Ngày 15/4, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tham dự Lễ khởi công Khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. (Ảnh: ĐSQ Mỹ) |
Tham dự sự kiện, về phía Mỹ có Ngoại trưởng Antony Blinken, Đại sứ Marc Knapper. Về phía Việt Nam có Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lê Thu Hà... (Ảnh: ĐSQ Mỹ) |
Phát biểu tại Lễ khởi công, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết: Năm 1995, khi Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là ông Warren Christopher mở Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, ông đã nói đến cầu nối hợp tác giữa 2 quốc gia. Nhưng không ai có thể tưởng tượng được ngày hôm nay, sau gần 3 thập kỷ, tất cả những gì xây dựng nên cầu nối hợp tác đó đều đã được kích hoạt. Với khu phức hợp mới, chúng ta có thể tăng cường hơn nữa những kết nối đó, đồng thời mang đến quan hệ, sáng kiến và cơ hội cho cả hai nước. (Ảnh: ĐSQ Mỹ) |
Các đại biểu, khách mời thực hiện nghi lễ động thổ dự án. (Ảnh: ĐSQ Mỹ) |
Theo Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, khu phức hợp mới dự kiến có tổng vốn đầu tư 1,2 tỉ USD, sẽ là một trong những đại sứ quán đắt nhất của Mỹ trên thế giới. (Ảnh: ĐSQ Mỹ) |
Khu phức hợp có diện tích 3,2 hecta, với quy mô xây dựng 39.000 m2 nằm giữa không gian thành phố và công viên Cầu Giấy, Hà Nội. Thiết kế tòa nhà được lấy cảm hứng từ vịnh Hạ Long. Thiết kế cảnh quan của khu phức hợp được lấy cảm hứng từ truyền thống nông nghiệp trồng trọt và sản xuất lúa gạo, như địa hình của Đồng bằng Sông Cứu Long và Đồng bằng sông Hồng. (Ảnh: ĐSQ Mỹ) |
Theo Ngoại trưởng Mỹ, trong khoảng 6 năm xây dựng, dự án sẽ tạo khoảng 1.800 việc làm cho người dân địa phương, đóng góp khoảng 350 triệu USD cho nền kinh tế Việt Nam. (Ảnh: ĐSQ Mỹ) |
Tầng trệt của tòa nhà sẽ làm từ đá bazan – một loại đá được tìm thấy ở cả Việt Nam và Mỹ. Qua đó, việc xây dựng Đại sứ quán sẽ củng cố cam kết chung của hai nước về một môi trường bền vững, có sức chống chịu tốt. Bên cạnh đó, phần lớn Đại sứ quán được xây dựng bằng vật liệu tái chế, thiết kế để tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu nguy cơ ngập do bão lớn. (Ảnh: ĐSQ Mỹ) |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận