Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ của ngành nội vụ ngày 15/1, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh đề cập đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Ông chia sẻ, Hà Tĩnh có số lượng lớn nhất cả nước với 194/262 xã chưa đạt 50% một trong hai tiêu chuẩn trên. Trong đó, có 66 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% cả hai tiêu chuẩn.
Từ thực tế đó, tỉnh chỉ đạo từ nay đến năm 2021 bố trí số lượng cán bộ công chức cấp xã theo hướng giảm. Cụ thể, xã loại 1 không quá 21 người, loại 2 không quá 20, loại 3 không quá 19.
Theo tính toán, ông Khánh cho biết đến năm 2021, Hà Tĩnh sẽ giảm được hơn 1.200 cán bộ công chức cấp xã. Từ năm 2021 trở đi, mỗi năm tỉnh tiết kiệm được khoảng 70 tỷ đồng từ nguồn chi lương cho cán bộ công chức cấp xã.
Để thực hiện việc này, từ nay đến 8/2019, Hà Tĩnh phải hoàn thành bố trí mỗi xã không quá 8 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, giảm hơn 2.000 người.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hà Tĩnh cũng chia sẻ một số vướng mắc tỉnh gặp phải trong quá trình triển khai, như có trường hợp sáp nhập 3 xã thành một xã mới nhưng vẫn chưa đạt 50% cả hai tiêu chí. Có trường hợp nhập 2 xã thành 1 xã mới nhưng có 1 tiêu chuẩn dưới 50%, tiêu chuẩn còn lại trên 50% nhưng dưới 100%. Thêm vào đó là khó khăn về việc bố trí, sắp xếp đội ngũ dôi dư.
Vì vậy, Hà Tĩnh đề nghị sớm có hướng dẫn, kế hoạch, lộ trình thực hiện sáp nhập xã, huyện, trong đó nêu rõ nguyên tắc để giải quyết được khó khăn, vướng mắc như tỉnh đã nêu.
Đại diện khối Bộ, ngành, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Y tế - ông Phạm Văn Tác cho biết, đối với tuyến y tế T.Ư, Bộ Y tế thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Hiện nay, đã có 25/42 bệnh viện thực hiện tự chủ toàn bộ kinh phí thường xuyên đối với 25.362 người. Vì vậy kinh phí nhà nước không phải trả là khoảng 2.127 tỷ đồng.
Đối với tuyến y tế địa phương, hiện mỗi tỉnh thành có 5 – 9 trung tâm chuyên về y tế, trung bình mỗi tỉnh có 6 trung tâm. Nhưng theo thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Nội vụ thực hiện mô hình Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật nhập lại còn 1 trung tâm. Theo đó cả nước sẽ giảm 315 trung tâm tuyến tỉnh. Đến nay, đã có 54/63 tỉnh thành thực hiện việc sáp nhập này.
Theo tính toán của Bộ Y tế, khi sáp nhập các trung tâm này thành 1 trung tâm thì số lượng lãnh đạo sẽ giảm 315x4 người (1 cấp trưởng, 3 phó) = 1.260 vị trí lãnh đạo. Tương ứng với số lương 6 triệu đồng mỗi người/tháng thì một năm giảm được 90,72 tỷ đồng.
Đối với biên chế gián tiếp của ngành trong cả nước khoảng 17.000 người, trong đó có 3.400 người làm hành chính như lái xe, thủ quỹ, văn thư, kế toán…
Bộ Y tế cũng dự kiến giảm 2.140 người trong số này với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Như vậy một năm giảm 154 tỷ đồng.
Ngoài ra, 51 tỉnh thành đã giảm chi ngân sách 14,682 tỷ đồng từ việc không chi lương ngân sách đối với 35.000 biên chế y tế trong 70 đơn vị sự nghiệp.
Ở tuyến huyện, Bộ thống nhất mô hình trung tâm y tế huyện hợp nhất với bệnh viện huyện theo tinh thần Nghị quyết 19 của hội nghị T.Ư 6 thành trung tâm y tế đa năng.
Hiện cả nước có 713 quận huyện sẽ dư ra 713 đầu mối. Đến hết năm 2018, đã có 437/713 đơn vị cấp huyện tổ chức hợp nhất. Mỗi đơn vị có 4 lãnh đạo gồm 1 trưởng, 3 phó thì cả nước giảm được 1.748 vị trí lãnh đạo tương ứng với số tiền 126,238 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra còn giảm khoảng 784,728 tỷ đồng từ tiền ngân sách trả lương cho 10.899 biên chế gián tiếp là hành hính, lái xe, thủ quỹ, văn thư…
Như vậy nếu thực hiện hợp nhất ở tuyến huyện sẽ giúp ngân sách tiết kiệm khoảng 910,966 tỷ đồng mỗi năm.
Đối với y tế tuyến xã, Bộ Y tế nhất trí chuyển cán bộ y tế đủ chuẩn chức danh nghề nghiệp làm hợp đồng lao động và nhà nước cũng không phải chi trả thêm kinh phí nào.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận