Ba năm kể từ khi UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phục vụ dự án xây dựng Hồ chứa nước Ka Pét, công trình này bất ngờ dấy lên nhiều tranh cãi.
Đã triển khai 3 gói thầu tư vấn
Tháng 2/2020, tỉnh Bình Thuận thành lập Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT, Ban QLDA nông nghiệp tỉnh). Ban này được thành lập trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng Ban QLDA đầu tư xây dựng cơ bản trực thuộc Chi cục Phát triển nông thôn vào Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình NN&PTNN trực thuộc Sở NN&PTNT. Sau khi hợp nhất, Ban QLDA nông nghiệp tỉnh trở thành đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc UBND tỉnh Bình Thuận.
Tháng 7/2020, UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu số 4, số 5 và số 6 dự án đầu tư xây dựng công trình Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam. Ban QLDA nông nghiệp tỉnh là bên mời thầu.
Cụ thể, gói thầu số 4 Tư vấn khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi có giá trị hơn 4,3 tỷ đồng.
Gói thầu số 5 là Tư vấn giám sát, khảo sát gói thầu số 4 có giá trị hơn 100 triệu đồng.
Gói thầu số 6 là Tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu số 4, có giá trị hơn 22 triệu đồng.
Tổng Công ty tư vấn xây dựng Thủy lợi Việt Nam CTCP và Viện Đào tạo và Khoa học ứng dụng Miền Trung dự thầu.
Kết quả, công ty tư vấn xây dựng Thủy lợi Việt Nam CTCP trượt thầu do không đạt đánh giá kỹ thuật (ĐGKT). Viện Đào tạo và Khoa học ứng dụng Miền Trung đạt ĐGKT với số điểm 941/1000 và sau đó trúng thầu với giá hơn 3,8 tỷ đồng. Mặc dù giá trị gói thầu không lớn nhưng lại là tiền đề để triển khai toàn bộ dự án.
Còn hơn 3 tháng gia hạn vốn dự phòng ngân sách Trung ương
Xác minh của PV Báo Giao thông cho thấy, dự toán tổng mức đầu tư và nguồn vốn của dự án là hơn 874 tỷ đồng, gồm ngân sách trung ương hơn 519 tỷ đồng và ngân sách địa phương hơn 354 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong phần ngân sách Trung ương có 47,3 tỷ đồng là vốn dự phòng được gia hạn giải ngân đến hết ngày 31/12/2023. Đây là vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ theo chương trình ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Như vậy, chỉ còn khoảng 3 tháng nữa, phần vốn dự phòng đã bố trí này sẽ hết hiệu lực.
"Nếu không triển khai kịp thời, rất có khả năng sẽ dẫn đến sự phức tạp về điều chỉnh, bổ sung trong thủ tục bố trí vốn đối với dự án cấp thiết này. Quá trình khảo sát tư vấn đã đánh giá hồ chứa này sẽ cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp 2,63 triệu m3/năm nước thô cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II; tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết", một cán bộ tham gia khảo sát thực địa chia sẻ với PV Báo Giao thông.
Theo tìm hiểu, đơn vị lập Tư vấn khảo sát và Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án hồ chứa nước Ka Pét thuộc nhóm nhà thầu có năng lực vốn, đã tham gia gần 500 gói thầu ở nhiều tỉnh thành miền Trung. Tổng giá trị đã trúng thầu trong cả vai trò liên danh và đấu thầu độc lập là hơn 1.800 tỷ đồng. Nhà thầu này là đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc Bộ NN&PTNN.
Dự án hồ chứa nước Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đã được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ có công văn số 541 giao nhiệm vụ chủ đầu tư và thực hiện dự án.
Về các thông tin rầm rộ trên mạng xã hội mấy ngày nay cho rằng xây dựng hồ Ka Pét sẽ hủy diệt rừng nguyên sinh, phá đi nhiều diện tích rừng cây cổ thụ, đại diện Sở NN&PTNN tỉnh Bình Thuận cho rằng đó là thông tin "không chính xác".
Chiều nay 7/9, cuộc họp báo về những nội dung liên quan sẽ được tổ chức tại tỉnh Bình Thuận.
Báo Giao thông tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận