Những dự án giao thông "rùa bò" làm khổ dân ở TP.HCM
Bài 1: Bất lực trước yếu kém của chủ đầu tư, nhà thầu
Bài 2: Dân khổ vì làm mãi không xong
Bài 3: Dự án trăm tỷ, nghìn tỷ sau khởi công im lìm... nằm đợi
Từ cuối năm 2022 qua đầu năm 2023, TP.HCM đồng loạt khởi công nhiều dự án giao thông quan trọng. Người dân phấn khởi vì sắp có những cầu đường mới. Tuy vậy, đến nay nhiều dự án khởi công xong nhưng triển khai rất chậm.
Lèo tèo vài công nhân mở rộng Quốc lộ 50
Nhiều ngày trung tuần tháng 2/2023, PV Báo Giao thông có mặt tại khu vực dự án đường song hành Quốc lộ 50 giao với đường Tân Liêm thuộc huyện Bình Chánh. Sau hơn 1 tháng tính từ lúc khởi công, tại đoạn đầu đường song hành phía khu dân cư Phong Phú 4, có 4 công nhân đang tiến hành khoan cọc thử, bên cạnh là xe tải nhỏ hỗ trợ chở thiết bị vật tư, ống nước.
Nhà thầu triển khai lèo tèo vài thiết bị tại dự án mở rộng quốc lộ 50, một dự án trọng điểm kết nối liên vùng với các tỉnh Tiền Giang, Long An, dự kiến cuối năm 2024 hoàn thành.
Cứ một lúc, thiết bị khoan cọc thử lại gặp trục trặc, cả nhóm 4 người lại phải chỉnh sửa. Cách đó khoảng 200m, một trạm khoan với 2 máy khoan cọc nhồi hệ cần trục bánh xích không có công nhân, thợ máy nào làm việc. Đây là cũng là tình trạng thi công thực tế từ đoạn đường song hành Quốc lộ 50 (Km1+200 đến đến Km4+200) thuộc 2 gói thầu xây lắp số 2 và số 4.
Dự án xây dựng mở rộng Quốc lộ 50 có điểm đầu giao với đường Nguyễn Văn Linh, điểm cuối tiếp giáp tỉnh Long An, tổng chiều dài toàn tuyến 6,92 km.
Trong đó, có 4,36 km xây dựng mới (từ vị trí giao với đường Nguyễn Văn Linh đến vị trí giao với Quốc lộ 50 hiện hữu) và 2,56 km mở rộng Quốc lộ 50 hiện hữu. Đây cũng là dự án do Ban quản lý đầu tư các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) làm chủ đầu tư.
Tại lễ khởi công dự án vào đầu năm 2023, ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó giám đốc Ban Giao thông cho biết, dự án có tổng mức đầu tư là 1.498 tỉ đồng và sẽ hoàn thành vào tháng 12/2024. Sau khi hoàn thành sẽ góp phần chia tải cho quốc lộ 50 hiện hữu, kết nối với tuyến đường trục đi về các tỉnh Long An, Tiền Giang, thúc đẩy phát triển kinh tế liên vùng.
Song với thực trạng thi công của các nhà thầu như hiện nay, liệu dự án này có theo chân hàng loạt dự án khác do Ban Giao thông làm chủ đầu tư đang chậm trễ hay không? Đây là câu hỏi mà người dân TP.HCM đang mong chờ câu trả lời.
An Phú – nút giao trọng điểm thi công cầm chừng
Ghi nhận sau hơn 2 tháng khởi công, thực địa dự án nút giao An Phú chỉ có một số đơn vị triển khai thiết thi công ở công trường phía cầu Bà Dạt. Tuy vậy, trên tổng thể, tiến độ thi công của dự án rất im ắng.
Ghi nhận của Báo Giao thông tại khu vực nút giao An Phú trong nhiều ngày, ngoài việc rào chắn một số vị trí, chưa hề có động tĩnh thi công thực địa của các nhà thầu. Người dân trong khu vực cho biết, thi thoảng có 2 nhân viên đo đạc khảo sát xuất hiện tại đường Mai Chí Thọ.
Bà Mai Tuyến (62 tuổi) buôn bán gần khu vực cho biết: “Kẹt xe kinh khủng lắm, ngày nào cũng kẹt, nhất là cuối tuần. Họ làm lễ khởi công xong để đó chứ có thấy ai làm gì đâu”.
Nút giao An Phú bình thường đã ùn tắc dịp cuối tuần nay thường xuyên ùn tắc do phía đường Lương Định Của, đơn vị thi công rào chắn một phần đường. Bên cạnh đó, hướng rẽ trái vào cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây phải dừng đèn đỏ từ 60 – 120 giây nên cả khu vực thường rơi vào tình trạng ùn ứ kéo dài.
Dự án đầu tư xây dựng nút giao An Phú để sớm giải toả ùn tắc tại điểm giao thông quan trọng này. Tuy vậy, tiến độ thi công ì ạch cuả nhà thầu sau ngày khởi công khiến người dân lo ngại.
Dự án xây dựng nút giao An Phú khởi công tháng 12/2022 có tổng mức đầu tư 3.408 tỷ đồng, hoàn thành trước 30/4/2025. Dự án có 10 gói thầu, trong đó có 4 gói thầu xây dựng gồm: hầm chui HC1-01, hầm chui HC1-02, cầu Bà Dạt, cầu Giồng Ông Tố.
Nhìn vào danh sách liên danh các nhà thầu đã trúng các gói thầu, rất khó lý giải vì sao hoạt động thi công thực địa lại đìu hiu như vậy. Bởi đây là những đơn vị mạnh trong lĩnh vực giao thông hiện nay.
Chẳng hạn, gói thầu XL5 – xây dựng hầm chui HC1-01 với giá trị 342 tỷ đồng được thực hiện bởi liên danh: Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát - Công ty TNHH Hoàng Huy Toàn - Công ty Cổ phần Công trình Giao thông Sài Gòn - Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng- CTCP – Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO 4.
Hay như gói thầu XL7-xây dựng cầu Bà Dạt với tổng mức 184 tỷ đồng do liên danh Thăng Long 18 - Thành An 96 thực hiện.
Đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa cam kết khác với thực tế
Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa cũng khởi công tháng 12/2022. Sau hơn 2 tháng khởi công, ghi nhận tại 2 đầu đường nối, hoạt động thi công vẫn chưa có gì rầm rộ.
Tại khu vực đường nối giao với đường Trần Quốc Hoàn, thi thoảng có 2 nhân viên đo đạc đến và nhanh chóng rời đi. Tại đoạn cuối đường nối giao với Cộng Hòa ở cuối đường C12, hiện trạng tuyến đường vẫn không có gì thay đổi.
Phía trước các nhà dân là bức tường bao ngăn cách khu dân cư với trung tâm quản lý bay. Chị Kiều Oanh (32 tuổi), người dân tại phường 13 quận Tân Bình cho biết, mỗi buổi chiều, có hàng nghìn phương tiện đổ vào đường C12 để tránh ùn tắc ngoài đường Cộng Hòa. Tuy nhiên, hầu hết phương tiện rơi vào tình trạng mắc kẹt ngay trên đường tránh.
Ở phía đường Phan Thúc Duyện đoạn qua công viên Hoàng Văn Thụ, nhà thầu đã rào chắn bằng cách quây tôn phân cách đường với công viên. Đồng thời cho tháo cầu đi bộ băng qua đường Phan Thúc Duyện nối hai khu vực của công viên. Tuy vậy, việc triển khai thi công trên thực địa vẫn chưa thấy gì nhiều.
Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hoà có tổng mức đầu tư 4.848 tỉ đồng. Tại buổi lễ khởi công ngày 24/12/2022, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối giao thông trực tiếp cho nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất.
“Đề nghị các đơn vị tiếp tục tập trung cao độ, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ bồi thường GPMB, tiến độ thi công, hoàn thành và đưa công trình vào phục vụ người dân TP theo đúng tiến độ đề ra”, ông Cường nhấn mạnh.
Đáp lại, ông Nguyễn Vĩnh Ninh - Phó Giám đốc Ban Giao thông cam kết tập trung toàn bộ lực lượng, khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng công trình.
Chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố, cam kết của chủ đầu tư là vậy, nhưng thực tế những gì diễn ra tại công trường khiến người dân không khỏi lo lắng tiến độ của dự án trọng điểm ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất này.
Tại dự án này, gói thầu số 9 - Xây dựng hầm chui, đường vỉa hè, thoát nước, tổ chức giao thông từ km0+0.00 (đầu tuyến) đến Km0+370 (đường Thăng Long), một Liên danh không xa lạ gì tiếp tục trúng thầu, đó là Công ty cổ phần tập đoàn CK4 - Công ty TNHH xây dựng Thành Phát - Công ty Cổ Phần công trình giao thông Sài Gòn với giá trúng thầu gần 204 tỷ đồng.
Gói thầu số 10 - Xây dựng đường, tường chắn, vỉa hè, thoát nước, tổ chức giao thông từ Km0+370 (đường Thăng Long) đến Km0+990 (giáp đường 18E) và đường 18E (đoạn từ Km1+210 (mố M1) đến đường Cộng Hòa).
Gói thầu số 13 - Xây dựng đường, tường chắn, vỉa hè, thoát nước, tổ chức giao thông từ Km2+190 (mố M2) đến Km3+452 (cuối tuyến) và vuốt nối mở rộng đường Trường Chinh tại cuối tuyến đến đầu tháng 3/2023 vẫn chưa chấm thầu xong.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận