Giao thông

Những con tàu vượt trùng khơi cứu nạn trên biển

18/07/2016, 14:00

Bất kể trùng khơi đang mùa gió bão, đêm tối mịt mùng, hễ xảy ra tai nạn là họ lên đường đi ứng cứu…

6

Tàu SAR 413

Bất chấp hiểm nguy, những “người lính” thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực III (Vungtau MRCC) luôn trong trạng thái “trực chiến”. Bất kể trùng khơi đang mùa gió bão hay đêm tối mịt mùng, hễ xảy ra tai nạn là họ lên đường đi ứng cứu…

Kỳ 1: Nhằm mùa biển động cứu người

Những ngày biển động, cả hai tàu SAR 413 và SAR 272 liên tục hoạt động trên biển trong điều kiện sóng gió mạnh cấp 7 - 8. Đêm tối mịt mùng giữa biển sóng có khi cao tới 3-4m, tất cả thủy thủ đoàn bám chặt thành tàu, dõi căng mắt theo ánh đèn pha kiếm tìm.

Vợ yếu, ba bệnh vẫn không bỏ cứu người

Trưa một ngày trung tuần tháng 7/2016, chúng tôi đến Vungtau MRCC (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Dù đang là buổi trưa nhưng tất cả thủy thủ đoàn của hai con tàu tìm kiếm cứu nạn SAR 272 và SAR 413 vẫn có mặt đông đủ, sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có lệnh. Cũng như nhiều đồng nghiệp, ông Lương Trường Phi, Phó giám đốc Vungtau MRCC từ lâu “quên” giấc ngủ trưa. Bên chén trà ông Phi tâm sự, tai nạn trên biển có thể xảy ra bất cứ lúc nào, không ai dự báo trước được. Thời tiết càng xấu, biển càng động mạnh, nguy cơ xảy ra các sự cố, tai nạn đối với các tàu hoạt động trên biển càng cao, đặc biệt là các tàu cá của ngư dân.

"Vungtau MRCC luôn chấp hành nghiêm chế độ trực ban 24/24h, tiếp nhận, xử lý nhanh chóng và tham mưu kịp thời, chính xác tất cả các thông tin liên quan đến các vụ việc tai nạn hàng hải. Trong những năm qua, Vungtau MRCC luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là địa chỉ tin cậy của người đi biển, là lực lượng luôn gần gũi, sát cánh, đồng hành với bà con ngư dân trên vùng biển phía Nam của Tổ quốc”.

Ông Nguyễn Anh Vũ
Tổng giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam

“Từ rất lâu rồi, Vungtau MRCC có nguyên tắc là bất kể lý do gì, điện thoại của tất cả cán bộ, nhân viên Vungtau MRCC phải luôn trong tình trạng liên lạc được. Khi nhận lệnh điều động lên tàu đi làm nhiệm vụ, anh em phải tức tốc có mặt, không viện cớ bận việc nhà, vợ yếu, con bệnh… mà bỏ lỡ thời cơ cứu người”, ông Phi nói.

Ông Phi nhớ lại, ngày 15/8/2004, khi ba đang bệnh nặng thì ông nhận được lệnh tham gia cứu nạn sà lan SG 00994 bị tàu Uni Forward đâm chìm tại khu vực vịnh Gành Rái. Toàn bộ 11 thuyền viên, có 4 người được cứu và 7 người mất tích. Tàu SAR 272 tham gia chỉ huy hiện trường để tổ chức tìm kiếm các nạn nhân. Đến 15h30 ngày 20/8/2004, khi tàu SAR 272 phát hiện và vớt được thi thể thuyền viên bị nạn cuối cùng, cũng là lúc ông nhận được tin ba ông đã qua đời. Vì nhiệm vụ mà ông không được gặp mặt ba lần cuối trước khi ba ông nhắm mắt xuôi tay…

Còn anh Hoàng Thế Lực, sỹ quan tàu SAR 413 chia sẻ, có lần mua cô búp bê rất xinh đẹp, định bụng tặng con nhân ngày Tết Trung thu nhưng vì phải đi cứu nạn khẩn cấp, 3 ngày sau anh mới trở về trao quà cho con gái. Cũng may, vợ con thông cảm và sẻ chia do đặc thù nghề nghiệp luôn phải đi về bất chợt, không định trước.

Có những quãng thời gian mà công tác tìm kiếm, cứu nạn trở nên “nghẹt thở” với Vungtau MRCC. Chẳng hạn như, từ ngày 3 - 23/12/2014, do thời tiết xấu nên liên tiếp xảy ra 10 vụ chìm tàu trên vùng biển từ Vũng Tàu đến Cà Mau. Anh Nguyễn Văn Độ, Thuyền trưởng tàu SAR 272 kể, những ngày này, cả hai tàu SAR 413 và SAR 272 liên tục hoạt động trên biển trong điều kiện sóng gió mạnh cấp 7 - 8. Các tàu chỉ tiếp nhiên liệu và nước ngọt khi đưa người vào bờ rồi lại lập tức ra khơi tìm kiếm cứu nạn. Đêm tối mịt mùng giữa biển sóng có khi cao tới 3 - 4m, tất cả thủy thủ đoàn bám chặt thành tàu, dõi căng mắt theo ánh đèn pha kiếm tìm. Cũng nhờ tinh thần làm việc đến quên mình của tất cả anh em thủy thủ đoàn nên hầu hết nạn nhân 10 vụ chìm tàu đã được cứu sống và tìm thấy…

5

Các thuyền viên tàu BV 97799 TS bị chìm do nổ bình gas, được cứu ngày 16/9/2015

Và những tình huống cứu nạn đến… khó tin

Cách đây chưa lâu, 20h37 ngày 30/10/2015, tàu Hoàng Phúc 18 chở theo 17 thuyền viên bị lật úp trên luồng Soài Rạp (TP.HCM). Ngay đêm hôm đó, có mặt tại hiện trường, PV Báo Giao thông ghi nhận, có 12 thuyền viên đã nhảy xuống biển và được một sà lan cứu giúp, còn lại 5 người đang mất tích. Tàu SAR 413 của Vungtau MRCC được điều động làm chỉ huy hiện trường phối hợp với các lực lượng nỗ lực tìm kiếm, cứu nạn từ suốt đêm đó cho đến nhiều ngày sau.

Vungtau MRCC đảm nhiệm vùng trách nhiệm tìm kiếm cứu nạn từ vĩ tuyến 11010’ trở vào Nam bao gồm: Phía Bắc giới hạn đến vĩ tuyến 11010’N, phía Nam giới hạn bởi ranh giới biển Việt Nam - Malaysia, phía Đông giới hạn đến kinh tuyến 111040’E và phía Tây giới hạn bởi biên giới trên biển giữa Việt Nam - Campuchia. Từ năm 2010 đến tháng 5/2016, Vungtau MRCC đã tiếp nhận 791 thông tin báo nạn, trong đó có hơn 71% thông tin báo nạn là thật. Các tàu cứu nạn của Vungtau MRCC đã cứu được 2.016 người, trong đó có 140 người nước ngoài…

Đến 11h30 ngày 31/10, điều kỳ diệu đã xảy ra, một thuyền viên được cứu lên từ bụng tàu sau khi đội cứu hộ nghe tiếng gõ từ boong và cắt một lỗ ở đáy để lặn vào đưa nạn nhân thoát ra sau nhiều giờ sống trong hoảng sợ. Một ngày sau, lúc 9h đội tìm kiếm cứu nạn vớt được hai thi thể thuyền viên gặp nạn ngoài phao số 0, nhưng vẫn còn hai nạn nhân chưa được tìm thấy. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, các tàu tìm kiếm cứu nạn của Vungtau MRCC phối hợp với các lực lượng và ngư dân tìm được thi thể thứ ba lúc 17h40 ngày 3/11 ở cửa Định An (Trà Vinh). Tuy nhiên, thi thể nạn nhân cuối cùng, mãi đến 15h50 ngày 8/11 mới được phát hiện và vớt lên tại mũi Cà Mau, cách nơi tàu bị đắm gần 200 hải lý.

Ông Bùi Ngọc Trí, Phó phòng Phối hợp cứu nạn Vungtau MRCC vẫn nhớ như in khoảnh khắc tiếp nhận tin báo vụ sà lan Trường Thịnh 09 bị nạn. Hôm đó (khoảng gần 20h ngày 15/4/2010), ông Trí nhận được điện thoại từ một thuyền viên trên sà lan Trường Thịnh 09: “Anh ơi cứu em với, tàu em đang chìm”. Hỏi vị trí thì không xác định được. Thủy thủ chỉ kịp nói tàu đang hành trình từ Cửa Tiểu về Sao Mai - Bến Đình và nhìn thấy đèn quay Vũng Tàu, đèn xanh - đỏ luồng Vũng Tàu - Sài Gòn rồi im bặt. Ban lãnh đạo Vungtau MRCC lập tức kiểm tra thông tin từ các đầu mối như Bộ đội Biên phòng và Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu nhưng không ai biết vì sà lan chở cát này đã không thông báo tuyến hải trình theo quy định.

Từ những thông tin ít ỏi mà thuyền viên sà lan gặp nạn thông báo, bằng kinh nghiệm thực tiễn cộng với những tính toán khoa học, Ban Chỉ huy kíp trực dự đoán vị trí sà lan chìm gần phao số 0 trên biển Vũng Tàu. Tàu SAR 272 được điều động đến hiện trường “giả định”, 1 giờ sau, tàu tiếp cận khu vực sà lan đắm. Sau khi quét 3 đường đèn pha, tàu phát hiện được mũi sà lan chỉ còn nhấp nhô lên mặt biển, trên đó có 9 thủy thủ đang đeo bám. Khi SAR 272 đưa thuyền viên cuối cùng lên boong tàu thì cũng là lúc chiếc sà lan chìm nghỉm. Đến 22h30 cùng ngày, các thuyền viên được đưa vào bờ an toàn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.