Trụ sở Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Gia Lai |
Ngày 11/9, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai ban hành Văn bản số 79-TB/UBKTTU sau khi kiểm tra công tác thu chi tại Văn phòng Đoàn Đại biểu QH và Văn phòng HĐND từ năm 2013-2016 phát hiện hàng loạt sai phạm tài chính lên tới 11,221 tỷ đồng.
7 cán bộ biên chế của Văn phòng Đoàn ĐBQH đã được Quốc hội cấp lương, tuy vậy vẫn lập dự toán để tỉnh Gia Lai cấp kinh phí trùng lặp (lần 2) với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng. Riêng, nguyên Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND Gia Lai - ông Nguyễn Thế Quang ký chứng từ thanh toán cho bản thân đi việc riêng bằng công quỹ trong năm 2015 là 43,7 triệu đồng. Ngoài ra, còn nhiều khoản chi sai hỗ trợ cán bộ công chức nhân dịp lễ, Tết, sử dụng nguồn đào tạo không đúng nguyên tắc...
Trong tổng số 11,221 tỷ đồng sai phạm bị phát hiện thì ông Nguyễn Thế Quang, nguyên Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh và bà Nguyễn Thị Lựu, Phó chánh Văn phòng HĐND tỉnh Gia Lai sai phạm trên 10,7 tỷ đồng.
Trước những sai phạm này, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai yêu cầu: Đến ngày 30/3/2018, ba cá nhân liên quan phải khắc phục số tiền sai phạm, đồng thời ra điều kiện nếu không tự giác khắc phục, sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.
Nhiều câu hỏi của dư luận cho rằng, việc ra điều kiện này có đúng theo quy định của pháp luật?
Luật sư Tạ Quang Tòng, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Đắk Lắk cho biết, việc lập chứng từ khống để rút tiền ngân sách Nhà nước với số tiền kể trên đã có dấu hiệu của hành vi “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
“Chi sai số tiền hơn 11 tỷ đồng là hậu quả rất nghiêm trọng. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai phải báo cáo thường trực tỉnh ủy, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra làm rõ. Việc yêu cầu các cá nhân nộp lại tiền khắc phục hậu quả chỉ là tình tiết giảm nhẹ, chứ không làm thay đổi trách nhiệm hình sự của những người đã thực hiện hành vi cố ý làm trái nêu trên”, luật sư Tòng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với luật sư Tòng, luật sư Phạm Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng nhận định: “Việc hợp thức hóa chứng từ là sai, có dấu hiệu làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức. Hơn nữa, nếu số tiền đã bị chiếm đoạt có khắc phục được hay không cũng buộc phải xử lý hình sự theo tội “Tham ô tài sản”. Khi phát hiện là phải chuyển sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, không có lý do gì để giải quyết nội bộ.
Thiết nghĩ, tỉnh Gia Lai cần phải mạnh mẽ và cương quyết trong vấn đề xử lý sai phạm. Không thể ra điều kiện sai phạm chỉ cần nộp lại là xong. Hơn nữa, cần làm rõ có hay không động cơ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng. Có như thế, dân mới không nghi ngờ vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền ở địa phương. Việc xử lý nghiêm sai phạm khi xảy ra, đó cũng là cách để bảo vệ uy tín của Đảng, chính quyền.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận