt Nam bởi gần như cả năm họ…thất nghiệp. Chưa từng có vụ trộm cắp, cướp giật nào xảy ra ở huyện từ ngày thành lập tới nay.

Đảo không có người già

img
Dự án cảng và khu neo đậu tàu phía Tây Bắc đảo Bạch Long Vĩ sau gần 10 năm thi công vẫn ì ạch

Một điểm đặc biệt nữa là dân số ở đảo Bạch Long Vĩ có tuổi đời rất trẻ, độ tuổi trung bình của người dân nơi đây còn chưa tới 40, người có số tuổi cao nhất chưa đến 50, với nòng cốt là lực lượng thanh niên xung phong. Đã từ hơn 20 năm qua, Liên đội thanh niên xung phong trên đảo vẫn duy trì nghi thức chào cờ vào 7h sáng bất kể nắng, mưa, gió bão góp phần khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ở mảnh đất tiền tiêu, nơi đầu sóng ngọn gió.

Với dân số hơn 600 người nhưng trên đảo Bạch Long Vĩ luôn có các lực lượng quân sự đông gấp nhiều lần dân số. Dù đảo nhỏ nhưng cũng có sân đỗ trực thăng và huyện đảo này cũng giữ kỷ lục về các đoàn khách cấp cao Nhà nước ra thăm bởi vị trí chiến lược là tiền đồn trên biển xa nhất của vịnh Bắc bộ.


Là một trong 62 thanh niên xung phong đầu tiên ra xây dựng đảo từ năm 1993, chị Nguyễn Thị Bích, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện chia sẻ: “Trước thời điểm năm 1992, trên đảo không có dân mà chỉ có lực lượng quân đội đóng chốt bảo vệ. Ngày 9/12/1992, Chính phủ ra Nghị định số 15 quy định thành lập huyện đảo Bạch Long Vĩ thuộc TP Hải Phòng. Một năm sau (năm 1993) chiếc tàu “há mồm” của lực lượng Hải Quân đưa 62 thanh niên xung phong ra đảo. Họ bám trụ lập nghiệp tai đây và xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái.

Chị Bích vẫn nhớ, khi đặt chân lên đảo, mọi người khá lo lắng vì cả đảo chỉ có vài dãy nhà của bộ đội, vài khóm cây bàng, phong ba, dứa dại, còn lại là đá và đá. “Chúng tôi cùng bộ đội bắt đầu xây dựng từng ngôi nhà, công trình, trồng từng cái cây trên đất sen đá. Việc xây dựng các công trình trên đảo tốn công sức gấp 4 lần ở đất liền bởi từng viên gạch, gói xi măng đều phải vượt qua hơn trăm cây số đường biển, xây dựng trong điều kiện nước sinh hoạt còn thiếu”, chị Bích kể.

Nhớ lại những ngày đầu ra đảo, ông Nguyễn Văn Hùng, một trong 5 hộ dân đầu tiên ra đảo Bạch Long Vĩ tâm sự: “Những ngày đầu ra đảo với chúng tôi là nỗi ám ảnh thiếu rau xanh, nước ngọt. Đảo không có lấy một cái hồ hay cái vụng nào chứa nước, chúng tôi phải tìm mạch nước đào xuống sâu hàng chục mét để lấy nước ngọt. Thèm rau quá, mấy đứa con của tôi phải vặt quả bàng nhai cho đỡ nhớ vị rau”.

Đó là câu chuyện của gần 30 năm về trước, giờ đây đảo Bạch Long Vĩ được phủ bởi một màu xanh xen kẽ những công trình xây dựng quy mô biến nơi đây thành một tiền đồn bảo vệ biên giới giữa vịnh Bắc bộ. Tại đỉnh cao nhất của đảo, ngọn hải đăng Bạch Long Vĩ vươn cao, soi chiếu định hướng cho tàu thuyền qua lại. Trên đảo ngày càng xuất nhiện nhiều công trình nhà cao tầng, các trụ sở khang trang. Đền, chùa, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ được xây dựng trên đảo góp phần đáp ứng đời sống tâm linh của cán bộ, chiến sỹ, nhân dân, đồng thời cũng là những dấu tích khẳng định chủ quyền trên biển tại hòn đảo tiền tiêu này.

Trăn trở ở đảo tiền tiêu

img
Hồ chứa nước ngọt trên đảo Bạch Long Vĩ chậm tiến độ, bị nghi ngờ về tính khả thi

Với vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, đồng thời là nơi neo đậu tàu thuyền của ngư dân đánh cá tại vùng biển vịnh Bắc bộ nên từ lâu Bạch Long Vĩ được quan tâm đầu tư nhiều công trình quan trọng. Tuy vậy, bên cạnh đó vẫn có những “hạt sạn” là những công trình dang dở tạo nên rào cản lớn đối với sự phát triển toàn diện của huyện đảo tiền tiêu này.

Xuất phát từ việc thiếu nước ngọt trên đảo Bạch Long Vĩ, từ năm 2005, dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt dung tích 60.000m3 với tổng mức đầu tư hơn 188 tỷ đồng được khởi công xây dựng. Tuy vậy, tới nay sau nhiều năm triển khai công trình vẫn đang dang dở, dưới lòng hồ cỏ mọc um tùm trong khi nhiều cấu kiện bê tông, sắt thép xây dựng từ ngày đầu đã có biểu hiện xuống cấp. Không chỉ chậm trễ, tính hiệu quả của công trình cũng là một điều khiến nhiều người băn khoăn.

Một cán bộ huyện Bạch Long Vĩ cho biết: “Nằm ở giữa biển, đảo Bạch Long Vĩ luôn có gió mạnh khiến tốc độ bốc hơi của nước rất lớn. Chum nước nhà tôi mở nắp quên 1 ngày đã mất đi 2mm nước, vậy với diện tích hàng ngàn m2, không được che chắn thì hồ chứa nước ngọt dù có lấy được đầy nước khi mưa xuống cũng chẳng giữ được bao lâu. Trong khi chờ hồ chứa nước ngọt ì ạch tiến độ, khó khả thi về hiệu quả thì người dân Bạch Long Vĩ vẫn phải sống trong cảnh “ăn đong” nước ngọt”.

Nguồn điện cung cấp cho đảo Bạch Long Vĩ cũng là vấn đề tồn tại nhiều năm qua. Do quá xa đất liền nên việc kéo điện lưới từ đất liền ra là không thể. Năm 2015, Bộ Công thương đã phê duyệt Chủ trương đầu tư dự án Cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vĩ giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, sẽ đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nguồn điện hỗn hợp: Gió + Mặt trời + Diesel + Lưu trữ năng lượng.

Cụ thể: Lắp đặt 4 tua bin điện gió, các tấm pin mặt trời, 2 máy phát Diesel, hệ thống lưu trữ năng lượng điện năng… để đảm bảo cấp điện cho toàn đảo Bạch Long Vĩ sử dụng 24/24h hàng ngày. Tuy vậy, cho đến nay chưa thấy bóng dáng những công trình kia đâu, cả đảo đang được cung cấp điện bằng 2 tổ máy phát diesel chạy thay phiên 16 giờ/ ngày.

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Bạch Long Vĩ cho biết: “Khi được thông báo về dự án cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vĩ, chúng tôi đã rất vui mừng, hy vọng sẽ giải được bài toán thiếu điện trên đảo. Tuy vậy, suốt nhiều năm qua chúng tôi vẫn phải sống trong cảnh thiếu điện, còn dự án thì chẳng thấy đâu”.

Trong các văn bản về chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam luôn xác định Bạch Long Vĩ là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của khu vực vịnh Bắc bộ. Âu tàu Bạch Long Vĩ đã được xây dựng kiên cố nhưng không đủ chỗ cho tàu, thuyền vào tránh trú bão, neo đậu. Năm 2010, dự án Cảng và Khu neo đậu tàu phía Tây Bắc đảo Bạch Long Vĩ có tổng đầu tư 560,503 tỷ đồng được đầu tư xây dựng. Tuy vậy, tới nay hiện trường Dự án vẫn đìu hiu với những công trình xây dựng dang dở.

Ông Trần Quang Tường cho biết: “Huyện đã báo cáo thành phố và được biết dự án vẫn chờ đợi vốn từ trung ương bố trí”. Như vậy, gần như chắc chắn dự án này không thể hoàn thành tiến độ vào năm 2020.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.