Đương kim Chủ tịch Barcelona Joan Laporta. Ảnh: Marca
Là một trong những CLB nổi tiếng nhất thế giới, sở hữu những siêu sao, chơi thứ bóng đá hoa mỹ làm mê đắm lòng người, Barcelona từng là niềm khát khao của rất nhiều thế hệ cầu thủ. Tuy nhiên, thành công của đội bóng này luôn bị phủ bóng bởi những đấu đá, toan tính chính trị ở hậu trường.
3 vị chủ tịch liên tiếp mất ghế khi chưa hết nhiệm kỳ
Kỳ chuyển nhượng trước mùa giải 2020 - 2021, HLV Ronald Koeman rất muốn đưa Memphis Depay về sân Nou Camp nhưng cái giá 40 triệu euro Lyon đưa ra khiến Barcelona chùn bước. Không thể tin nổi, một đội bóng hàng đầu thế giới lại không có đủ 40 triệu euro để chiêu mộ một cầu thủ phục vụ cho ý đồ của HLV mới.
Nhưng giới chuyên môn lại không bất ngờ với điều này. Thói quen chi tiêu thiếu hợp lý và những cuộc đấu đá không ngừng nơi hậu trường khiến đội bóng xứ Catalan trở nên kiệt quệ, lâm vào tình trạng nợ nần.
Cộng thêm tác động của đại dịch Covid-19, Los Blaugrana đứng trước nguy cơ thoái trào, kết thúc chu kỳ thành công từ năm 2006 với 4 chức vô địch Champions League cùng hàng tá danh hiệu lớn nhỏ.
Hồi tháng 2 vừa qua, Chủ tịch Juan Laporta chính thức trở lại nắm quyền cao nhất ở sân Nou Camp. Trước đó, Chủ tịch Josep Bartomeu phải từ chức vì sức ép quá lớn của dư luận.
Ông Bartomeu bị cáo buộc cầm đầu vụ “BarcaGate” bôi nhọ danh dự nhiều thành viên Hội đồng quản trị, những cựu cầu thủ có tầm ảnh hưởng và cả một số ngôi sao đang thi đấu. Mục đích nhằm dọn đường cho cuộc bầu cử diễn ra đầu năm 2021. Theo cáo buộc, ông Bartomeu đã thuê một công ty truyền thông thực hiện những âm mưu này.
Đáng nói, cựu Phó chủ tịch Emili Rousaud, người đứng ra tố cáo ông Bartomeu với Công tố viên từng ủng hộ ông này trong cuộc bầu cử cách đây vài năm. Nhưng nực cười hơn cả, sau khi bắt giữ Bartomeu, cảnh sát phải trả tự do cho ông bởi không đủ chứng cứ buộc tội.
Lần giở lại quá khứ, năm 2010, Phó chủ tịch Sandro Rosell được cho đã đứng sau “giật dây” Oriol Girust - một thành viên Hội đồng quản trị tố cáo Chủ tịch Laporta không minh bạch và thiếu dân chủ trong điều hành. Ông Laporta ra đi trước khi “cánh tay mặt” một thời Rosell lên nắm quyền.
Và như bị “ma ám”, ông Rosell tại vị được già nửa nhiệm kỳ thì bị tố cáo tham nhũng trong vụ chiêu mộ Neymar. Vị Chủ tịch này sau đó cũng phải từ chức để Phó chủ tịch Josep Bartomeu lên thay. Và như đã nói ở phần đầu, ông Bartomeu trở thành vị Chủ tịch Barcelona thứ ba liên tiếp phải rời nhiệm sở trước khi kết thúc nhiệm kỳ.
Về phần Rosell, vị cựu Chủ tịch này thậm chí còn bị kết án 2 năm tù vì tội rửa tiền, trốn thuế và móc ngoặc với Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Brazil thâu tóm, chia chác nhiều thương vụ bản quyền truyền hình tại đất nước Nam Mỹ.
“Nếu không phải là Chủ tịch Barcelona, chưa chắc tôi đã phải vào tù. Dĩ nhiên, họ có quyền theo dõi tôi, điều tra công việc làm ăn của tôi. Nhưng tại sao khi tôi chưa trở thành Chủ tịch Barcelona, chẳng ai thèm quan tâm đến chuyện này?”, Rosell phát biểu trên Mundo Deportivo sau khi mãn hạn tù.
Tờ New York Times nhận xét: “Barcelona đã bị kìm kẹp bởi sự xấu xa, những âm mưu đen tối đằng sau hậu trường, trái ngược hẳn với vẻ hào nhoáng bên ngoài cùng nhiều thành công trên sân cỏ suốt hơn một thập kỷ qua”.
Bóng đá đặt trong toan tính chính trị
Phong trào đòi độc lập ở Catalan lên cao trong những năm trở lại đây. Ảnh: Politico
Tờ Offthepitch cho rằng, chính mô hình hoạt động của Barcelona đã khiến đội bóng này thường xuyên đối đầu với các cuộc nội chiến. Cụ thể, Barcelona không thuộc tổ chức, cá nhân nào mà thuộc quyền sở hữu của một Hội đồng thành viên lên tới hàng trăm người. Hội đồng này có trách nhiệm bầu ra Hội đồng quản trị, Chủ tịch và các Phó chủ tịch.
“Quyền lực ở sân Nou Camp phân tán quá rộng, tạo những lỗ hổng trong quản lý, điều hành. Khi xảy ra mâu thuẫn thường rất khó giải quyết bởi thiếu quyền sở hữu tối cao”, Offthepitch phân tích và cho biết, quy chế quản trị nội bộ yếu kém cũng là nguyên nhân khiến Barcelona dễ nảy sinh mâu thuẫn.
Tuy nhiên, theo nhận định của tờ Goal, Barcelona không đơn thuần là đội thể thao, đội bóng này còn là công cụ liên quan tới đấu đá chính trị.
“FIFA cấm tuyệt đối việc trộn lẫn chính trị với thể thao. Khẩu hiệu này cũng thường được rêu rao ở Tây Ban Nha nhưng Barcelona vẫn trở thành nạn nhân để phục vụ toan tính chính trị. Barcelona là đội bóng của xứ Catalan trong khi chính quyền và người dân nơi đây luôn yêu cầu một nền độc lập, tách khỏi Tây Ban Nha”, Goal viết.
Theo thông tin Goal đăng tải, dưới thời nhà độc tài Francisco Franco, ngôn ngữ và cờ xứ Catalan bị cấm sử dụng. Nơi duy nhất xuất hiện hai thứ này là… sân Nou Camp. Đương nhiên, những nhà đấu tranh cho quyền độc lập của Catalan luôn tận dụng điều này. Chỉ riêng chi tiết như vậy đã đủ thấy vai trò của đội bóng áo sọc xanh - đỏ trên bàn cờ chính trị tại đất nước thuộc bán đảo Iberia.
Sau này, tầm phủ sóng và ảnh hưởng cực lớn của đội chủ sân Nou Camp khiến họ trở thành con bài quan trọng cho cả phe Catalan và phe Chính phủ Tây Ban Nha. Vài năm gần đây, phong trào đòi độc lập tại Catalan càng dâng cao nhưng ngoại trừ một số cầu thủ lên tiếng ủng hộ, Barcelona vẫn đứng ngoài cuộc, luôn phát đi ý kiến trung lập. Cựu Chủ tịch Josep Bartomeu đương nhiên là người đưa ra chủ trương này.
Một chi tiết rất đáng lưu ý, người tố cáo Bartomeu - Emili Rousaud thuộc hệ tư tưởng muốn Catalan độc lập và tân Chủ tịch Juan Laporta cũng tương tự. Từ đây, có thể đặt giả thuyết phe thân Catalan ở Nou Camp đã hành động nhằm mục đích biến Barcelona trở thành đại sứ trong cuộc chiến đòi độc lập.
“Nou Camp không chỉ là một sân bóng mà còn là nơi những người hâm mộ ủng hộ độc lập cho Catalan. Họ hô vang “tự do” ở phút 17 trong mỗi trận đấu trên sân nhà để đánh dấu trận chiến năm 1714, thời điểm quân đội Tây Ban Nha đánh chiếm TP Barcelona, thủ phủ xứ Catalan”, bình luận viên Ben Hayward nêu quan điểm.
“Bất kể Hội đồng quản trị Barcelona có quan điểm ra sao, chủ trương của từng đời chủ tịch khác nhau thế nào thì thể thao và chính trị luôn gắn bó chặt chẽ với nhau ở Nou Camp. Khẩu hiệu “Hơn cả một câu lạc bộ” cũng bắt nguồn từ đây. Họ sẽ luôn là như vậy”, Ben Hayward kết luận.
Tờ Offthepitch nhìn nhận, Barcelona là một đội bóng đặc biệt, một đội bóng luôn đứng bên bờ vực nội chiến để tranh giành quyền lực.
“Những người đứng đầu CLB này dường như chỉ nghĩ tới mục đích cá nhân, dùng mọi thủ đoạn để triệt hạ lẫn nhau nhằm tạo lợi thế cho bản thân. Trong đó, chiêu trò chính là mua chuộc truyền thông, tạo ra khủng hoảng và giật dây tố cáo quan chức đương nhiệm. Chính những cuộc khủng hoảng truyền thông đã lấy đi của Barcelona rất nhiều tiền. Họ bị ngân hàng siết nợ, nhiều đối tác rời bỏ và tình hình tài chính ngày một khó khăn”, Offthepitch đánh giá.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận