Tài chính

Những lý do làm chậm giải ngân gói tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế

01/12/2023, 07:32

Thời gian qua, nhiều gói hỗ trợ phục hồi kinh tế được triển khai nhưng giải ngân chậm do vướng rào cản từ cơ chế và tâm lý lo ngại từ phía người vay.

Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mới giải ngân 2,3%

Thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. 

Mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm. Gói hỗ trợ thực hiện tối đa 40.000 tỷ đồng. Thế nhưng đến nay, gói hỗ trợ này mới giải ngân được 875 tỷ đồng (2,3%). Dự kiến cuối năm sẽ giải ngân 1.400 tỷ đồng, còn 38.600 tỷ đồng không sử dụng hết.

Muôn lý do chậm giải ngân gói tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế - Ảnh 1.

Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mới giải ngân 2,3%.

Trong báo cáo Quốc hội mới đây, Kiểm toán Nhà nước xác định nhiều ngân hàng không thực hiện theo nghị quyết 31 của Chính phủ, gồm: Bắc Á Bank, Oceanbank, GPbank, CBbank, Baovietbank, LPBank, NCB, SCB, VietAbank, DongAbank, TNHH MTV Hong Leong Việt Nam, Woori Việt Nam, Liên doanh Việt - Nga.

Thông tin với Báo Giao thông, đại diện một ngân hàng thương mại cho biết đơn vị rất muốn giải ngân. Việc thực hiện gói hỗ trợ này được Nhà nước cấp bù lãi suất nên không ảnh hưởng gì đến hiệu quả kinh doanh của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, nguồn hỗ trợ lãi suất cho khách hàng từ ngân sách nên phải thẩm định kỹ lưỡng, dẫn đến giải ngân chậm.

Việc Ngân hàng Nhà nước giới hạn mức tăng trưởng tín dụng cũng dẫn đến ảnh hưởng giải ngân gói hỗ trợ. Ngoài ra, một số khách hàng muốn vay nhưng không thuộc đối tượng gói hỗ trợ. Khách hàng cũng sợ thanh, kiểm tra chống trục lợi chính sách sau khi vay.

Gói hỗ trợ nhà ở xã hội giải ngân 82/120.000 tỷ đồng

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), đến nay số tiền giải ngân đạt 82,7 tỷ đồng. Nguyên nhân được cho là do lãi suất quá cao.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu, gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng này về bản chất không phải là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội mà chỉ là gói tín dụng thương mại với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay thông thường dành cho chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thuộc dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư. Nếu là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội thì phải đảm bảo lãi suất thấp dành cho chủ đầu tư và người mua, thuê mua nhà ở xã hội quy định thường bằng 50% mức lãi suất cho vay thương mại.

Thời hạn vay ưu đãi dài hạn, tối đa 25 năm áp dụng cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội và 5 năm đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội là quá ngắn, chỉ phù hợp với các dự án quy mô trung bình nhưng chưa phù hợp với các dự án quy mô lớn.

Muôn lý do chậm giải ngân gói tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế - Ảnh 2.

Dự án nhà ở xã hội cho công nhân tại Đông Anh.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định, gói 120 nghìn tỷ đồng lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 đối với chủ đầu tư là 8,7%/năm; lãi suất cho vay áp dụng với người mua nhà là 8,2%/năm là lãi suất quá cao so với khả năng chi trả của người lao động có thu nhập thấp. Hơn nữa, việc sau 5 năm, lãi vay sẽ được thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng sẽ dẫn đến rủi ro đối với công nhân.

Bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) lý giải, gói tín dụng 120 nghìn tỷ hoàn toàn dùng nguồn lực từ các tổ chức tín dụng. Do đó, lãi suất sẽ phải cao hơn so với gói vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Tuy nhiên, mức lãi suất này cũng đã rất thấp so với mặt bằng chung, áp dụng đối với người mua nhà là 7,7%/năm, chủ đầu tư là 8,2%/năm.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết giải ngân còn hạn chế là do nguồn cung nhà còn hạn chế. Nhu cầu nhà ở lớn nhưng đi vay để mua nhà lại là vấn đề người dân cân nhắc kỹ lưỡng. Điều kiện cho vay còn có những điểm chưa phù hợp.

Ngân hàng Nhà nước kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố sớm công bố danh mục các dự án thuộc diện cho vay.

15 ngân hàng không hỗ trợ lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ15 ngân hàng không hỗ trợ lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ

Kiểm toán Nhà nước xác định nhiều ngân hàng thương mại như NCB, SCB, Bắc Á Bank, GPbank, Baovietbank, LPBank, , DongAbank... không thực hiện việc hỗ trợ lãi suất theo chỉ đạo Nghị định 31.

'Ngân hàng Nhà nước phản ứng chậm, thanh tra giám sát yếu kém'"Ngân hàng Nhà nước phản ứng chậm, thanh tra giám sát yếu kém"

Đó là nhận xét của Kiểm toán Nhà nước về công tác điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước năm 2022 được kiểm toán năm 2023.



Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.