Y tế

Những em bé được “tái sinh” nhờ sự kì diệu của y học

15/10/2020, 22:25

Thành công với nghiên cứu ghép tế bào gốc, GS Liêm và đồng nghiệp tại Vinmec đã công bố nhiều bài báo khoa học có giá trị tại các hội thảo.

Một năm rưỡi sau khi được ghép tế bào gốc tại Vinmec, từ chỗ chỉ nằm im một góc và ăn qua ống xông, bé Linh đã có thể tự đi lại trên chính đôi chân của mình, nhận thức, ngôn ngữ tiến bộ rõ rệt.

Đây chỉ là một trong số gần 1000 ca ghép tế bào gốc điều trị bại não của Vinmec, với tỷ lệ an toàn không biến chứng đạt 100% và 70-80% bệnh nhân sau ghép có cải thiện tốt, mang lại niềm hi vọng hồi sinh bằng phương pháp điều trị tiên tiến bậc nhất hiện nay.

Ba lần ghép tế bào, “tái sinh” một con người

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec mở đầu câu chuyện về trường hợp bé gái 5 tuổi Hà Gia Linh (Ý Yên, Nam Định).

Bé vào bệnh viện Vinmec tháng 3/2019 trong tình trạng gồng cứng, chỉ nằm một chỗ, phải ăn qua xông. Mỗi tối, bé chỉ ngủ 3 tiếng, còn lại là tiếng cười vô thức và những cơn co cứng đến rút tay chân.

Bé Linh được chẩn đoán bị bại não do di chứng viêm não tự miễn - một ca bệnh hiếm gặp với hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động bất thường, tấn công nhầm vào tế bào và mô khỏe mạnh ở não hay tủy sống.

Từ khi bé phát bệnh, vợ chồng anh Thành, chị Hường đưa con lên Hà Nội, nằm 2 tháng ở một bệnh viện lớn được áp dụng tất cả các phác đồ điều trị tiên tiến nhất tình hình không cải thiện. Bé bị di chứng thần kinh nặng nề mặc dù được tiếp tục uống thuốc và châm cứu sau khi ra viện nhưng vẫn không có tiến triển.

Bé mất hoàn toàn nhận thức, liên tục gồng cứng và có nhiều cơn co giật, không nuốt được thức ăn nên phải nuôi dưỡng bằng bơm thức ăn qua ống thông dạ dày, đại tiểu tiện không tự chủ. Gia đình đã đưa bé đến bệnh viện Vinmec sau 7 tháng chạy chữa khắp nơi không có kết quả.

img
Bé Hà Gia Linh từ một em bé sống thực vật do bệnh viêm não tự miễn, đã tiến bộ vượt bậc về sức khỏe và nhận thức sau 3 lần ghép tế bào gốc tại Vinmec

GS Liêm cho biết, sau khi hội chẩn, Vinmec đã quyết định dùng phương pháp chữa trị cho bé là ghép tế bào gốc mô dây rốn. Thời điểm ấy, trên thế giới chưa nước nào ghép tế bào gốc cho bệnh nhân mắc chứng bệnh hiếm và khó như bại não do viêm não tự nhiễm.

Với kinh nghiệm nghiên cứu tế bào gốc, Vinmec là một trong những trung tâm y học đầu trên thế giới có đủ năng lực thực hiện phương pháp điều trị này.

Lần ghép đầu tiên được thực hiện ngay sau đó vào tháng 4/2019 mang lại kết quả khả quan: bé đã tự nuốt được qua đường miệng, bỏ xông dạ dày. Sáu tháng sau, nhờ lần ghép thứ 2, lần đầu tiên, Gia Linh đã có thể ngồi dậy.

"Tiếp tục ghép lần ba, kết quả chúng tôi nhận được vô cùng phấn khởi. Cháu không chỉ ngồi được mà còn đứng dậy, đi lại, bàn tay, ngón tay vận động bình thường, nhận thức và ngôn ngữ dần quay trở lại", GS Liêm kể.

Một năm rưỡi sau ca ghép lần đầu tiên, tháng 10/2020, trước cửa phòng khám của GS Liêm xuất hiện một bé gái rạng rỡ trong chiếc váy vàng, đi lại khắp hành lang bệnh viện. Khó có thể tin được đó là cô bé nằm liệt một chỗ ngày nào.

"Ngày con chống tay ngồi dậy được tôi đã khóc. Lần đầu tiên, sau bao ngày, tôi lại được nghe tiếng gọi Mẹ. Tôi vẫn nhớ như in ngày đầu tiên đến đây là 4/4/2019, đó là ngày con được sinh ra lần thứ hai", chị Ma Thu Hường, mẹ bé Gia Linh nói.

Sẽ thêm nhiều câu chuyện cổ tích có thật

Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec cho biết, với thành công từ trường hợp của bé Linh, Vinmec đang chuẩn bị để công bố công trình khoa học với quốc tế cho các nước tham khảo.

Trước đó, Vinmec đã thực hiện 950 ca ghép tế bào gốc điều trị bại não. Tỷ lệ 100% an toàn không biến chứng và tới 70-80% bệnh nhân sau ghép có tình trạng cải thiện tốt.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.