Y tế

Những điều F0 cần biết và tâm sự phía sau những cuộc gọi

15/08/2021, 07:08

Mỗi cuộc gọi, mỗi lần nhấc máy là một cuộc đời, một số phận nhưng toát lên chung một điều là đều rất cần sự hỗ trợ về y tế.

Mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” với hàng nghìn “bác sĩ online” đã và đang ngày đêm hỗ trợ hướng dẫn chăm sóc, phát hiện sớm và kết nối chuyển tuyến cho các F0 đang cách ly tại nhà.

img

Thành viên mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” gọi điện hỗ trợ F0

“Hầu hết F0 rất hoảng loạn”

Chính thức tham gia mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” được 1 tuần, nhưng với BS. Phạm Thanh Mai (Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế), những cuộc điện thoại đến với bệnh nhân mắc Covid-19 trong tuần để lại nhiều niềm vui và cả nỗi buồn.

“Mỗi cuộc gọi, mỗi lần nhấc máy là một cuộc đời, một số phận nhưng toát lên chung một điều là đều rất cần sự hỗ trợ về y tế. Không chỉ hỗ trợ về khám chữa bệnh mà còn cần hỗ trợ về tâm lý vì hầu hết trong số họ đang rất hoảng loạn”, BS. Mai nói.

“Chúng tôi được tập huấn với các bảng tiêu chí để có thể phân loại các F0. Qua đó, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe với F0 không triệu chứng và kết nối với bác sĩ khám lâm sàng để điều chuyển những F0 xuất hiện các triệu chứng cần can thiệp hoặc phối hợp kịp thời với y tế địa phương để cấp cứu với các F0 chuyển nặng”, BS. Mai chia sẻ thêm.

Cũng như nhiều đồng nghiệp khác, chị Mai vừa hoàn thành công việc của mình vừa dành thời gian tham gia liên lạc với các bệnh nhân Covid-19 trong khi số lượng F0 cần được hỗ trợ rất lớn. Để cân đối thời gian hợp lý và hiệu quả là điều khó khăn.

“Nhiều lúc cũng thấy quá tải, nhưng chúng mình luôn cố gắng hết sức, bởi đã thấm vào đâu so với những nỗi vất vả của các đồng nghiệp đang lăn xả nơi tuyến đầu”, BS. Mai tâm sự.

BS. Mai trải lòng, buồn nhất là khi phát hiện ra bệnh nhân nặng mà thuyết phục không được, đến khi kết nối để đưa được đến bệnh viện thì chỉ trụ được 1 ngày rồi bệnh nhân mất.

“Một buổi sáng, tôi nhận được lời cầu cứu từ một F0 qua Facebook, khi liên lạc lại cũng là lúc chỉ số SpO2 bệnh nhân đo được xuống còn 72-76 nên tôi tư vấn phải thở ôxy và nhanh chóng đến bệnh viện. Tuy nhiên, thuyết phục thế nào bệnh nhân cũng không đi viện và giải pháp tình thế là hướng dẫn bệnh nhân tiếp tục thở oxy.

Qua buổi trưa, tôi tiếp tục liên lạc lại thì lúc này chỉ số SpO2 đã tụt xuống còn 65 - 70, tình hình vô cùng quan ngại. Qua trao đổi nhanh với đồng nghiệp, tình huống này buộc phải tiến hành cấp cứu, tuy nhiên rất đáng tiếc, sau khi chuyển đến viện, bệnh nhân đã không qua khỏi. Giá mà được can thiệp sớm có lẽ bệnh nhân đã có thêm cơ hội được cứu sống”, chị Mai chùng giọng.

Với các bác sĩ tham gia vào mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”, không phải cuộc gọi nào đến với bệnh nhân Covid-19 cũng thuận lợi. Có những cuộc điện thoại để lại nhiều day dứt như khi gọi đến thì người nhà thông báo bệnh nhân đã mất.

Cũng có những cuộc gọi để lại nhiều buồn bực khi bệnh nhân có thái độ hoài nghi “như lừa đảo”. Hay thậm chí có những cuộc gọi, bác sỹ vừa bắt máy đã bị mắng té tát… Tuy nhiên, không vì thế mà các y, bác sĩ nản lòng.

Đơn cử, BS. Bích Hà (thành viên của mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”), chia sẻ, mới đây bị một F0 nói như té nước vào mặt ngay sau khi giới thiệu.

“Cô thì tư vấn cái gì, tôi dương tính nhưng tôi chả làm sao, tôi chả có triệu chứng gì, tôi hoàn toàn khỏe mạnh... “. “Đợi cho anh ấy xả xong, mình nhẹ nhàng giải thích, có những F0 không triệu chứng, có người thì bệnh nặng rất cần được hỗ trợ… Nếu anh khỏe mạnh thì xin phép cho mạng lưới ngừng theo dõi để dành thời gian cho những người đang cần chăm sóc. Khi thấy bất thường thì chủ động gọi đến số 18001119. Sau một hồi thì anh ấy hiểu ra, rồi thì xin lỗi và cảm ơn”, BS. Hà kể lại.

Cố gắng không để ai tuyệt vọng...

Ngay từ ngày đầu thành lập, mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” đã đặt ra mục tiêu phân loại nguy cơ và theo dõi, hỗ trợ những trường hợp bệnh nặng được tiếp cận với chăm sóc y tế sớm hơn để không ai bị bỏ lại phía sau....

Theo BS. Lê Tuấn Thành, Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội, mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” được thiết lập bởi Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Tổ thông tin Đáp ứng nhanh phòng chống Covid-19, chỉ thời gian ngắn đã huy động hàng nghìn y, bác sĩ và tình nguyện viên từ mọi miền đất nước hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 ở TP HCM và các tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 16.

“Mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” không chỉ là một một tổng đài để nghe máy. Chúng tôi tiếp cận bằng cách tiếp nhận thông tin từ y tế địa phương. Sau đó, các y bác sĩ, cộng tác viên sẽ chủ động gọi điện cho bệnh nhân để sàng lọc”, BS. Thành nói.

Hàng ngày, dữ liệu thông tin các ca bệnh xác định hoặc trường hợp nghi nhiễm nguy cơ cao được gửi về mạng lưới và được nhập liệu vào công cụ quản lý.

Dữ liệu này được lấy từ các nguồn Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và trực tiếp từ cuộc gọi đến các đường dây nóng. Từ đó, các bác sĩ tư vấn sẽ gọi điện xác định nguy cơ (NC) của bệnh nhân theo thang từ 0 - 4 theo Danh mục tự kiểm hàng ngày.

Các bệnh nhân NC0, NC1 sẽ được chuyển cho tình nguyện viên là nhân viên y tế tiếp tục chăm sóc. Bệnh nhân NC2 sẽ được chính bác sĩ tư vấn theo dõi sức khỏe và tổ chức Telehealth trong trường hợp cần thiết. Từ NC2, thông tin của bệnh nhân được chuyển về đầu mối y tế quận, huyện để cùng theo dõi.

Bệnh nhân NC3, 4 sẽ được tổ chức tham gia Telehealth bởi đội ngũ bác sĩ tư vấn chuyên sâu. Với bệnh nhân NC4, đội ngũ bác sĩ của mạng lưới sẽ ngay lập tức kết nối với y tế địa phương chuyển cấp cứu.

Theo BS. Thành, nhóm nguy cơ cao là những đối tượng dễ tổn thương do chưa biết tình trạng của mình ở mức độ nào, khi nào thì mình cần phải/được đưa đi bệnh viện điều trị; chưa biết phải gọi cho chuyên gia y tế nào và ở đâu để hỏi ý kiến khi đang tự cách ly tại nhà; chưa liên hệ được cơ quan y tế khi trở bệnh nặng hơn và dễ mang tâm lý hoang mang dẫn đến hoảng loạn....

“Trong khi Covid-19 là một bệnh cảnh âm thầm, gần như 80% không có triệu chứng, nhưng khi trở nặng lại rất nhanh và đột ngột. Vì vậy, khi trao đổi với bệnh nhân, các bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ và phát hiện trường hợp nguy cơ cao, khởi động quy trình tương ứng là phối hợp với y tế địa phương, ưu tiên ca nặng liên lạc với cấp cứu…”, BS. Thành cho hay.

76.000 bệnh nhân được hỗ trợ, 230 F0 trở nặng được cấp cứu

Chỉ tính từ ngày 1 - 9/8, hơn 2,3 nghìn bác sĩ và tình nguyện viên của mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” đã thực hiện 169 nghìn cuộc gọi với 76 nghìn bệnh nhân được hỗ trợ, trong đó có 230 F0 trở nặng được cấp cứu.

Không chỉ dừng lại ở TP.HCM, mạng lưới cũng đang vươn tới nhiều tỉnh, thành phố khác. Từ ngày 10/8, 240 bác sĩ và 480 tình nguyện viên y tế của mạng lưới bước vào chăm sóc hơn 17.800 trường hợp F1 và F0 mới phát hiện chưa phân tầng tại 9 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Bình Dương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.