Hạ tầng

Những con đường, cây cầu giúp miền Tây “cất cánh”

29/01/2020, 09:30

Hàng loạt các dự án giao thông triển khai, hoàn thành trong năm 2020 hứa hẹn sẽ làm thay đổi diện mạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

img
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật (thứ hai, từ trái sang) kiểm tra cầu Vàm Cống trước khi khánh thành tháng 5/2019

Kinh tế phát triển nhờ cầu thay phà

Trước mắt, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, trong năm 2020, Bộ GTVT triển khai nhiều dự án quan trọng như: Nâng cấp QL30 từ TP Cao Lãnh đến TX Hồng Ngự, QL53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn, QL57 nối Vĩnh Long - Bến Tre, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, cải tạo các cầu trên QL1 qua tỉnh Tiền Giang. Ông Nguyễn Chung Khánh, Giám đốc Ban QLDA 7 cho biết, Ban đã yêu cầu các nhà thầu hoàn tất hồ sơ, tập trung thi công và hoàn thành các dự án này trong năm 2020 để sớm đưa vào khai thác, phục vụ người dân đi lại thuận tiện.

Từ QL30 đi lên cầu Cao Lãnh, theo tuyến đường mới rộng 4 làn xe chạy đến cầu Vàm Cống, băng qua những cánh đồng bao la, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi trở lại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, kể từ khi 2 cây cầu Cao Lãnh, Vàm Cống được đưa vào khai thác, thay thế cho những chiếc phà.

Tài xế Nguyễn Văn Thức (quận 8, TP HCM) thường xuyên chở hàng đông lạnh từ Long Xuyên về TP HCM cho biết, trước đây, mỗi lần đi phải canh giờ qua phà, có những lúc cao điểm tắc ở phà Vàm Cống suốt 4 tiếng đồng hồ mà vẫn không qua được. “Chở hàng đông lạnh mà trễ giờ là hỏng hàng ngay. Giờ có cầu quá thuận tiện”, anh Thức chia sẻ.

Đi dọc tuyến, chúng tôi cũng thấy xuất hiện những nhà máy chế biển thủy hải sản công nghệ cao vừa được xây dựng tại cụm công nghiệp của huyện Lấp Vò. Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh đã dành khoảng 300ha để quy hoạch khu công nghiệp công nghệ cao gần nút giao Tân Mỹ. “Đến nay đã có nhà đầu tư về xây dựng nhà máy chế biến thủy hải sản và đi vào hoạt động. TP Cao Lãnh cũng đã quy hoạch phát triển theo hướng kết nối đến trung tâm huyện Lấp Vò theo tuyến đường nối cầu Cao Lãnh đến cầu Vàm Cống, sau này dọc tuyến đường này sẽ rất sầm uất”, ông Dương khẳng định.

Bao đời nay bị cách trở bởi dòng sông Hậu, kể từ khi có cầu Vàm Cống, tỉnh An Giang là địa phương có nhiều sức bật mới. Ông Lê Văn Phước, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh An Giang cho biết, kể từ khi cầu Vàm Cống triển khai xây dựng đã thu hút các doanh nghiệp về đầu tư tại địa bàn. Năm 2019, tỉnh đã thu hút được 14 dự án đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đăng ký 795 tỷ đồng. Đến nay, đã có hơn 800 doanh nghiệp được thành lập mới và khoảng 100 doanh nghiệp quay trở lại An Giang hoạt động. Có cầu thay phà, lượng khách du lịch đến An Giang tăng cao hơn nhiều so với trước. Chỉ tính 9 tháng đầu năm 2019, An Giang đã đón được hơn 9,5 triệu lượt khách du lịch, tăng 7,69% so với cùng kỳ năm 2018, doanh thu từ du lịch mang lại hơn 4.000 tỷ đồng.

Cầu Vàm Cống được xem như mảnh ghép cầu cuối cùng của “Dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng sông Mê Kông” gồm cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và tuyến đường nối 2 cầu. Tuyến đường này cũng được Bộ GTVT quy hoạch trở thành tuyến cao tốc phía Tây vùng ĐBSCL, bắt đầu từ Củ Chi (TP HCM), theo tuyến N2 qua cầu Cao Lãnh đến cầu Vàm Cống theo tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi về đến Kiên Giang.

Ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông Cửu Long, cho biết, các nhà thầu đang nỗ lực để hoàn thành dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đưa vào khai thác trong năm 2020. “Đây sẽ là tuyến trục dọc thứ 2 của vùng ĐBSCL bên cạnh QL1 từ TP HCM băng qua Đồng Tháp Mười đến tứ giác Long Xuyên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của vựa lúa, vựa hải sản lớn nhất cả nước”, ông Thi nói.

Tuyến QL60 từ cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên vừa hoàn thành đưa vào khai thác những ngày cuối năm 2019 khiến người dân miền Tây rất phấn khởi vì đường về quê Tết này bớt khó khăn. Phần lớn người dân các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, đi lên TP HCM theo tuyến QL60, vì giảm hơn 40km so với đi QL1. Giờ tuyến QL60 mới hoàn thành, giảm thêm 10km so với đường cũ, giảm ùn tắc, kẹt xe.

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, đón đầu sự thuận lợi về giao thông, Công ty May Việt Vương ở huyện Mỏ Cày Bắc đã nâng công suất lên, sắp tới sẽ tăng số lao động từ 2.500 lên 5.000 người, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương. Doanh nghiệp Thanh Tân cũng đã quyết định đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm từ dừa tại huyện Mỏ Cày Nam để giải quyết đầu ra cho trái dừa là thế mạnh của Bến Tre.

Gấp rút triển khai nhiều dự án quan trọng

img
Cầu Vàm Cống thông xe đã kết nối giao thông các tỉnh vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên

Ùn tắc, kẹt xe là nỗi ám ảnh với nhiều người dân miền Tây mỗi khi vào dịp Tết hay trở lại TP HCM sau Tết. Ông Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ cho biết, vẫn còn ám ảnh khi chứng kiến cảnh kẹt xe kinh hoàng vào ngày mùng 6 Tết 2019, khi cả đoàn người từ miền Tây về TP HCM sau Tết. “Đoàn người vừa ô tô vừa xe tải, xe hai bánh… đi như kiến đổ về TP HCM từ cầu Cần Thơ đến gần tới cầu Mỹ Thuận, CSGT phải đi phát nước suối cho người dân. Đoạn đường từ Cần Thơ lên TP HCM gần 200km mà đi ô tô hơn 4 tiếng đồng hồ thì không thể phát triển được”, ông Trung nói.

Ông Cao Văn Trọng kể, có lần đi qua cầu Rạch Miễu bị kẹt cứng giữa cầu không đi được. Nhiều xe ô tô, xe máy xếp hàng dài trên cầu cả tiếng đồng hồ mà không thể tắt máy. “Tui thấy mặt cầu rung lên bần bật. Ngoài chuyện kẹt xe còn lo về vấn đề an toàn của cầu Rạch Miễu nữa”, ông Trọng kể lại.

Theo TS. Chung Thành Tiến, chuyên gia kinh tế, vùng ĐBSCL được xem là vựa lúa, vựa thủy sản của cả nước. Thế nhưng, những hạn chế về giao thông đã gây cản trở cho sự phát triển của vùng. “Sớm đầu tư cao tốc cho vùng ĐBSCL là rất cần thiết, cùng với đó là tận dụng hệ thống sông ngòi để phát triển hài hòa giao thông đường bộ với đường thủy” TS. Tiến đề xuất.

Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được dân cầu đường xem là một dự án “đẹp” nhưng có cuộc đời như nữ nhân vật chính trong bộ phim “Người đẹp Tây Đô” khi qua 3 “đời chồng” vẫn còn nhiều gian truân. Sở dĩ nói đây là dự án “đẹp” bởi là tuyến đường huyết mạch từ TP HCM về miền Tây, mặt bằng đã giải phóng xong, lưu lượng phương tiện lớn, khả năng thu hồi vốn tốt hơn nhiều dự án khác… Thế nhưng, hơn 10 năm, qua 3 nhà đầu tư, dự án vẫn chưa hoàn thành.

Tín hiệu vui là đầu năm 2019, Tập đoàn Đèo Cả đã được mời tham gia dự án. Đây là nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án lớn như: Hầm Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn…. Mặc dù khó khăn từ nguốn vốn tín dụng, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cũng quyết tâm thông tuyến vào năm 2020, đưa vào khai thác cuối năm 2021.

Để đón đầu cho tuyến cao tốc từ TP HCM về Cần Thơ, Bộ GTVT đã khởi công xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 vào những ngày đầu năm mới 2020 với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Cùng với đó, tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23,6km với tổng mức đầu tư 4.736 tỷ đồng cũng đang được rốt ráo triển khai công tác chuẩn bị đầu tư. Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, dự kiến tháng 7/2020 sẽ đấu thầu nhà đầu tư để khởi công vào cuối năm và hoàn thành vào năm 2022.

Một dự án cấp bách khác là cầu Rạch Miễu 2 nối Tiền Giang với Bến Tre cũng đang được xúc tiến đầu tư. Tiếp đó, dự án cầu Đại Ngãi trên QL60 nối Trà Vinh - Sóc Trăng cũng đang được Bộ GTVT lập báo cáo nghiên cứu đầu tư. Sau khi cầu Đại Ngãi hoàn thành, QL60 được nối thông, sẽ hình thành thêm một trục dọc chạy ven biển phía Đông của vùng ĐBSCL.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.