Nội dung này được nêu tại kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại hội nghị trực tuyến và trực tiếp với các Bộ, ngành, địa phương về kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Ba lần trình vẫn chưa đảm bảo tính khả thi
Theo đó, Thủ tướng, Phó thủ tướng có nhiều văn bản chỉ đạo về việc xây dựng kế hoạch nhưng qua 3 lần trình, kế hoạch vẫn tồn tại nhiều hạn chế, chưa đảm bảo tính khả thi.
Những lý do khiến bản kế hoạch tiếp tục phải làm lại là: chưa đủ danh mục dự án (đầu tư công, dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công); chưa đề xuất được việc xây dựng 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ về năng lượng tái tạo liên vùng; chưa nghiên cứu đưa chương trình phát triển điện nông thôn vào kế hoạch; chưa xác định rõ nguồn lực và việc sử dụng các nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
Lãnh đạo Chính phủ cũng chỉ rõ bản kế hoạch chưa đề xuất được đầy đủ các chính sách, giải pháp khả thi để thực hiện quy hoạch (theo quy định tại Điều 46 Luật Quy hoạch); chưa bám sát quan điểm, mục tiêu, phương án phát triển, luận cứ, tiêu chí và tính "động và mở" trong Quy hoạch điện VIII về phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới gắn với quá trình chuyển đổi kinh tế đất nước theo hướng xanh, tuần hoàn, carbon thấp, chuyển dịch năng lượng bền vững;
Ngoài ra, việc giao cho địa phương xác định cụ thể các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo là chưa đảm bảo phù hợp pháp luật về quy hoạch.
Theo chức năng nhiệm vụ, Bộ Công thương phải rà soát, tổng hợp các dự án ngay từ khi xây dựng và phê duyệt Quy hoạch điện VIII, tuy nhiên, bản kế hoạch cho thấy nhiều nội dung còn chưa thống kê đầy đủ, thiếu dữ liệu thông tin, đặc biệt là thông tin về các dự án chuyển tiếp, chưa bảo đảm tính kế thừa. Với các nội dung còn tồn tại như trên nên chưa đủ cơ sở pháp lý, khoa học, thực tiễn và tính khả thi, tổng thể của kế hoạch để Thủ tướng xem xét, phê duyệt.
Làm lại kế hoạch theo 5 yêu cầu
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đề cập việc theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công thương phải hoàn thành việc trình kế hoạch trong tháng 6 năm 2023. Đến nay, dù chậm 4 tháng, kế hoạch vẫn còn nhiều tồn tại, cần được tiếp tục hoàn thiện. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương trong lần hoàn thiện này cần tiếp thu ý kiến góp ý xác đáng các địa phương, bộ ngành; lưu ý 5 nội dung dưới đây.
Đó là, phải bám sát phương án phát triển nguồn điện, lưới điện, các tiêu chí, luận chứng và các giải pháp, nguồn lực để hoàn thành kế hoạch.
Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa danh mục các dự án, bao gồm cả danh mục các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo (gồm điện gió trên bờ, điện mặt trời, điện sinh khối, điện sản xuất từ chất thải rắn, thủy điện nhỏ...) sẽ triển khai trong thời kỳ quy hoạch, đặc biệt là trong giai đoạn đến năm 2025.
Để công khai, minh bạch, đúng quy định, Phó thủ tướng lưu ý Bộ Công thương hướng dẫn các địa phương các tiêu chí cụ thể như ưu tiên vùng, miền, địa phương có nhu cầu phụ tải cao, bảo đảm hợp lý trong phân bổ, cân đối giữa các vùng, miền theo nhu cầu phụ tải, cơ cấu nguồn, quy mô, pháp lý, công nghệ, kỹ thuật, kinh tế, hiệu quả, môi trường, chuyển đổi xanh.
"Ưu tiên hợp lý đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa khó khăn trong thu hút đầu tư nhưng có tiềm năng, lợi thế phát triển các thủy điện nhỏ, năng lượng tái tạo, điện sinh khối, điện sản xuất từ chất thải rắn, các địa phương đã đáp ứng cơ bản về điều kiện hạ tầng truyền tải, quy hoạch bến cảng, kho bãi... để các địa phương rà soát các dự án đang triển khai đáp ứng các yêu cầu về kế thừa tiếp tục triển khai đối với các dự án chuyển tiếp và đề xuất các dự án mới đưa vào Kế hoạch", lãnh đạo Chính phủ yêu cầu.
Đối với việc triển khai nguồn điện gió ngoài khơi, cần thiết rà soát kỹ thêm về các quy định pháp luật có liên quan để đề xuất kế hoạch triển khai cụ thể, trong đó có nội dung thực hiện thí điểm giao doanh nghiệp nhà nước có đủ tiềm lực thực hiện. Nếu phải sửa đổi các luật có liên quan thì báo cáo cấp có thẩm quyền (Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho phép triển khai thí điểm.
Đặc biệt, Phó thủ tướng nhấn mạnh việc giao các địa phương đề xuất cụ thể danh mục các dự án năng lượng tái tạo (kể cả các dự án chuyển tiếp) và chịu trách nhiệm về các nội dung đề xuất, gửi Bộ Công thương trước ngày 12/11.
"Đối với các dự án chuyển tiếp (bao gồm cả điện mặt trời tập trung) không có sai phạm về các yếu tố kinh tế, kỹ thuật và hiệu quả đầu tư thì cần rà soát, cập nhật để đưa vào kế hoạch, song phải đảm bảo nguyên tắc không hợp thức các sai phạm. Nếu có các sai phạm thì cần cá thể hóa trách nhiệm để xử lý, và chỉ được triển khai sau khi đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, bản án.
Với các yêu cầu trên, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương phải làm xong và trình Thủ tướng trước ngày 20/11, phải chịu trách nhiệm về tính tổng thể của kế hoạch và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận