An ninh hình sự

Những cú lừa tiền tỷ sau một cuộc gọi

18/05/2024, 06:26

Mạng xã hội gần đây xuất hiện nhiều tài khoản giả mạo công an, viện kiểm sát để lừa đảo. Dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, song nhiều người dân vẫn bị sập bẫy.

Chuyển hàng chục tỷ cho người lạ sau cuộc gọi

Công an quận Tây Hồ, TP Hà Nội vừa tiếp nhận đơn tố giác của bà T (SN 1947, trú tại quận này) về việc bị chiếm đoạt tài sản. Theo đơn trình báo, bà T nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an quận Hoàn Kiếm nói bà đang nợ ngân hàng 63 tỷ đồng. Sau đó, đối tượng yêu cầu bà chuyển tiền vào tài khoản của hắn để xác minh. Do lo sợ, nạn nhân chuyển 6 lần với tổng số tiền gần 18 tỷ cho kẻ lạ mặt.

Những cú lừa tiền tỷ sau một cuộc gọi- Ảnh 1.

Các đối tượng vụ lừa đảo hơn 200 tỷ ở Nghệ An.

Trường hợp của bà T không phải hiếm bởi trước đó, hàng trăm người dân ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước cũng có đơn trình báo với nội dung tương tự.

Điển hình là vào ngày 5/4, người phụ nữ tên P (SN 1956, ở quận Hà Đông, Hà Nội) nhận được cuộc gọi điện thoại của ai đó tự xưng là cán bộ công an. Đối tượng này nói rằng, căn cước công dân của bà P có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền.

Nếu bà không chứng minh được mình vô can sẽ bị bắt. Chưa kịp hiểu rõ đầu đuôi và cũng chẳng tìm hiểu sự tình, bà P vội vàng chuyển khoản 32 lần, với tổng số tiền 15 tỷ đồng vào tài khoản mà kẻ gian cung cấp.

Giữa tháng 1/2024 vừa qua, bà N (SN 1960, quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng nhận được điện thoại của một đối tượng nam giới tự nhận là cán bộ công an. "Đối tượng đe dọa bà N có liên quan đến vụ án rửa tiền và buôn bán ma túy. Để phục vụ điều tra, đối tượng yêu cầu bà kê khai tài sản để chứng minh bản thân không liên quan", đại diện Công an Tây Hồ cho hay.

Bị kẻ lạ mặt gọi điện thoại đe dọa, bà N lo sợ nên đã chuyển số tiền 4,5 tỷ đồng vào tài khoản của đối tượng. Đến khi biết mình bị lừa, nạn nhân trình báo cơ quan công an.

Những chiêu trò tinh vi

Sau hàng trăm vụ lừa đảo với các thủ đoạn rất tinh vi, Bộ Công an đã tích cực vào cuộc, truy vết những kẻ gây án để đưa ra ánh sáng.

Đầu tháng 2, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An và nhiều đơn vị "hốt" trọn ổ nhóm gồm 32 đối tượng người Việt Nam (làm việc tại Campuchia) lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân trên cả nước, với số tiền hơn 200 tỷ đồng.

Theo điều tra, Tăng Quảng Vinh (SN 1989, trú tại quận 5, TP.HCM) là một trong những đối tượng chủ mưu. Vinh cấu kết với các đối tượng người Nghệ An và Đài Loan (Trung Quốc) tổ chức đường dây hoạt động phạm tội trong các công ty đặt trụ sở ở nước ngoài.

Các đối tượng tổ chức đường dây lừa đảo thành 3 tuyến gồm D1, D2, D3. Trong đó, D1 là nhóm giả danh để gọi điện thoại, đe dọa bị hại có liên quan đến tổ chức tội phạm, rửa tiền, ma túy nào đó.

Tiếp đó, D1 chuyển cuộc gọi sang cho D2 (gồm những đối tượng xưng là cán bộ công an, tòa án, viện kiểm sát...) thông báo cho bị hại về việc giấy tờ tùy thân của nạn nhân đang bị tội phạm lợi dụng (phù hợp với nội dung cuộc gọi của D1).

Sau đó, các đối tượng yêu cầu bị hại phối hợp điều tra, dọa bắt giam hay phong tỏa tài khoản. Khi các bị hại sợ hãi, đối tượng yêu cầu họ cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, kê khai sổ tiết kiệm, tiền mặt, vàng, ngoại tệ, xe cộ... để xác minh.

Nếu bị hại cung cấp, D2 sẽ chuyển cho D3 (là đối tượng chủ mưu, cầm đầu). Từ đó, D3 yêu cầu bị hại đọc thông tin tài khoản và mã OTP cho chúng chiếm đoạt tài khoản ngân hàng của bị hại và rút tiền.

Mới đây nhất, hôm 9/5, TAND TP Hà Nội xét xử các bị cáo Lê Văn Trình (SN 1975), Nguyễn Đình Quang (SN 1994), Đào Viết Điệp (SN 1990, cùng quê Thái Bình) về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Năm 2020, Trình và đồng bọn thất nghiệp, rủ nhau giả danh cán bộ công an, gọi điện thoại cho nhiều người (chủ yếu ở độ tuổi từ trung niên trở lên) tại Hà Nội để lừa đảo. Các đối tượng đã tìm kiếm các số điện thoại của nhiều người và giả danh công an, thông báo tiền tiết kiệm của nạn nhân có liên quan đến vụ án rửa tiền, yêu cầu bị hại rút toàn bộ tiền tiết kiệm chuyển vào tài khoản chỉ định để chứng minh sự trong sạch.

Từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2020, nhóm của Trình gây ra ba vụ lừa đảo chiếm đoạt tổng cộng hơn 700 triệu đồng của ba cụ bà hơn 75 tuổi tại Hà Nội.

Để nhận tiền mà không lộ dấu vết, các đối tượng tìm mua chứng minh nhân dân, bóc ảnh chân dung thay bằng ảnh khác rồi đăng ký mở tài khoản ngân hàng.

Làm gì để tránh mất tiền oan?

Trao đổi với PV, đại diện Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết, thời gian qua hoạt động của loại tội phạm lừa đảo qua không gian mạng diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về kinh tế, khiến dư luận bức xúc.

Khi gây án, các đối tượng tổ chức phân công vai trò cụ thể, có kế hoạch lừa đảo và dựng kịch bản chi tiết trong từng giai đoạn phạm tội. Các đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài, gây không ít khó khăn cho cơ quan điều tra.

Theo thống kê của Bộ Công an, bị hại của các vụ lừa tiền đa phần là phụ nữ và người trên 60 tuổi. Cũng có nạn nhân là cán bộ công chức, do bảo mật thông tin cá nhân kém, lo sợ bị mất uy tín nên dính "bẫy" của kẻ lừa đảo qua điện thoại hoặc qua mạng xã hội.

Thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học tư vấn, người dân nên thường xuyên theo dõi, cập nhật những thông báo phòng ngừa của cơ quan chức năng về các thủ đoạn lừa đảo đang diễn ra.

Theo ông Hiếu, khi nhận được cuộc gọi của người lạ mà hỏi về thông tin cá nhân hay ngân hàng hoặc nhận được tin nhắn nghi vấn, mọi người tuyệt đối không cung cấp thông tin đăng nhập, mật khẩu hay mã OTP hoặc truy cập vào đường link lạ.

"Cán bộ công an, tòa án... khi xác minh, điều tra đều làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, địa chỉ của tổ chức, cá nhân. Vì thế, các cuộc gọi đều là giả mạo", ông Hiếu khẳng định.

Đại diện Bộ Công an cho biết, về nguyên tắc, công an tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội.

Trong trường hợp nhận được cuộc điện thoại có dấu hiệu lừa đảo, người dân không nên tỏ ra lo sợ, cần nhanh chóng liên hệ với người thân, hoặc thông báo cho công an địa phương để được hỗ trợ kịp thời.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.