Xã hội

Những dự án cảng biển tạo đà đưa Quảng Ninh bứt phá

09/12/2022, 10:07

Sở hữu hơn 250km bờ biển với trên 6.000km2 mặt nước, Quảng Ninh đã và đang đầu tư có hiệu quả để "vươn ra biển lớn" với những bước đi hiệu quả.

Đầu tư hạ tầng phát triển du lịch, dịch vụ

Thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành một trong các tỉnh dẫn đầu về kinh tế biển của cả nước, trung tâm kinh tế biển; là cửa ngõ, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh).

img

Tàu du lịch chở khách thăm quan vịnh Hạ Long

Để hiện thực hóa chủ trương nêu trên, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đã huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển.

Trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của Quảng Ninh, du lịch và dịch vụ biển tiếp tục được xác định là một nội dung trọng tâm. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, du lịch biển đảo sẽ chiếm tỉ trọng khoảng 75-80% ngành du lịch toàn tỉnh với tổng số trên 28,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó, khách quốc tế đạt trên 8 triệu lượt; tạo việc làm cho trên 225.000 lao động...

Hiện Quảng Ninh có trên 500 tàu du lịch vận chuyển khách tập trung chủ yếu tại cảng Cái Rồng (Vân Đồn) đi Cô Tô và các xã đảo thuộc huyện Vân Đồn; 5 tuyến vận tải khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và trên 15 tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa tại các địa phương: Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Vân Đồn, Cẩm Phả và Hạ Long…

img

Một góc Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long

Để hình thành hệ thống cảng biển hiện đại phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long do Tập đoàn Sun Group đầu tư với số vốn hơn 1.000 tỷ đồng đã được xây dựng tại Quảng Ninh theo hình thức đối tác công-tư (PPP). Đây là cảng tàu du lịch quốc tế chuyên biệt đầu tiên của Việt Nam,được thiết kế hiện đại, đồng bộ.

Công trình được đưa vào hoạt động cuối tháng 12/2018, với cảng tàu gồm cầu dẫn dài 785m, rộng 11,5 m nổi trên vịnh Cửa Lục; cầu cảng đón khách dài 524 m, trong đó có bến cảng dài 130 m, rộng 31 m, có thể tiếp nhận đồng thời 2 tàu khách có sức chở lên đến 8.400 người. Riêng nhà ga cảng hành khách rộng 4.500 m2, gồm 3 tầng với tổng diện tích 13.500 m2.img

Những chiếc tàu quốc tế "khủng" đưa du khách cặp Cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long

Tiếp đó, mới đây, Quảng Ninh đã đưa bến cảng cao cấp Ao Tiên ở huyện đảo Vân Đồn vào hoạt động. Dự án khởi công từ tháng 4/2022, có quy mô gần 30ha, đồng bộ, hiện đại, tích hợp nhiều tiện ích, thiết kế theo chủ đề không gian xanh. Trong đó, diện tích mặt đất 5,9ha, còn lại là mặt nước. Tổng vốn đầu tư dự án là hơn 610 tỷ đồng, do Công ty TNHH MTV Du lịch Mai Quyền làm chủ đầu tư.

Công trình được thiết kế 5 cầu cảng, 2 cầu rộng 20m, dài 150m có thể tiếp nhận cỡ tàu khai thác lên đến 300 ghế và 3 cầu phụ cho du thuyền, các tàu loại nhỏ. Khu âu tàu có thể tiếp nhận đồng thời 150 tàu du lịch neo đậu...

Khu vực ga hành khách có diện tích sử dụng 8.000m2, công suất thiết kế 2,6 triệu lượt khách/năm ở giai đoạn 2020-2025 và mở rộng lên 3,2 triệu lượt khách/năm, giai đoạn 2025-2030; được tích hợp nhiều tiện ích, phân khu chức năng như đón hành khách, bán vé, nhà chờ, dịch vụ phụ trợ đi kèm...

img

Cảng cao cấp Ao Tiên mới được đưa vào sử dụng

Thêm "cú hích" về hạ tầng cảng biển vùng biên viễn

Ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh cho biết: Cảng biển Quảng Ninh là một trong số 17 cảng biển hàng đầu của quốc gia và là cảng biển quan trọng đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Trong 5 năm gần đây, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Quảng Ninh luôn đạt mức tăng trưởng cao. Hiện nay, trên địa bàn có 5.921 phương tiện thuộc 2.489 đơn vị kinh doanh vận tải thủy.

img

Việc đưa Cảng cao cấp Ao Tiên vào hoạt động sẽ phát huy giá trị tiềm năng đất đai quanh khu vực

Trong đó, có 1.352 phương tiện chở hàng hóa có trọng tải trên 100 tấn (52 phương tiện mang cấp VR-SB hoạt động tuyến ven biển), 101 phương tiện vận chuyển hành khách đi các tuyến đảo, 1 tàu biển cao tốc chở khách mang cấp biển hạn chế II, 23 phương tiện chở công nhân đi làm việc trên biển.

Do vậy, cùng với việc phát huy hệ thống cảng đã có, Quảng Ninh đang tiếp tục đầu tư thêm hệ thống cảng biển phục vụ bốc, xếp hàng hóa có quy mô lớn, hiện đại.

img

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cái Lân

Một trong những công trình mang tính động lực mới mà Quảng Ninh đang triển khai là Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh ở TP Móng Cái.

Dự án được khởi công ngày 24/10/2021 trên diện tích 82,79ha, tại xã Vạn Ninh, TP Móng Cái với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 trên 2.248 tỷ đồng, do Công ty CP Cảng Quốc tế Vạn Ninh làm chủ đầu tư. Thời gian đầu tư, xây dựng dự kiến trong 3 năm, hoàn thành và đưa vào khai thác trong quý IV/2024.

img

Hệ thống cảng, bến ở huyện Cô Tô được đầu tư đồng bộ

Bến cảng được thiết kế hạng mục bến cầu chính dài 500m, có thể đậu đồng thời 2 tàu trọng tải lên đến 20.000 DWT hoặc 3 tàu trọng tải 10.000 DWT và đậu các sà lan ở mặt sau; xây dựng 180m bến sà lan ở phía trong, tiếp giáp bờ; xây dựng 3 cầu dẫn…

Riêng khu kho bãi sẽ được đầu tư đồng bộ, trang bị hạ tầng hiện đại đáp ứng tốt nhất yêu cầu làm hàng tổng hợp và container. Ngoài ra, dự án còn có kho CFS, nhà điều hành cảng…

Dự án hoàn thành sẽ không chỉ góp phần đầu tư hoàn thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng và dịch vụ cảng biển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thúc đẩy hoạt động logistics, xuất nhập khẩu, giao thương quốc tế; mà sẽ góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng, đặc biệt là chủ quyền biển đảo Việt Nam.

img

Phối cảnh dự án

"Việc xây dựng bến cảng tổng hợp Vạn Ninh còn thể hiện rõ quan điểm ưu tiên của tỉnh Quảng Ninh đối với việc thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với phát triển bền vững kinh tế biển. Cảng tổng hợp Vạn Ninh hoàn thành sẽ hình thành tuyến vận tải kết nối Móng Cái với các cảng biển lớn trong cả nước và khu vực, mở ra cơ hội hình thành tuyến vận tải biển dài nhất từ trước đến nay từ Móng Cái đến Cà Mau…", lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định.

img

Nhà thầu huy động phương tiện, nhân lực đầy đủ để thực hiện dự án ngay từ ngày đầu khởi công

Cùng với đầu tư đồng bộ cho hạ tầng cảng biển phát triển dịch vụ và du lịch, hiện nay kinh tế thuỷ sản và kinh tế hàng hải… cũng là một trong những lợi thế mà Quảng Ninh tập trung đầu tư phát triển. Từ đó, thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam mà Trung ương đã đề ra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.