Chất lượng sống

Những cú lừa kinh điển ngày Cá tháng tư (1/4)

25/03/2017, 08:05

Thả bom giả, chim cánh cụt biết bay, trồng mì spaghetti ... là những cú lừa kinh điển Ngày Cá tháng tư (1/4).

10_zing

Cá tháng tư (1/4) là cơ hội đem tới những trò đùa có một không hai, khiến người khác "dở khóc dở cười"

Thả bom giả

zing_bom

Hình ảnh những binh lính Đức bỏ chạy vì tưởng Pháp ném bom (Ảnh: Topyaps.com)

Ngày 1/4/1915 trong giai đoạn Thế chiến I, một phi công Pháp lái máy bay và thả một quả bom xuống doanh trại quân đội Đức. Binh sĩ Đức lập tức hoảng loạn và di tản ra các hướng, nhưng sau đó vụ nổ đã không xảy ra. Một lúc sau, các binh sĩ tới hiện trường và tiếp cận quả bom. Họ phát hiện ra đó thực chất là quả bóng lớn ghi dòng chữ: "Ngày Cá tháng tư".

Trồng mì spaghetti

Cú lừa cá tháng tư của hãng truyền thông BBC được mệnh danh là “trò xỏ lá khủng nhất của một cơ quan truyền thông có danh tiếng”: Thu hoạch mì spaghetti trên cây. Vào năm 1957, chương trình truyền hình Panorama của BBC chiếu cảnh người dân Thụy Sĩ đang thu hoạch mì spaghetti. Tin tức đã nhanh chóng lan truyền khiến người dân xôn xao còn BBC thì nhận được hàng trăm cú điện thoại của khán giả hỏi về kỹ thuật trồng cây mì spaghetti.

Hô biến tivi trắng đen thành tivi màu

zing_tv2_2

Chuyên gia kĩ thuật Kjell Stensson hướng dẫn khán giả biến TV trắng đen thành TV màu (Ảnh: blog.sciencenet.com)

Năm 1962, Thụy Điển chỉ có duy nhất một kênh truyền hình với những hình ảnh màu đen, trắng. Nhưng ngày 1/4/1962, chuyên gia kỹ thuật Kjell Stensson, thông báo rằng, mọi người có thể xem những hình ảnh với màu sắc sinh động ở trên TV bằng cách trùm một tấm nilon màu lên màn hình. Để thuyết phục khán giả hơn Stensson đã làm mẫu trực tiếp trong chương trình. Hàng nghìn người đã bắt chước ông.

Sau nhiều năm, nhiều người bật cười khi nhớ lại cảnh cha mẹ của họ lục tung nhà để tìm nilon như thế nào.

Bay lơ lửng vào ngày 1/4

Hãng truyền thông nước Anh chưa bao giờ chịu dừng trong các trò “chơi xỏ” ngày Cá tháng tư. Vào năm 1975, BBC Radio 2 dẫn lời một nhà thiên văn học nổi tiếng, Sir Patrick Moore bảo rằng do sự xếp thẳng hàng rất ngẫu nhiên và chưa từng có tiền lệ của hai hành tinh trong ngày 1/4, mọi người sẽ được trải nghiệm “cảm giác bồng bềnh lạ lùng”. Lời “tiên tri” ép phê đến độ nhiều thính giả phản hồi với BBC rằng họ đã trải nghiệm cảm giác này. Chẳng hạn một phụ nữ bảo bà cùng 11 người bạn đã “lướt nhẹ trên ghế mà di chuyển quanh phòng”. BBC tất nhiên hào hứng đăng tải các “phản hồi dễ thương” này.

“Đẻ” thêm một quốc gia

San Serriffe là tên của một đảo quốc do tờ báo Anh Guardian khai sinh ra, trở thành một trong những cú lừa Cá tháng tư được nhắc tới nhiều nhất. Vào năm 1977, Guardian đã xuất bản một phụ trương kèm báo dày tới 7 trang mô tả về đất nước San Serriffe xinh đẹp. Phụ trương được xuất bản nhân kỷ niệm 10 năm ngày độc lập của đảo quốc này, kèm theo rất nhiều quảng cáo từ các công ty lớn của San Serriffe. Hẳn là nhiều người muốn tìm cơ hội hợp tác làm ăn hay chí ít là đi du lịch.

Tặng kim đồng hồ kĩ thuật số Big Ben

Năm 1980, đài BBC của Anh đưa tin rằng đồng hồ Big Ben ở giữa trung tâm thành phố London sẽ chuyển sang chế độ kỹ thuật số để đáp ứng sự phát triển của thời đại. Đài BBC còn treo giải cho 4 thính giả đầu tiên gọi điện về cho đài được tặng kim đồng hồ của Big Ben. Cú lừa của BBC khiến nhiều thính giả tức giận nhưng cũng có những người “mắc bẫy”. Thậm chí, một thủy thủ Nhật Bản ở Đại Tây Dương cũng gọi điện cho BBC để đăng ký nhận giải thưởng, theo Mirror.

Cuộc xâm chiếm của người ngoài hành tinh

Ngày 31/3/1989, hàng nghìn người lái xe trên đường cao tốc bên ngoài thủ đô London (Anh) bắt gặp cảnh tượng một vật thể bay phát sáng đang lao xuống đất.

zing_UFO

Ông chủ hãng hàng không Virgin Record tạo UFO giả để "lừa" mọi người trong ngày Cá tháng tư (Ảnh: Hoaxes.org)

Vật thể sau đó đáp xuống một cánh đồng. Người dân địa phương liền báo cảnh sát về vụ việc mà họ gọi là “sự xâm lược của người ngoài hành tinh”. Một trong những nhân viên cảnh sát có mặt tại hiện trường dũng cảm tiếp cận với vật thể giống như chiếc phi cơ.

Tuy nhiên, vật thể này thực ra là một khinh khí cầu có tạo hình giống UFO do Richard Branson, ông chủ hãng hàng không Virgin Records tạo ra. Richard muốn chiếc UFO giả tiếp đất tại công viên Hyde, London, vào ngày Cá tháng tư để “lừa” mọi người. Nhưng gió lớn khiến UFO giả bị đổi chiều, gặp sự cố và hạ cánh sớm hơn dự kiến một ngày.

Richard Nixon tái tranh cử Tổng thống Mỹ

Ngày 1/4/1992, chương trình Talk of the Nation trên đài phát thanh Mỹ loan tin, tổng thống thứ 37 Richard Nixon, người từ chức năm 1974 vì loạt bê bối, bất ngờ tái tranh cử. Chương trình còn phát đoạn ghi âm Nixon tuyên bố khẩu hiệu tranh cử: "Tôi đã không làm gì sai và tôi sẽ không mắc sai lầm lần nữa".

Khi nghe tin, rất nhiều thính giả vô cùng phẫn nộ. Họ liên tục gọi điện tới chương trình để bày tỏ thái độ giận dữ. Câu chuyện "vỡ lở" ở nửa sau của chương trình khi phát thanh viên tiết lộ, thông tin chỉ là bịa đặt nhân ngày Cá tháng tư. Tiếng Nixon là do danh hài Rich Little giả giọng.

U2 trình diễn ở Cork (Ireland)

Hằng trăm “fan” của U2 đã náo nức đi xem ban nhạc này trình diễn bất ngờ tại Cork (Ireland) theo thông báo từ đài phát thanh RedFM. Khi khán giả đã có mặt đông đủ, một ban nhạc đóng giả làm U2, tự xưng là U2Utopia ra trình diễn “tạm”.

Tony Blair giả gọi điện cho Nelson Mandela thật

mandelar_tsmt

Đến chính trị gia lão luyện như Mandelar cũng bị lừa (Ảnh: Reuters)

Cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela lúc sinh thời từng hứng trọn một cú lừa của Nic Tuff, người dẫn chương trình đài phát thanh West Midlands ở Anh. Tuff giả vờ làm Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là Tony Blair. Ông Mandela rất vui vẻ trả lời “ông bạn” ở xứ sở sương mù, không hề biết rằng mình bị lừa cho đến khi Tuff “vô tình” hỏi: “Anh làm gì trong ngày Cá tháng tư?”.

Chim cánh cụt biết bay

218728_large

Hình ản chim cánh cụt biết bay theo BBC (Ảnh: Internet)

Ngày 1/4/2008, BBC tung video ghi hình ảnh chim cánh cụt Adélie bay ở Nam Cực. Nhà báo Terry Jones còn giải thích rằng, thay vì trải qua mùa đông giá lạnh ở Nam Cực, chim cánh cụt phải bay hàng nghìn dặm tới các khu rừng ở Nam Mỹ để tận hưởng ánh nắng mặt trời. Một ngày sau khi xuất hiện, video đã thu hút 100.000 lượt xem.

Tuy nhiên, sau đó, BBC cũng đăng tải video nói về việc các nhà làm phim tạo hiệu ứng chim cánh cụt bay như thế nào. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.