Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Bạc Liêu nói riêng, tình hình tội phạm mua bán người có yếu tố diễn biến phức tạp.
Bên cạnh những lời mời gọi “việc nhẹ, lương cao” thì sự hào nhoáng của những cuộc hôn nhân ngoại quốc cũng là nguyên nhân đẩy nhiều chị em phụ nữ rơi vào bi kịch.
Những cuộc trốn chạy bất thành nơi đất khách
Hơn 6 tháng trôi qua, chị Huỳnh N. (ngụ phường 13, quận 6, TP.HCM) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại cho chúng tôi nghe về hành trình thoát khỏi “hang ổ” của bọn buôn người.
Chị T. kể lại bi kịch của cuộc hôn nhân ngoại quốc đầy oan trái của mình. Ảnh: Trọng Nguyễn
Năm 2020, do đang thất nghiệp, chị N. đã lên các trang mạng xã hội để tìm việc làm thì quen biết với một người phụ nữ sống tại TP Cần Thơ hứa sẽ đưa chị sang Trung Quốc đi làm tại công ty sữa chua với mức lương 18 triệu đồng/tháng.
Thế nhưng, sau khi đồng ý và đặt chân lên khu vực biên giới Cao Bằng, chị N. mới nhận ra bản thân đã trở thành “con mồi” tiếp theo của đường dây mua bán người do Lương Thị Hải, Phạm Thị Tú và Thái Thị Hậu chủ mưu.
Theo đó, Phạm Thị Tú đóng vai trò móc nối, đưa chị N. cùng với một số phụ nữ khác đến tỉnh Cao Bằng để gặp Lương Thị Hải và lo chi phí đi sang Trung Quốc thông qua đường mòn, lối mở. Khi sang Trung Quốc, chị N. được vợ chồng Thái Thị Hậu đón về sống chung.
Đến ngày 31/7/2021, đối tượng Hải ép buộc chị N. phải lấy chồng Trung Quốc, nhưng chị không đồng ý và bỏ trốn thì bị bắt giữ lại, đánh đập dã man.
Đồng thời, bọn này yêu cầu chị gọi điện về gia đình chuyển qua số tiền 35 triệu đồng, họ mới đồng ý cho về Việt Nam. Tuy nhiên, khi đã nhận đủ 35 triệu đồng, bọn buôn người lại bán chị N. cho một người đàn ông Trung Quốc khác.
Lau vội giọt nước mắt, chị Huỳnh N. xúc động nói: “Bọn chúng bắt tôi gọi videocall về cho gia đình, cô ruột tôi thấy mặt mũi tôi bị đánh bầm dập nên đi mượn khắp nơi chuyển khoản đủ 35 triệu cho chúng.
Nhưng chúng không giữ lời hứa, lại tiếp tục bán tôi cho một người đàn ông Trung Quốc bị bại liệt. Sau khi về nhà chồng, tôi nhiều lần bỏ trốn nhưng bị bắt lại và bị đánh đập, hăm dọa”.
Chị N. kể tiếp: “Gia đình bên chồng nói nếu tôi muốn về Việt Nam thì phải trả số tiền 260 triệu đồng, nên tôi đành ở lại. Một thời gian sau, khi thấy tôi có ý định tự tử, nên gia đình này đã đưa tôi đến Công an tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc trình báo.
Đến ngày 28/10/2022, tôi bị Cảnh sát Trung Quốc trục xuất về Việt Nam”.
Bị can Lương Thị Hải - kẻ cầm đầu đường dây buôn người. Ảnh: Trọng Nguyễn
Trường hợp tương tự là chị Trần Kim T. (ngụ xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, muốn có tiền lo cho gia đình, chị T. đã tin vào lời hứa của “tú bà” buôn người Phạm Thị Tú khi được Tú mai mối gả chồng Trung Quốc với mong muốn có thể giúp gia đình vượt qua cảnh khốn cùng.
Từ mảnh đất cực Nam của Tổ quốc, cô gái 19 tuổi này đã vượt biên và sống tại nhà đối tượng Thái Thị Hậu tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Sau vài ngày, chị T. bị Hậu bán cho một người đàn ông Trung Quốc với số tiền hơn 400 triệu đồng, nhưng qua ngày hôm sau thì bị trả về do biết trước đó chị T. đã có chồng con tại Việt Nam.
Sau khi bị trả về nhà đối tượng Hậu, chị T. đã bỏ trốn và bị nhóm đối tượng bắt lại bán cho một người đàn ông Trung Quốc khác.
Những trận đòn roi từ gã chồng hờ đã một lần nữa thôi thúc chị T. phải bỏ trốn, nhưng cũng như lần trước, chị nhanh chóng bị vợ chồng Hậu bắt giữ, đánh đập dã man, ép buộc điện thoại về gia đình chuyển khoản 35 triệu đồng mới cho về Việt Nam.
Chị T. chia sẻ: “Ở nhà người đàn ông Trung Quốc được khoảng một tuần, tôi lén lấy điện thoại gọi cho một người phụ nữ quen biết lúc làm thuê trước đây, bà ta kêu tôi gửi định vị vị trí, sẽ thuê xe đến đón rồi đưa về Việt Nam
Sau khi bỏ trốn được ra ngoài, có một ô tô đến chở đi. Nhưng tôi không ngờ chúng lại thông đồng với Thái Thị Hậu, chúng chở tôi về giao cho Hậu. Lúc này, Hậu gọi điện thoại cho Lương Thị Hải nói lại sự việc, thì Hải yêu cầu tôi đưa số tiền 35 triệu đồng thì mới cho về Việt Nam.
Tôi phải chạy mượn khắp nơi đủ số tiền giao cho chúng thì chúng mới thả tôi ra, còn hăm dọa là khi về Việt Nam mà trình báo công an, sẽ cho người đến nhà “xử lý””.
Bị can Huỳnh Mộng Linh, từ một nạn nhân bị mua bán lại trở thành mắt xích quan trọng trong đường dây buôn người. Ảnh: Trọng Nguyễn
Hành trình triệt phá đường dây mua bán người
Theo hồ sơ, năm 2015, Lương Thị Hải (SN 1994, quê quán xã Quang Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) lấy chồng và sinh sống tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Đến khoảng năm 2020, Hải đã làm quen với Phạm Thị Tú (SN 1962, ngụ xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu).
Sau đó, các đối tượng cấu kết với nhau tìm kiếm phụ nữ Việt Nam có nhu cầu lấy chồng Trung Quốc để tổ chức cho họ xuất cảnh trái phép nhằm thu lợi bất chính.
Trong đó, Tú đóng vai trò trực tiếp tìm kiếm phụ nữ để thỏa thuận đưa sang Trung Quốc, nếu đồng ý thì gia đình của những phụ nữ này sẽ được nhận từ 90 - 100 triệu đồng.
Sau khi tìm được những “con mồi” thích hợp, Tú sẽ đưa họ xuất cảnh trái phép thông qua các đường mòn, lối mở tại khu vực biên giới. Khi những phụ nữ đã vượt biên, Lương Thị Hải thuê Thái Thị Hậu (SN 1997, cũng lấy chồng và sinh sống tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) tìm những đàn ông Trung Quốc có nhu cầu lấy vợ để mai mối.
Tùy thuộc vào độ tuổi và ngoại hình của từng người phụ nữ, những đàn ông Trung Quốc sẽ trả cho Lương Thị Hải số tiền từ 300 - 400 triệu đồng.
Bằng thủ đoạn trên, các đối tượng đã tổ chức cho hàng chục phụ nữ tại các tỉnh ĐBSCL, TP.HCM và một số tỉnh phía Bắc… xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, nhằm thu lợi bất chính hàng tỷ đồng.
Đặc biệt trong vụ án này, có một đối tượng ban đầu cũng là nạn nhân nhưng sau đó lại trực tiếp móc nối với những kẻ buôn người, trở thành mắt xích quan trọng trong đường dây mua bán phụ nữ dưới vỏ bọc lấy chồng ngoại quốc.
Đó là trường hợp Huỳnh Mộng Linh (SN 1987, quê quán xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu).
Bị can Phạm Thị Tú, với nhiệm vụ săn tìm “con mồi” giao cho Lương Thị Hải. Ảnh: Trọng Nguyễn
Năm 2019, Linh quen biết Lương Thị Hải thông qua mạng xã hội Facebook. Sau đó, Hải sắp xếp cho Linh xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch tại biên giới, rồi bán Linh cho một người đàn ông Trung Quốc, với giá 200 triệu đồng.
Trong khoảng thời gian sinh sống tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, Huỳnh Mộng Linh thường xuyên liên lạc với Lương Thị Hải và được Hải thuê làm nhiệm vụ trông coi những phụ nữ được đưa từ Việt Nam sang để chờ bán và được Hải trả công là 10 triệu đồng/người...
Theo Đại tá Lê Thanh Hùng, Phó giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu, sau khi nhận được tin tố giác của các bị hại liên quan đến đường dây môi giới cho phụ nữ Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc; Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo Cơ quan An ninh điều tra tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ.
“Qua đó, xác định đây là đường dây mua bán người có quy mô lớn, liên quan nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và có yếu tố nước ngoài nên đã chỉ đạo xác lập chuyên án đấu tranh.
Quá trình điều tra, Ban Chuyên án đã làm rõ được nhân thân, lai lịch, vai trò, nhiệm vụ của từng đối tượng trong đường dây phạm tội, đặc biệt là đã khoanh vùng, xác định được số đối tượng chủ mưu, cầm đầu”, Đại tá Hùng thông tin thêm.
Cũng theo Đại tá Hùng, hiện tại, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu đã triệt phá thành công đường dây mua bán người dưới vỏ bọc lấy chồng ngoại quốc. Qua đó, khởi tố, bắt giam 3 bị can chủ mưu, cầm đầu, gồm: Lương Thị Hải, Phạm Thị Tú, Huỳnh Mộng Linh.
Đồng thời, Cơ quan An ninh điều tra cũng đã khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với một số bị can có liên quan, về các tội danh “Mua bán người”, “Mua bán người dưới 16 tuổi” và “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép”.
Riêng bị can Thái Thị Hậu - một mắt xích quan trọng trong đường dây, hiện đã bỏ trốn ra nước ngoài, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu đã ra quyết định truy nã quốc tế.
Các đối tượng đa phần sử dụng họ tên, địa chỉ giả nên việc làm rõ nhân thân, lai lịch, quá trình hoạt động của từng đối tượng rất khó khăn. Ảnh: Trọng Nguyễn
Đại tá Lê Thanh Hùng, Phó giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu cho rằng, chuyên án rất thành công, do được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công an, của các Cục nghiệp vụ, sự phối hợp tích cực của lực lượng Công an, Biên phòng các tỉnh, thành.
“Trong quá trình đấu tranh chuyên án, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho lực lượng công an nhiều thông tin có giá trị, phục vụ hiệu quả trong việc phát hiện, thu thập tài liệu, chứng cứ”, Đại tá Hùng nói.
Cũng theo Đại tá Hùng, để giảm thiểu bi kịch từ những nạn nhân bị mua bán, thiết nghĩ ngoài sự chung tay của lực lượng công an và các ban, ngành, địa phương, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, nhất là không tin theo những lời mời gọi “việc nhẹ, lương cao” hoặc vẻ hào nhoáng của cái gọi là “hôn nhân ngoại quốc"
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận