Trường THCS Ngô Mây (Đắk Lắk) đang bị điều tra việc chi sai lương cho giáo viên |
Nhiều tiêu cực về giáo dục bị phanh phui gần đây, có những hợp đồng tuyển dụng mờ ám, chấm dứt hợp đồng lao động chưa minh bạch…, những người tốt, yêu nghề và không vụ lợi liệu có còn cơ hội tìm được chỗ đứng trên bục giảng?
1. Vô tình nhặt được tờ kê khai lương của cán bộ, giáo viên nhà trường do kế toán nhà trường làm rơi, đối chiếu với những đồng lương ký thực nhận, các cô giáo hợp đồng trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) như chết lặng khi bao nhiêu mồ hôi, công sức của mình bị hiệu trưởng và kế toán lập khống, ăn chặn mà không hề hay biết.
Cô Dương Thị Thủy, giáo viên bộ môn Toán ở trường THCS Ngô Mây cho biết, từ tháng 10/2013 - 5/2015, mỗi tháng nhận được 6 triệu đồng. Từ tháng 6 đến hết tháng 12/2015, cô bị giảm thu nhập chỉ còn gần 4 triệu đồng. Sau khi nghỉ thai sản, đi làm lại, cô chỉ được nhà trường trả lương 1,5 triệu đồng với lý do hợp đồng dạy dưới 10 tiết/tuần.
Mặc dù giáo viên hợp đồng được đích thân Chủ tịch huyện ký quyết định tuyển dụng, thế nhưng 2 mùa hè liên tiếp, cô Thủy cũng như các giáo viên hợp đồng khác không được nhà trường trả lương mà chỉ được đóng bảo hiểm xã hội.
Chưa dừng lại ở đó, năm 2017, đi dạy 5 tháng, cô Thủy chỉ được nhận 2 triệu đồng.
Chỉ tính riêng 7 cô giáo, trong một thời gian ngắn đã tố trường giữ lại số tiền chênh lệch mà kho bạc chi trả cho lương giáo viên lên tới 52 triệu đồng.
2. Mới đây, Cơ quan Thanh tra tỉnh Gia Lai đã phát hiện 3 cán bộ (kế toán, thủ quỹ) Phòng GD&ĐT huyện Chư Pưh có dấu hiệu chiếm dụng tiền ăn của học sinh nghèo. Tổng số tiền sai phạm và có dấu hiệu tham nhũng là gần 6 tỉ đồng ngân sách từ năm 2013-2017.
Số tiền sai phạm được rút từ nguồn tiền ăn cho trẻ 3-5 tuổi. Thanh tra Gia Lai cũng xác định nguyên kế toán và 2 thủ quỹ Phòng GD&ĐT đã có hành vi giả mạo chữ ký, lập chứng từ khống để chiếm đoạt 2,71 tỷ đồng.
Điều đáng nói, số tiền ăn cho học sinh bị bòn rút này lại rơi vào khu vực có rất đông đồng bào thiểu số. Những chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho con em những người nghèo đủ điều kiện đến lớp, tiếp cận con chữ, nâng cao dân trí đã bị những cá nhân xấu trong ngành Giáo dục chiếm đoạt.
3. Sáng 12/3, anh Trần Vũ Luân (25 tuổi, trú xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) khi đi tập thể dục buổi sáng trên đường Võ Trung Thành (phường Ia Kring, TP Pleiku) đã phát hiện một túi xách chứa gần 90 triệu đồng của chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (trú tại số 252, Lý Thái Tổ, TP Pleiku) đánh rơi. Ngay sau đó, anh Luân đã cùng bạn đến cơ quan công an nhờ trao trả số tiền vừa nhặt được.
Tìm hiểu ra được biết, anh Luân là một giáo viên vừa thất nghiệp, hiện đang dạy kèm ở TP Pleiku. Cuộc sống ở trọ, chạy đôn chạy đáo với hy vọng đủ trang trải qua ngày. Tâm sự với tôi, người thày giáo trẻ này chỉ có một ước mơ giản dị là có công việc chính thức tại trường nào đó. Trong khi vật lộn với cuộc sống chờ cơ hội được đứng trên bục giảng, anh Luân luôn cố gắng để sống tốt: “Mình làm nghề giáo, phải sống sao cho sạch. Có như thế, mới làm gương được cho trò…”.
Câu chuyện của người thày giáo trẻ thất nghiệp ở Gia Lai thật cảm động.
Trong rất nhiều tiêu cực được phanh phui gần đây trong hệ thống giáo dục, trong đó có những hợp đồng tuyển dụng mờ ám, những tờ giấy chấm dứt hợp đồng lao động chưa minh bạch…, những người tốt, yêu nghề và không vụ lợi như anh Trần Vũ Luân liệu có tìm được cho mình một cơ hội đứng trên bục giảng?
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận