Năm nay, tình hình giao thông mùa lễ hội Songkhran tại Thái Lan vô cùng đáng ngại và Chính phủ không thể cải thiện được |
Để chuẩn bị đối phó với “bảy ngày nguy hiểm nhất trong năm” (11-17/4) nhân dịp nghỉ lễ Songkhran mừng năm mới, giới chức Thái Lan đưa ra hàng loạt hình phạt gây sốc nhằm ngăn chặn những bi kịch trên đường, song nỗ lực này tiếp tục thất bại.
Biện pháp mạnh tay
Chính phủ Thái Lan xác định rượu là một trong những nguyên nhân gây TNGT chủ yếu trong mùa lễ hội. Trong 7 ngày nghỉ lễ Songkhran, Thái Lan tung hàng loạt chiến dịch nhằm hạn chế tình trạng uống rượu lái xe; Trong đó, có chiến dịch mang tên “Uống rượu, lái xe sẽ bị tịch thu phương tiện”. Không chỉ vậy, tài xế bị phát hiện uống rượu trong khi điều khiển phương tiện, ngoài bị phạt hành chính như quy định còn bị đưa về một trạm dừng chân bên đường để “xả rượu”, đến khi tỉnh hẳn mới được phép tiếp tục điều khiển phương tiện.
Theo thống kê, từ ngày 9 - 16/4, tổng cộng 110.909 người bị bắt; 5.772 phương tiện bị tịch thu vì vi phạm quy định uống rượu điều khiển phương tiện. Riêng tại khu vực Silom (thuộc Thủ đô Bangkok), ông Santi Phithaksakul - Phó giám đốc Cảnh sát khu vực cảnh báo, bất cứ ai uống ăn mừng lễ hội té nước Songkhran tại khu vực này đối mặt với mức phạt lên tới 1.000 baht (650 nghìn đồng) và giới chức địa phương cũng cấm bán rượu trong dịp này.
Thậm chí, Cục Giám sát và Kỷ luật Thái Lan còn có kế hoạch xử phạt người uống rượu lái xe phải làm việc trong nhà xác bệnh viện ít nhất 48 giờ.
Bên cạnh những biện pháp mới, Thái Lan triển khai khoảng 90 nghìn cảnh sát, huy động lực lượng tình nguyện viên từ Cục Đường cao tốc (DOH) và Cục Đường nông thôn (DPR) để đảm bảo an toàn trên đường; Lập đường dây nóng thông báo các điểm ùn tắc và tai nạn.…
Lại thất bại
Những nỗ lực kể trên đều thất bại khi trong “bảy ngày nguy hiểm nhất năm này” xảy ra 3.447 vụ tai nạn đường bộ khiến 3.656 người nhập viện và 442 người thiệt mạng - Bộ trưởng Bộ Giao thông Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith cho biết.
Số người thiệt mạng năm 2016 tăng 21,4% so với cùng kỳ 2015; Cả ba chỉ tiêu (số vụ, số người bị thương, thiệt mạng) đều tăng. Năm 2015, “bảy ngày nguy hiểm nhất” xảy ra 3.373 vụ tai nạn khiến 3.559 người bị thương, 364 người thiệt mạng.
Điều đáng nói, say rượu điều khiển phương tiện tiếp tục là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn (chiếm 28,16% tổng số vụ). Những con số so sánh chỉ ra, chiến dịch quyết tâm đảm bảo ATGT, diệt “giặc tửu” của Thái Lan trong dịp Tết Songkhran năm nay lại thất bại. Song, người dân Thái Lan không mấy tỏ ra ngạc nhiên.
Bình luận dưới bài viết của tờ Bangkok Post về tỉ lệ TNGT mùa Songkhran 2016 gia tăng, độc giả có tài khoản Uptena viết: “Lại một chiến dịch bảy ngày nguy hiểm nhất nữa thất bại”.
Theo kết quả báo cáo về thực trạng TNGT toàn cầu được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 19/10 năm ngoái cho thấy: Tỷ lệ người thiệt mạng vì TNGT tại Thái Lan cao thứ hai thế giới 36,2/100 nghìn người (tương đương 24.237 người thiệt mạng/năm). Con số này chỉ đứng sau tỷ lệ thiệt mạng vì TNGT tại Libya (nơi đang bị tàn phá vì chiến tranh) 73,4 người thiệt mạng/100 nghìn dân. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận