Một người dân bị thương trong vụ nổ được đưa đi cấp cứu |
Vụ nổ kinh hoàng sáng 3/1 đã khiến Quan Độ trở thành một quả bom, theo đúng nghĩa của nó. Vụ nổ biến những ngôi nhà thành hố bom. Trong đó, có người chết.
Tôi không sinh ra trong chiến tranh, bàng hoàng đứng trước cảnh tan hoang trước mặt và tự hỏi điều gì đã xảy ra?
Căn nhà của ông Tiến nơi có vựa vật liệu phát nổ cùng 5 nhà cấp 4 và 1 nhà bên cạnh đã bị san phẳng hoàn toàn, tạo thành 1 hố sâu 3m, diện tích to như một cái ao.
Một người trong làng kể, sau tiếng nổ long trời lở đất, những người gần đó lao ra khỏi nhà và chạy trên những con đường rơi dày đặc đầu đạn, lẫn với gạch ngói, mảnh vỡ ngổn ngang. Để rồi thất thần khi thấy giữa mùi thuốc súng nồng nặc, những người khỏe mạnh đang bới móc trong đống đổ nát để đưa những người tử vong, bị thương ra ngoài. Hai đứa trẻ của hai gia đình đã tử vong, chục người khác bị thương bê bết máu, đạn găm vào nhiều bộ phận cơ thể.
Cả trăm căn nhà dân tại khu vực lân cận bị ảnh hưởng, vỡ cửa kính, nứt tường, trần nhà... Ở vị trí cách hiện trường cả km, nhiều ngôi nhà cũng bị vỡ rạn gương kính. Những chiếc ô tô đậu ngoài sân ngõ vẫn bị đạn rơi thủng kính xe.
Khi tôi tới, người dân trong làng lê bước về nhà trên những con đường vẫn ken đặc đầu đạn, việc đầu tiên họ làm là lẳng lặng cầm xô, chậu, túi bóng gom nhặt đầu đạn giao nộp cho cơ quan chức năng. Nhặt hết từ trong nhà ra đến ngoài sân rồi ra đến ngõ, lật giường, lật chiếu, bới gạch ngói vỡ... để gom đầu đạn.
Lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường, phong tỏa và cấm người vào bên trong khu vực nguy hiểm. Cũng như mọi người dân, các phóng viên bị chặn từ đường vào hiện trường. Nếu có phóng viên nào tìm cách lọt được vào thì cũng nhanh chóng được đưa trở ra do “tất cả còn rất nguy hiểm, có thể phát nổ trở lại”.
Cảnh báo đó không thừa khi chiều 3/1, một đầu đạn lại phát nổ trong khi được thu gom khiến một thanh niên mất tay và bị thương nhiều bộ phận.
Vụ nổ cuối ngày khiến tôi bàng hoàng, điều gì xảy ra nếu những đầu đạn đang được người dân lầm lũi thu gom kia tiếp tục phát nổ và cả tôi nữa cũng đã giẫm đạp lên những viên đạn mà đi trong lúc tác nghiệp đến rã rời.
Điều gì khiến người dân Quan Độ liều lĩnh mưu sinh đến thế? Nghe nói nơi đây không chỉ mua bán các phế liệu thông thường. Các loại phế liệu đặc biệt như bộ phận máy bay, tàu hỏa, xe cũ và cả bom, đầu đạn quá hạn... khắp nơi được đưa về Quan Độ để sau đó được phân kim, chế biến và… ra tiền.
Sau đau thương, người ta bắt đầu chỉ trích chính những người trong cuộc, chính quyền, rồi cơ quan phòng chống cháy nổ, họ ở đâu, làm gì khi đã từng nghe, từng biết tới những mối hiểm nguy hiện hữu ấy?
Đã có bao nhiêu cuộc kiểm tra hành chính, đột xuất và bất thường để kịp thời cảnh báo hay ngăn chặn thảm họa ngày hôm nay? Hay không có cuộc kiểm tra nào cả?
Người ta có thể chấp nhận vụ nổ khi cưa bom ở một thôn quê đâu đó còn đói nghèo và thực chất thì nó từng xảy ra ở khắp nơi trong nhiều năm qua. Nhưng ở Quan Độ, họ không còn nghèo nữa, không thiếu miếng ăn, thiếu hiểu biết đến nỗi lấy gạch đập viên đạn để chơi, hay dùng dụng cụ đục thủng đạn để lấy thuốc nổ. Vậy, tại sao vẫn có tai nạn ngày hôm nay?
Ông trưởng thôn nghe tôi hỏi có biết người ta mua đạn về phân kim hay không thì lập tức kêu lên: “Chúng tôi không hề biết gì, nếu biết mà lại để yên sống cạnh đống nguy hiểm ấy à?”.
Tôi thực sự cũng không tin ông trưởng thôn lắm, bởi lẽ, quy mô lớn đến hàng tấn đầu đạn như ở nhà ông Tiến thì thật không ngờ chứ việc thu gom các vật có thuốc nổ với dân chuyên làm phế liệu thì đã nghe nói.
Trong ngôi làng như một bãi rác khổng lồ ngột ngạt, đặc quánh bụi và ô nhiễm, tôi cứ bần thần, đến bao giờ ở đất nước này mới hết những tai ương do chính con người gây ra?
Chiều tối, khi đám tang của hai cháu nhỏ diễn ra, nhìn cảnh bé Nam chưa đầy 1 tuổi về nơi an nghỉ cuối cùng trong lúc cả bố và mẹ nằm viện; nhìn cảnh bố mẹ bé Thùy Trang dù thương tích đầy người vẫn bỏ bệnh viện về nhìn mặt con lần cuối - đứa con duy nhất mà họ có được sau gần chục năm chữa trị hiếm muộn, những người dân làng Quan Độ đều rớt nước mắt. Nước mắt xót xa và thấm thía những bài học đớn đau về sự mưu sinh liều lĩnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận