Người dân bản Mai quay trở về nhà sau 3 ngày cơn đại hồng thủy quét qua |
1.Chúng tôi là những phóng viên nước ngoài có mặt tại huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu gần như đầu tiên sau trận vỡ đập thuỷ điện Sepian-Xenamnoi chưa đầy một ngày. Chiếc trực thăng chở chúng tôi bay ngang qua những cánh đồng mênh mông nước ngầu đỏ. Tận thấy những ngôi nhà nhỏ lật nghiêng giữa sóng nước ấy mới thấy mạng người thật mong manh.
Kham Dit, cán bộ Tỉnh đoàn Attapeu, người phiên dịch cho chúng tôi cho biết, có những người khi được cứu chẳng còn mảnh vải che thân, mình đầy thương tích. Có người được đưa xuống khi đã lơ lửng trên ngọn cây cả ngày.
Trường THPT Sanamxay là nơi có hơn 1.500 người dân ở các bản bị ngập lụt về trú ngụ. Trong những phòng học, hàng chục người già trẻ chen chúc nhau tìm một chút chỗ kê lưng. Nhưng đặc biệt không có tiếng ồn ào, khóc lóc dù rất nhiều người có nỗi đau mất mát quá lớn. Tôi ấn tượng nhất với chị Nang Chăn (23 tuổi, bản Hinlat) bởi khuôn mặt rầu rĩ và ánh nhìn vô định trước những thứ được tiếp tế như quần áo, đồ ăn. Người phụ nữ này đang cầu mong Phật che chở để chồng con vừa bị lũ cuốn trôi được bình an ở nơi nào đó.
Một góc đường phố nơi dòng nước từ thuỷ điện dội xuống. Ảnh: Hữu Khoa |
2. Bản Mai, ba ngày sau vụ vỡ đập. Một chút nắng quyện với lớp bùn phù sa đỏ quạch khiến mùi bùn đất sực lên mũi ngột ngạt. Nắng lên bóc trần những hoang tàn nơi nước lũ vừa rút.
Trước mắt chúng tôi, lớp bùn dài ngập cả đầu người lớn. Những con đường nước vừa rút lộ ra bức tường đổ vỡ, những gạch đá, những thân cây đổ ngã. Tất cả mọi thứ ngã rạp như một gàu nước vừa xối qua tổ kiến. Chúng tôi dừng chân tại một ngôi chùa ở trung tâm bản Mai. Người ta đang cố gắng nhặt nhạnh những gì còn sót lại trên khuôn viên chùa.
Cách đó không xa, rất đông người tìm đến những nơi kết tụ rác để mong tìm thi thể của người mất tích. Những người đàn ông da ngăm đen, môi tím bầm vì nhiều ngày ngâm nước đưa bàn tay nhăn nheo bốc những lớp cây cỏ, một mái tôn trôi nổi trên mặt nước để tìm người.
Một vị sư trong ngôi chùa đổ nói: “Đây là đại nạn của nhân dân nước Lào. Ông nói, những người còn sống sẽ phải tiếp tục cuộc đời của mình, nỗ lực hơn trước rất nhiều, không có cách nào khác”.
Chúng tôi được vợ chồng trẻ Khem Phone và Som Chit cho tá túc ngay trung tâm huyện Sanamxay. Cả hai lúc nào cũng đi từ 7h sáng đến 22h đêm mới về. Hỏi ra mới hay, anh chị túc trực ở trụ sở huyện để giúp người gặp nạn. Khem Phone tham gia đội tiếp nhận, hướng dẫn phân phối hàng cứu trợ trong khi vợ anh cùng hàng chục phụ nữ khác ở đội hậu cần nấu nướng cho hàng nghìn đồng bào vùng lũ đang đói, rét.
3. Có mặt tại Sanamxay từ rất sớm, chúng tôi chứng kiến nhiều đơn vị, địa phương ở Việt Nam nhanh chóng có mặt và đưa người đến giúp đỡ người dân Lào tại vùng bị ảnh hưởng của sự cố vỡ đập thuỷ điện. Bên cạnh những công ty tư nhân hay cơ quan Nhà nước thì những người dân Việt đang làm ăn tại nơi này thực sự là những người vào cuộc sớm nhất.
Anh Đỗ Văn Dũng (29 tuổi, quê Ninh Bình) là chủ quán bán hàng điện tử ở cuối thị trấn. Bao năm làm ăn nơi đất khách được bảo bọc bởi người địa phương nên khi đập thủy điện vỡ, anh bàn với các gia đình thân quen lập tức mua gạo, làm thức ăn rồi đi phân phát cho hàng trăm người tị nạn.“Người Lào ở đây họ tốt lắm, khi cần là họ giúp. Giờ thì tai hoạ ập đến, tôi xót xa cho họ như với những người thân của mình vậy”, Dũng chia sẻ...
Sau gần một tuần tác nghiệp, chúng tôi rời Sanamxay trên thùng sau chiếc xe bán tải của người Lào chuyên chở hàng cứu trợ. Cảnh làng quê bị tàn phá nhường lại những ngôi bản khác yên bình trên trục đường tỉnh lộ cứ như một thước phim quay chậm sau lưng tôi. Những chuyến hàng cứu trợ vẫn tấp nập nối nhau từ khắp nơi đổ về.
Những sẻ chia của cộng đồng đang hướng về Sanamxay và hơn hết trong khó khăn những người Lào, người Việt càng xích lại gần nhau.
Dù thảm họa vừa xảy ra, Kham Dit - người phiên dịch luôn nói với chúng tôi rằng: “Người Lào rất lạc quan. Chúng tôi luôn giấu nỗi đau vào trong và hướng đến tương lai”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận