Công ty CP Bóng đá Việt Nam dự kiến sẽ trình lên Ban Chấp hành VFF kế hoạch tổ chức phần còn lại của V-League 2021 vào tháng 2/2022. Trong khi đó, đã có một số đội bóng lên tiếng muốn hủy giải, không công nhận kết quả vô địch hay xuống hạng.
V-League 2021 vẫn đang "đóng băng"
Hủy giải vốn không phải cụm từ mới với bóng đá Việt Nam. Mùa trước, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, đã có ý kiến nên hủy V-League 2021. Những rồi mọi thứ vẫn được tiến hành, theo một cách bình thường mới.
Thời điểm hiện tại, diễn biến dịch bệnh phức tạp hơn, khó lường hơn nhưng không phải không có hy vọng để V-League 2021 về đích an toàn. Tính ra, giải cũng chỉ còn từ 6-8 trận, con số này không cần quỹ thời gian quá lớn để hoàn thành.
Đương nhiên, hủy giải cũng là một trong những phương án cần tính tới, nhưng phải là phương án cuối cùng, khi mọi hy vọng đều tối thui. Đây hẳn chưa phải thời điểm nói về việc này.
Hủy giải kéo theo nhiều hệ lụy xấu, cầu thủ không được chơi bóng hay nôm na là không được làm nghề. Các ràng buộc kinh tế của nhà tổ chức với các đơn vị tài trợ sẽ rất khó tính toán, không loại trừ khả năng VPF phải bồi thường vì không thể hoàn thành các nghĩa vụ như cam kết.
Đó là chưa kể hủy giải cũng kéo theo nhiều xáo trộn về mặt tổ chức, quản lý ở các CLB. Cầu thủ sẽ ra sao nếu từ nay tới đầu năm 2022 không tập luyện có mục tiêu? Đành rằng đội bóng sẽ cõng thêm gánh nặng tài chính, nhưng với môi trường bóng đá còn kém chuyên nghiệp, cầu thủ chưa có ý thức giữ gìn thể lực và phong độ, sẽ là thảm họa nếu mọi thứ bị buông lỏng.
Nói như vậy để thấy rằng, hơn lúc nào hết, V-League cần chung tay, đồng lòng để vượt qua giai đoạn khó khăn. Lợi ích của cầu thủ, CLB, VPF và xa hơn là cả của đội tuyển quốc gia cần được hài hòa.
Xây một tòa nhà có thể mất vài năm nhưng phá một tòa nhà chỉ cần một ngày. Giải Bóng đá vô địch Quốc gia cũng vậy, đưa giải về đích an toàn mới khó, còn hủy chỉ đơn giản cần một công văn từ nhà tổ chức.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận