Dự án quét ảnh dưới nước lớn nhất trong lịch sử
Tại họp báo ngày 17/5, nhóm nghiên cứu biển sâu Magellan và hãng sản xuất phim Atlantic Productions công bố đã sử dụng công nghệ lập bản đồ biển sâu để lần đầu tiên tạo ra bản sao kỹ thuật số “sao y bản chính” xác tàu Titanic.
Qua việc thực hiện dự án quét ảnh dưới nước lớn nhất trong lịch sử, các nhà khoa học đã quét ảnh chụp xác tàu Titanic ở vùng biển ngoài khơi Canada vào mùa hè năm 2022. Nhóm nghiên cứu cũng khẳng định đã tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về việc cấm chạm vào xác con tàu.
Giám đốc điều hành công ty Magellan - ông Richard Parkinson cho biết, khoảng 715.000 hình ảnh, 16 terabyte dữ liệu đã được thu thập trong cuộc thám hiểm, gấp 10 lần các mô hình quét ảnh 3D dưới nước từng được thực hiện trước đó trên thế giới.
Ảnh chụp 3D mô phỏng bản sao xác tàu Titanic. Ảnh: Atlantic Productions/Magellan
Theo nhóm nghiên cứu, họ đã lập bản đồ chi tiết đến từng millimet khu vực rộng 3 dặm nơi xác tàu Titanic nằm dưới đáy biển đồng thời bản sao kỹ thuật số cũng tái hiện thành công toàn bộ xác con tàu.
Ông Parkinson cũng cho biết, nhóm nghiên cứu đã phải vượt qua nhiều thách thức về công nghệ, thời tiết cùng nhiều yếu tố khác để hoàn thành dự án. Trong khi các ảnh chụp xác tàu Titanic trước đây đều có hạn chế bởi chất lượng ánh sáng thấp khi chụp ở độ sâu khoảng 3.800m dưới mực nước biển, thì công nghệ lập bản đồ biển sâu nhóm nghiên cứu sử dụng đã khắc phục được yếu điểm trên.
Mở ra chương mới trong công cuộc khám phá bí ẩn về thảm kịch tàu Titanic
Tại họp báo, nhóm nghiên cứu cũng khẳng định đã phát hiện một số thông tin mới đáng chú ý về những gì đã xảy ra với thủy thủ đoàn, hành khách trên con tàu xấu số vào đêm định mệnh 14/4/1912.
Ông Parks Stephenson - chuyên gia đã nghiên cứu về tàu Titanic trong 20 năm qua, cho rằng kết quả dự án có thể trở thành "yếu tố thay đổi cuộc chơi, cung cấp những chi tiết chưa từng được phát hiện trước đó” về thảm kịch tàu Titanic.
“Chúng tôi thu được những dữ liệu thực tế có thể chuyển cho các kỹ sư phân tích để tìm hiểu sâu hơn về nguyên nhân dẫn tới vụ chìm tàu và những gì đã diễn ra trên chuyến hành trình định mệnh của tàu Titanic”, theo ông Stephenson.
Ông Stephenson tin tưởng bản đồ và bản sao của nhóm nghiên cứu sẽ mở ra chương mới trong công cuộc nghiên cứu và thám hiểm tàu Titanic.
Theo hãng tin CNN, một trong số những thông tin giá trị mà nhóm nghiên cứu thu thập được bao gồm ảnh chụp số seri trên chân vịt lần đầu tiên chụp được trong hàng thập kỷ qua.
Theo chuyên gia chụp ảnh 3D Gerhard Seiffert, bản sao 3D độ chính xác cao của tàu Titanic do nhóm nghiên cứu lập ra đã lần đầu tiên cho phép người xem nghiên cứu toàn cảnh và cận cảnh toàn bộ xác con tàu. “Đây là xác tàu Titanic mà chưa ai từng được chiêm ngưỡng trước đây", ông Seiffert nói.
Hãng tin CNN dẫn lời các nhà nghiên cứu lịch sử cũng kỳ vọng dự án mới có thể cung cấp lời giải cho nhiều bí ẩn xung quanh thảm kịch tàu Titanic.
Tàu Titanic bị chìm khi đang trên hành trình từ Southampton, Anh đến TP New York, Mỹ năm 1912, khiến hơn 1.500 người thiệt mạng.
Một số hình ảnh mới về xác tàu Titanic:
Nhóm nghiên cứu đã chụp 715.000 hình ảnh xác tàu Titanic. Ảnh: Atlantic Productions/Magellan
Nhóm nghiên cứu sử dụng công nghệ lập bản đồ biển sâu, khắc phục hạn chế khi chụp ảnh ở dưới đáy biển. Ảnh: Atlantic Productions/Magellan
Xác tàu Titanic mục nát sau nhiều năm nằm dưới đáy biển. Ảnh: Atlantic Productions/Magellan
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện dự án mà không chạm vào xác con tàu. Ảnh: Atlantic Productions/Magellan
Dự án cung cấp những chi tiết chưa từng được phát hiện trước đó về thảm kịch tàu Titanic. Ảnh: Atlantic Productions/Magellan
Nhóm nghiên cứu đã lần đầu tiên tạo ra bản sao kỹ thuật số “sao y bản chính” xác tàu Titanic. Ảnh: Atlantic Productions/Magellan
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận