Giữa cái nắng chói chang, đôi chân cùi đi "đôi giày" bằng túi ny lông
|
Đôi chân cùi đi trên vùng đất đỏ
Chỉ cách đường HCM khoảng 500m, nhưng khi cùng đoàn từ thiện của Ban QLDA đường HCM đến đây khiến chúng tôi bất ngờ về một cụ già đi “đôi giày” bằng ny lông. Nhìn kỹ, thấy đó là đôi bàn chân đã bị cùi mất một nửa đang đi trên con đường đất đỏ nóng bỏng, đầy nắng và gió giữa mùa hạn hán. Cụ là một trong những người cùi cuối cùng còn “sót lại’ trên vùng đất này.
Tôi hỏi thăm, cụ không nói được tiếng Kinh, chỉ đưa bàn tay cùi, cụt mất ngón cái, chỉ trỏ, ra dấu hiệu đi nhận quà tài trợ.
Một anh thanh niên, đi gần cụ tự nguyện phiên dịch tiếng Jarai cho tôi nói: “Những người già bị bệnh phong cùi sinh ra từ thời chống Pháp và Mỹ. Ngày ấy, họ bị người dân ruồng bỏ và lưu lạc khắp nơi. Khi đất nước thống nhất, chính quyền mới tập trung họ về đây. Chính vì vậy, có nhiều người không được học tiếng phổ thông từ nhỏ. Khi lớn lên, bàn tay đã bị cùi mất, muốn học nhưng viết không được, mặc cảm nên họ không đi học nữa”.
Những người bệnh "phong cùi" đang ngồi chờ quà tài chợ đến |
Tại trụ sở UBND xã, từng nhóm người, người cụt bàn chân, người cụt ngón tay, có người đáng thương hơn khi bị “con hủi” đã ăn mòn cả đôi bàn chân và đôi bàn tay, tập tễnh, dìu dắt nhau đội nắng đến nhận quà tài trợ.
Tôi hỏi một cụ ông:
- Nắng nóng bỏng chân, đôi chân cụ đi dưới đường làng nóng bỏng có bị đau chân không?
Cụ cười nhăn nhó:
- Không, tao chỉ khó đi chứ không đau đâu. Bữa nay có thuốc cấp miễn phí, lâu rồi con hủi không ăn thêm ngón chân nữa.
Cụ chỉ tay về phía những bình nước đang được bốc từ ô tô xuống mà nói:
- Ngày xưa, tao sợ con hủi nó ăn chân, ăn tay, nhưng nay tao không sợ nó nữa, mà tao chỉ sợ khát nước thôi. Nắng nóng không có nước thì chết thôi, cùi không làm tao chết được đâu.
Những em nhỏ cũng mong mỏi những món quà tài trợ |
Ông Huỳnh Ngọc Nhi, Phó chủ tịch UBND xã Ia Phang, tâm sự: “Thực ra, chỉ còn 28 hộ dân có người thân bị bệnh phong cùi, 100% là những người từ trên 50 tuổi trở lên. Những người trẻ, được nhà nước cấp thuốc phòng chống, nên không ai còn bị lây bệnh cả. Những người bệnh phong cùi và người thân của họ được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt. Cứ định kỳ họ được cấp thuốc, cấp lương thực theo chế độ ưu đãi. Rồi những ngày lễ, ngày Tết có những đoàn từ thiện tới thăm và trao quà”.
Tương thân tương ái
Lãnh đạo Ban QLDA đường HCM tự tay bỏ quà vào gùi cho bà con |
Cảnh trao quà từ thiện cũng rất đơn giản vì không có “kịch bản” để chuẩn bị từ trước. Chị Thu Hằng, Phó giám đốc, Trưởng ban nữ công Công ty CP Xây dựng & Vận tải Gia Lai, (đơn vị nhận nhiệm vụ xắp xếp quà) bồn chồn sợ cảnh lộn xộn sinh ra chuyện thiếu quà. Thế nhưng, 200 suất quà, với đủ thứ từ bao gạo, bình nước, nước mắm, mì chính, cá khô, muối... khi trao quà xong không thiếu một gói. Bởi sự thật thà của người dân nơi đây, tuy lộn xộn nhưng không ai nhận thêm cả.
Chứng kiến những người dân khó khăn, chị Hằng tâm sự: Công ty Công ty CP Xây dựng & Vận tải Gia Lai hoạt động nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt có 2 lĩnh vực trực tiếp thuộc ngành GTVT. Với ngành nghề xây dựng công trình, mong muốn được đóng góp thi công những tuyến đường vùng nông thôn. Đặc biệt, trong ngành nghề đào tạo, sát hạch lái xe, công ty đang đẩy mạnh đào tạo về Luật Giao thông đường bộ cho bà con nông thôn. Trong đào tạo công ty sẽ có chính sách hỗ trợ thiết thực cho bà con nông dân.
Từ Hà Nội xa xôi các anh đã tự mình chuyển quà cho bà con |
Đôi tay cùi đòn nhận quà từ thiện |
Ông Lâm Văn Hoàng, Tổng giám đốc Ban QLDA đường HCM, cho biết: “
Ngày 23 và 24/4, Ban QLDA đường HCM phối hợp với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành GTVT trên địa bàn Tây Nguyên, tổ chức phát quà từ thiện cho người dân các tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Bao gồm 6 tấn gạo và hàng trăm suốt quà. Kế hoạch đầu tháng 5, Ban QLDA đường HCM tiếp tục tổ chức làm từ thiện cho bà con nhân dân khó khăn trong vùng hạn hán tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. |
Ban QLDA đường HCM muốn đưa cán bộ một số đơn vị đến những nơi khó khăn, để hiểu rõ sự thiếu thốn của người dân. Để anh em mỗi lần thực hiện nhiệm vụ mở đường, luôn hiểu rằng đang góp phần làm cho dân bớt khó khăn”.
Một số hình ảnh xúc động về người dân phong cùi vùng hạn hán
Bàn tay cùi hồi hộp cầm phiếu nhận quà trên tay |
Người mẹ trẻ địu con thơ đi nhận quà dưới cái nắng như đổ lửa |
Người phong cùi vui mừng với phong bì tiền được nhận |
Người dân nơi đây rất cần sự hỗ trợ để vượt qua kỳ hạn hán này |
Tuy bao gạo nhỏ bé, nhưng "một miếng khi đói bằng một gói khi no" |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận