Giao thông

Những dự án giao thông mới tỷ đô cho Hà Nội

09/03/2016, 06:56

Nhiều dự án hạ tầng giao thông trị giá hàng tỷ đô được triển khai tại Hà Nội.

1
Hạn chế phương tiện cá nhân, tăng hiệu quả kết nối các phương thức vận tải như xe buýt và đường sắt đô thị sẽ giúp giảm bớt áp lực cho giao thông Hà Nội - Ảnh: K.Linh

Vốn phát triển hạ tầng giao thông, kết nối nhiều phương thức vận tải công cộng trong nội đô, đẩy nhanh tiến độ các dự án, tạo điều kiện cho người đi bộ... là những nội dung “nóng” được lãnh đạo Bộ GTVT và TP Hà Nội “mổ xẻ”, tìm giải pháp xử lý quyết liệt tại hội nghị hôm 7/3. 

Cần hơn 400.000 tỷ đồng cho hạ tầng giao thông Thủ đô

Tại Hội nghị triển khai công tác quản lý Nhà nước về GTVT, phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 sáng 7/3, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cũng như quản lý kết cấu hạ tầng giao thông của Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả. Nhiều dự án giao thông quan trọng được đưa vào khai thác như: Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, Hà Nội - Hải Phòng, Pháp Vân - Cầu Giẽ, cầu Nhật Tân và đường nối Nhật Tân - Nội Bài. Nhà ga T2 Nội Bài được đưa vào khai thác, nâng tổng công suất phục vụ Sân bay quốc tế Nội Bài lên 25 triệu hành khách/năm... Bên cạnh đó, dự án đường sắt đô thị tuyến số 2 Cát Linh - Hà Đông, tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội đang được gấp rút thi công. Tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi đang được chuẩn bị các thủ tục để khởi công.

"Vấn đề vỉa hè bị lấn chiếm đã nói mãi. Bây giờ phải đẩy mạnh kiểm tra trách nhiệm của các phường, xã để vỉa hè bị lấn chiếm và phải xử lý nghiêm. Bộ GTVT đã quy định phải dành 1,5m cho người đi bộ. Như vậy, những vỉa hè không đạt 1,5m đương nhiên không được kinh doanh, không được để xe. Nếu vi phạm cứ theo quy định mà xử lý. Các xe quá tải và hết niên hạn cũng vậy”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội
Hoàng Trung Hải

Tới đây, Hà Nội và Bộ GTVT tập trung ưu tiên đầu tư hệ thống các cầu qua sông Hồng, sông Đuống; Các tuyến trục hướng tâm, trục chính đô thị, hoàn thiện các tuyến đường vành đai chính và phân công rõ trách nhiệm đầu tư của Bộ GTVT và của TP Hà Nội. Cùng đó, Bộ GTVT sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như: Cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 2, các QL3, 6, 21...

“Ngay trong năm 2016, Bộ GTVT dự kiến khởi công 4 dự án gồm xây dựng cầu cạn trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, đường Vành đai 4 đoạn nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Hà Nội - Hải Phòng, tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, cầu vượt nút giao Phú Thượng với tổng kinh phí khoảng 39.000 tỷ đồng”, Thứ trưởng Trường nói.

Ngoài các dự án đang triển khai, Hà Nội còn dự kiến khởi công đầu tư 46 dự án trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 gồm 31 dự án đường bộ, 6 tuyến đường sắt, 4 dự án BRT, 5 dự án xây dựng bến xe, tổng kinh phí khoảng hơn 400.000 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, nhu cầu vốn cho giao thông Hà Nội rất lớn. Đến năm 2020 cần khoảng trên 400.000 tỷ đồng. Tính ra mỗi năm cần khoảng 5 tỷ USD.

Về nguồn vốn, Thứ trưởng Đông cho rằng, hiện nay các nhà tài trợ chuyển sang các nguồn vốn vay với mức lãi suất thấp. Có thể cho thành phố vay lại, sau đó cân đối thực hiện, đặc biệt là đường sắt nội đô.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, tới đây sẽ tập trung huy động nguồn lực phát triển giao thông, nhưng rất khó khăn. Nguồn vốn ODA cũng khó. Các dự án trong nội đô nhiều khi tiền GPMB còn lớn hơn tiền nhà tài trợ cho vay. Vậy nên tập trung huy động nguồn lực xã hội làm theo hình thức PPP; Trong đó, mở hướng Vành đai 4 và Vành đai 3,5.

3
Hà Nội đang đẩy nhanh đầu tư hạ tầng giao thông (Trong ảnh: Nhà thầu đang thi công tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội) - Ảnh: Tạ Tôn

Hạn chế xe cá nhân cần tăng vận tải công cộng

Tại hội nghị, Thứ trưởng Trường cũng cho biết, Bộ GTVT và các Bộ liên quan sẽ phối hợp với Hà Nội tiếp tục các biện pháp, cơ chế chính sách để hạn chế phương tiện cá nhân. Ngoài việc thực hiện một số cơ chế đặc thù, phải tăng cường phương tiện vận tải công cộng, đổi mới, mở rộng phạm vi hoạt động của xe buýt đảm bảo hiệu quả kết nối các phương thức vận tải công cộng khác như đường sắt đô thị. Theo ước tính, mỗi năm Hà Nội tăng khoảng 11% số lượng xe máy và 17% xe ô tô. Hiện tại, tổng số xe máy khoảng 5,3 triệu chiếc, ô tô khoảng hơn 408.000 chiếc. Đó là chưa kể rất nhiều phương tiện vãng lai lưu thông qua Hà Nội hàng ngày đang tạo sức ép lớn lên hạ tầng giao thông.

"Thống kê Hà Nội năm vừa rồi có khoảng 100 người chết khi đi bộ là quá lớn. Chủ trương xử lý vi phạm cả người đi bộ là rất đáng ủng hộ, nhưng nếu không giải quyết dứt điểm hạ tầng cho người đi bộ thì rất khó”.

Phó Chủ tịch chuyên trách
Ủy ban ATGT Quốc gia
Khuất Việt Hùng

“Hàng tháng cứ đăng ký thêm hàng nghìn ô tô và xe máy như hiện nay sẽ không có sức để phát triển hạ tầng theo phương tiện cá nhân”, ông Nguyễn Phi Thường, Tổng giám đốc Tổng công ty vận tải Hà Nội nói và đề nghị, các dự án đang triển khai cần bổ sung ngay thiết kế đón, trả khách xe buýt để tăng tính kết nối vận tải nhiều phương thức.

Lấy ví dụ tuyến Cát Linh - Hà Đông, ông Thường cho biết nếu không có chuyển tiếp kết nối sẽ không thu hút được hành khách. Hơn nữa, cần rõ ràng trong hạn chế phương tiện cá nhân, có đề án, chủ trương và lộ trình thực hiện. Hệ thống vận tải đô thị phải thống nhất, trọng tâm là vận tải khách công cộng, đặc biệt là đường sắt đô thị.

Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, cần xây dựng và triển khai đề án tăng cường vận tải công cộng và kiểm soát phương tiện cá nhân. “Phương án kết nối tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông với xe buýt và phương án đảm bảo an toàn cho người đi bộ qua đường lên nhà ga đường sắt đô thị cần xây dựng ngay. Nếu không phát triển vận tải công cộng sẽ không giảm được phương tiện cá nhân”, ông Hùng nói.

2
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận hội nghị

Hướng đến thành phố văn minh, hiện đại

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định, với tốc độ tăng trưởng ô tô và xe máy theo kiểu nước sôi như hiện nay sẽ không hạ tầng nào theo kịp, sức ép giao thông rất lớn.

“Nhu cầu vốn cho giao thông chiếm khoảng 50% tổng nhu cầu vốn, nhưng cũng chưa đáp ứng được”, Bí thư Hoàng Trung Hải nói và khẳng định, muốn thành phố văn minh, hiện đại, thông thoáng, diện tích cho giao thông, cây xanh, vui chơi phải nhiều hơn nữa. Phương tiện công cộng mới đáp ứng được 15% so với 30% theo yêu cầu là quá thấp. Hạ tầng giao thông đang báo động. Từng người dân tham gia giao thông rất khó khăn, dẫn đến hiệu quả kinh tế bị ảnh hưởng, đe dọa mất ATGT”, Bí thư Thành ủy nói và yêu cầu cần hoàn thiện quy hoạch. Quy hoạch ngầm phải triển khai ngay, duyệt được quy hoạch ngầm trong năm nay. Sân bay quốc tế Nội Bài phải chuẩn bị dự án để bắt đầu năm 2020 triển khai. 3 tuyến cao tốc, 6 tuyến hướng tâm và 7 vành đai xung quanh Hà Nội... hay hệ thống tàu điện ngầm đề nghị Bộ GTVT và Hà Nội chuẩn bị dự án. Ga Hà Nội đưa vào làm điểm kết nối trung tâm các phương thức vận tải.

Về xe buýt, phải đảm bảo chuyển đổi phương tiện đạt yêu cầu mỹ quan và phát thải ít. Kích cỡ xe phù hợp từng tuyến, đặc biệt là các tuyến xe buýt nhanh BRT có kích cỡ xe lớn không phải tuyến nào cũng đi được, cần nghiên cứu kỹ. Các ô tô vận chuyển vật liệu xây dựng phải rửa sạch sẽ trước khi ra khỏi công trường để không gây bụi bẩn. Xe nào không chấp hành phải phạt nghiêm.

“Nếu không có các biện pháp đảm bảo môi trường, Hà Nội sẽ ô nhiễm hơn Bắc Kinh”, Bí thư Hoàng Trung Hải nói và yêu cầu tất cả tuyến xe buýt phải sạch sẽ. Nhà hàng nào xả rác bừa bãi cũng phải bị phạt. Nếu làm không nghiêm dẫn đến nhờn luật và không thể xây dựng được một Nhà nước thượng tôn pháp luật. Diện tích dành cho giao thông phải cố gắng đạt được như đã đề ra. Không thể có chuyện cứ có một miếng đất nào đấy định để dành cho giao thông, nhưng lại tiếc và cho làm chung cư”, ông Hải chỉ đạo.

Cũng tại hội nghị, TP Hà Nội đưa ra 8 dự án trọng điểm, trong đó 7 dự án năm 2016 phải xong. 8 dự án này sẽ cắt được hơn 20 điểm ùn tắc giao thông, còn 23 điểm ùn tắc nữa sẽ áp dụng phân luồng giao thông để giảm ùn tắc. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.