Chuyện về ngôi miếu và tượng Bà
Dẫn phóng viên tham quan miếu Bà Chúa xứ núi Sam, anh Trịnh Minh Hải - Tổ trưởng Tổ văn phòng, Ban quản trị lăng miếu núi Sam cho biết, ban đầu miếu được cất đơn sơ bằng tre lá, nằm trên vùng đất trũng phía tây bắc núi Sam, lưng quay về vách núi, chính điện nhìn ra con đường và cánh đồng làng.
Năm 1870, ngôi miếu được xây dựng lại bằng gạch hồ ô dước. Năm 1962, ngôi miếu được tu sửa khang trang bằng đá miếng và lợp ngói âm dương. Năm 1965, Hội quý tế cho xây nới rộng nhà khách và làm hàng rào nhà chính điện của ngôi miếu.
Năm 1972, ngôi miếu được tái thiết lớn và hoàn thành vào năm 1976, tạo nên dáng vẻ như hiện nay, và người thiết kế là hai kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng và Nguyễn Bá Lăng.
Đến khi ấy, kiến trúc miếu có dạng chữ "Quốc", hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng. Bên trong miếu có võ ca, chánh điện, phòng khách, phòng của Ban quý tế...
"Sau lần trùng tu này thì cho đến nay, ngôi miếu vẫn được giữ nguyên và chưa thực hiện trùng tu thêm lần nào nữa. Tuy nhiên, để tạo không gian làm việc, Ban có làm lại bếp ăn, phòng làm việc và nhà truyền thống", anh Hải nói.
Anh Hải cho biết thêm, các hoa văn ở cổ lầu chính điện, thể hiện đậm nét nghệ thuật Ấn Độ. Phía trên cao, các tượng thần khỏe mạnh, đẹp đẽ giăng tay đỡ những đầu kèo.
Các khung bao, cánh cửa đều được chạm trổ, khắc, lộng tinh xảo và nhiều liễn đối, hoành phi ở nơi đây cũng rực rỡ vàng son. Đặc biệt, bức tường phía sau tượng Bà, bốn cây cột cổ lầu trước chính điện gần như được giữ nguyên như cũ.
"Với lịch sử phát triển và bề thế hiện có, miếu Bà Chúa xứ núi Sam được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập là ngôi miếu lớn nhất Việt Nam vào ngày 25/5/2008, với khuôn viên rộng khoảng 3.000m2", anh Hải thông tin.
Cũng theo anh Hải, khi xưa, tượng Bà ngự trên đỉnh núi Sam, gần Pháo đài. Chứng minh cho điều này là bệ đá Bà ngồi vẫn còn tồn tại.
Bệ đá có chiều ngang 1,60m, dài 0,3m và chính giữa có lỗ vuông cạnh 0,34m, loại trầm tích thạch màu xanh đen, hạt nhuyễn, không có ở địa phương.
Theo nhà khảo cổ học người Pháp là Malleret đến nghiên cứu vào năm 1941, tượng Bà Chúa xứ núi Sam thuộc loại tượng thần Vishnu, tạc dáng người nghĩ ngợi, quý phái, có giá trị nghệ thuật cao, được tạc vào cuối thế kỷ 6 bằng đá son.
"Chung quanh tượng Bà (đặt ở giữa chính điện), còn có bàn thờ Hội đồng (phía trước), Tiền hiền và Hậu hiền (hai bên), bàn thờ Cô (bên phải, có thờ một tượng nữ thần nhỏ bằng gỗ), bàn thờ Cậu (bên trái, có thờ một Linga bằng đá rất to, cao khoảng 1,2m)...", anh Hải cho biết.
Cùng với miếu Bà, tượng Bà cũng được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là tượng Bà bằng đá sa thạch xưa và lớn nhất Việt Nam…
Điểm đến của du khách gần xa
Có mặt tại miếu Bà Chúa xứ núi Sam trong những ngày này, phóng viên Báo Giao thông ghi nhận có rất đông du khách đến tham quan những hiện vật được trưng bày tại ngôi miếu. Đồng thời, với sức hút của du lịch tâm linh, du khách chọn đến đây mục đích là để chiêm bái và cầu bình an.
Bà Phan Lệ Thủy (50 tuổi, ngụ TP.HCM) nói: "Hằng năm tôi đều về đây để cúng vái cầu mong gia đình bình an, vui khỏe. Mỗi lần ghé qua miếu Bà chúa Xứ núi Sam thì tôi đều cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng và sống vui hơn".
Còn với những người kinh doanh như anh Vũ Văn Quyền (35 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) thì lá xăm may mắn năm rồi đã giúp việc kinh doanh của gia đình đạt nhiều thuận lợi.
"Năm ngoái tôi cũng ghé trong những ngày vía Bà Chúa xứ núi Sam xin quẻ xăm may mắn. Năm nay tôi cũng ghé để trả lễ và cầu mọi chuyện trong năm được hanh thông", anh Quyền chia sẻ.
Anh Trịnh Minh Hải cho biết, hàng năm, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam đón nhiều lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, cầu nguyện với ước muốn mạnh khỏe, bình an và hạnh phúc.
Trong năm 2023, nơi đây đón khoảng 5,3 triệu lượt khách, doanh thu trên 196 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm đến nay, miếu Bà Chúa xứ núi Sam đón khoảng 3,3 triệu lượt khách, doanh thu đạt 126 tỷ đồng.
"Du khách đến đông thì vật phẩm cúng Bà cũng nhiều. Tất cả các vật phẩm cúng Bà đều được trưng bày trong khuôn viên miếu Bà Chúa xứ núi Sam để du khách đến tham quan, tìm hiểu", anh Hải nói.
Người dân mang đến cúng Bà nhiều nhất là áo mão với 10.000 bộ. Kế đến là biển vàng và khánh vàng với khoảng 1.000 vật phẩm và những chén vàng, chén bạc và các loại dây chuỗi.
Đặc biệt nhất là sợi chuỗi Bà Chúa xứ núi Sam nặng 162 lượng vàng 24k, có 187 hạt do nhóm thợ thuộc doanh nghiệp từ nhân vàng bạc đá quý TP.HCM chế tác năm 2014.
Trong đó, có một hạt chủ 50 chỉ vàng được chạm trổ hình chim phụng, phun những hạt châu nhỏ lan tỏa ra nhiều hướng, hàm ý Bà Chúa xứ ban phước lành cho mọi người trên khắp thế gian. Số hạt còn lại được chạm trổ hình hoa mẫu đơn, tượng trưng cho sự cao quý, sang trọng và nhân từ.
"Bảo vật này không được trưng bày trong nhà trưng bày vì rất giá trị. Sợi chuỗi chỉ được đeo cho tượng Bà vào những ngày lễ hội vía Bà, tết Nguyên đán và các ngày rằm lớn trong năm", anh Hải thông tin thêm.
Lễ tắm Bà (lúc 24h ngày 23/4 âm lịch); Lễ thỉnh sắc ông Thoại Ngọc Hầu từ lăng mộ về miếu Bà (25/4 âm lịch); Lễ túc yết và xây chầu (lúc 24h ngày 25/4 âm lịch); Lễ chánh tế (27/4 âm lịch) và lễ hồi sắc, đưa sắc ông Thoại Ngọc Hầu từ miếu Bà về lăng mộ (27/4 âm lịch).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận