Ngày 5/4/1975, Thiệu ra mật lệnh tử thủ quân khu 3 và 4. Mỹ cũng tổ chức tuyến đường không đặc biệt gồm toàn máy bay vận tải khổng lồ C-5 Galaxy để chuyển khẩn cấp hàng nghìn tấn trang thiết bị cho quân nguỵ.
Tàu sân bay Hellcawk và tàu chiến chở lính hải quân đánh bộ Mỹ rập rình ngoài khơi miền Nam Việt Nam để hỗ trợ cho binh lính Thiệu và răn đe đối phương. Để tỏ quyết tâm và lên dây cót tinh thần cho cả lính nguỵ và người Mỹ, Nhà Trắng đã bác bỏ đề nghị rút bớt người Mỹ khỏi Sài Gòn. Ngày 16/4/1975, Kissinger gửi điện cho Thiệu, ca tụng: “Chính phủ Mỹ đánh giá cao những việc ngài đang làm. Ngài đang hành động theo truyền thống tốt đẹp nhất của một vị tư lệnh chiến trường”.
Tuy nhiên, sứ quán và Bộ chỉ huy Mỹ ở miền Nam Việt Nam lại thầm lặng thực hiện kế hoạch giảm bớt số lượng người Mỹ “không cần thiết”. Các cố vấn Mỹ từng chạy trước, chạy nhanh hơn quân nguỵ ở Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang... nên nay họ rất có kinh nghiệm tổ chức di tản một cách ít ồn ào mà lại nhanh gọn nhất. Ngày 1/4, tướng Smith đứng đầu cơ quan DAO và tướng không quân Richard Bon phối hợp tổ chức mở đường không vận nối sân bay Tân Sơn Nhất với căn cứ Clark (Philippines) bắt đầu cho hàng trăm nhân viên cùng gia đình rời Sài Gòn. Ngày 3/4, trong một phiên họp bất thường tại đại sứ quán Mỹ, phó đại sứ Loman công khai tuyên bố cho phép một số nhân viên sứ quán cùng gia đình được về Mỹ.
Nhanh chân hơn cả là phái bộ CIA đầy quyền lực và am hiểu tình hình hơn. Ngay từ cuối tháng 3/1975, người đứng đầu CIA ở Sài Gòn là Paul Gah đã xin phép Langly chuyển vợ con nhân viên tình báo Mỹ cùng một số nhân viên người Việt rời khỏi Sài Gòn song song với việc gài người ở lại hoạt động trong trường hợp chính thể Sài Gòn thất thủ. Ngày 8/4, Paul Gah đã cho vợ bay sang Bangkok.
Tâm trạng chán nản, thất vọng, lo âu lan rộng không chỉ trong quân nguỵ mà ngay trong số những người “bạn” Mỹ của họ. Fran Snepp, một nhân viên cao cấp CIA tại Sài Gòn lúc bấy giờ đã thú nhận: “Tất cả chúng tôi đều ốm dở vì thiếu ngủ. Đêm nào cũng giật mình vì nghe tiếng đại bác nổ ngày một gần, hoặc tiếng xe tăng rít trên đường phố như báo hiệu sắp có một cuộc đảo chính xảy ra. Thực ra đôi khi cũng muốn một cuộc đảo chính xảy ra để đỡ phải lo âu, chờ đợi. Chúng tôi tưởng mình đang sống trơ trọi trên một sân bay mênh mông, không có máy bay cứu viện và giữa một biển người Việt Nam đang hỗn loạn. Có vẻ như đang bắt đầu những giờ phút tuyệt vọng của một cuộc đời đang tắt ngấm”.
Ngày 16/4/1975, trước sức tiến công như vũ bão của quân ta, “lá chắn Phan Rang” bị đập vỡ, kéo theo thất thủ Phan Thiết-Hàm Tân, khiến toàn bộ đông nam Sài Gòn bị hở. Xuân Lộc bị uy hiếp, bị bao vây và đến ngày 21/4 thì trên 25.000 quân “tử thủ” ở khu vực này cũng tháo chạy. Ngay sau khi ta nổ súng tiến công Xuân Lộc (9/4), phân cục CIA ở Sài Gòn điện về Langley: “Mọi dấu hiệu cho thấy cộng sản đã thay đổi kế hoạch thời gian của họ. Có thể họ sẽ tiến công vào khu vực Sài Gòn vào khoảng giữa tháng 4. Họ cũng chẳng nhắc gì đến thương lượng và một chính phủ 3 thành phần nữa”. Tình hình miền Nam Việt Nam tồi tệ khiến Tổng thống Ford đứng ngồi không yên. Ông ta thú nhận: “Ngày nào tin tức từ Đông Dương gửi về cũng làm tôi phát ốm, từng giây từng phút vò xé tâm can tôi”.
Ngày 19/4, Ford nhận được báo cáo mật của Martin, trong đó viện đại sứ đánh giá tình hình miền Nam Việt Nam là tồi tệ. “... Các đơn vị cộng sản đang cùng lúc hội tụ về Sài Gòn từ mọi hướng với lực lượng trù bị lớn hơn lực lượng trù bị của chính phủ (nguỵ) rất nhiều. Chính phủ Việt Nam cộng hoà sẽ vấp phải tình hình là Sài Gòn sẽ trở nên cô lập và bị cắt đứt hoàn toàn với bên ngoài trong vòng 2 tuần hoặc rơi vào tay cộng sản trong vòng 3 hay 4 tuần nữa”.
Nước Mỹ đã quá chán canh bạc Việt Nam. Ngày 19/4, trong phiên họp khẩn cấp, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội Mỹ chỉ chuẩn y cung cấp khoản viện trợ “nhân đạo dùng cho di tản người Mỹ ở Nam Việt Nam” trị giá 300 triệu USD (thay vì 722 triệu như Ford và Kissinger đề nghị); yêu cầu Nhà Trắng giảm ngay số người Mỹ (ở miền Nam Việt Nam) xuống mức thấp nhất; chỉ cho phép sử dụng quân đội cho hoạt động di tản, giới hạn dưới 1.000 quân, trong một thời gian nhất định và tại một khu vực nhất định.
Như vậy, những người tỉnh táo trong Quốc hội Mỹ đã giúp tránh cho nước Mỹ một cuộc phiêu lưu mới.
Tổng thống Ford đã mời Brown-một chuyên gia về tổ chức đã về hưu đứng ra làm người phụ trách Uỷ ban đặc biệt về di tản. Ngày 19/4, Ford ra lệnh điều một bộ phận của hạm đội 7 đến phối hợp với số tàu hiện có ở khu vực vùng biển miền Nam Việt Nam để thực hiệnkế hoạch di tản. Tổng số tàu tham gia gồm 35 chiếc, gồm 4 tàu sân bay, 1 tàu tuần dương, 17 tàu khu trục, 13 tàu đổ bộ, cùng lực lượng không quân trên tàu và ở Thái Lan.
Ngày 20/4, đô đốc Gheller (tư lệnh quân Mỹ ở Thái Bình Dương) và trung tướng Jonburn (chỉ huy quân Mỹ ở Thái Lan) bay đến Sài Gòn để họp với DAO và sứ quán Mỹ. Tại cuộc họp, Martin đã phản bác ý kiến chọn một số tay sai thân tín người Việt cho cùng di tản; ông ta sợ động thái này sẽ gây tác động dây chuyền, làm Sài Gòn thêm náo loạn.
Ngay chiều hôm đó (20/4), chiến dịch bắt đầu dưới sự chỉ huy trực tiếp của tướng Smith, tướng Belton (phụ tá của Gheller) và phó đại sứ Loman, không còn oai vệ hùng hổ như các cuộc hành quân “đánh gãy xương sống Việt Cộng” trước đây. Ban ngày dùng máy bay C-141, ban đêm dùng máy bay C-130, bầu trời Sài Gòn như nổ tung ra bởi tiếng động cơ gào rít. Đến chiều 21/4, DAO đã chuyển gần hết hồ sơ tài liệu qua Thái Lan, số người còn lại rất ít. Phân cục CIA chuyển trên 1000 nhân viên cùng gia đình, tháo gỡ mang đi đài phát thanh “Gươm thiêng”. Không cần sự cho phép của đại sứ Martin, tổng lãnh sự ở quân khu 3 Dick Peter, tổng lãnh sự ở Cần Thơ là Mc Namara đã tự động cho phép mình ra đi.
Đánh hơi thấy chủ Mỹ ra đi, Thiệu tiếp tục chuyển đồ đạc sang Đài Loan; Trần Văn Đôn cho cháu gái áp tải một chuyên cơ chở đầy đồ quý ra nước ngoài; Hoàng Đức Nhã đi “công cán” từ trước sang Băng Cốc điện sang Mỹ cho vợ con cùng sang Thái Lan; hàng loạt sĩ quan, công chức cao cấp vắng mặt ở Sài Gòn. Sứ quán Anh, Canada, Austraylia đóng cửa; sứ quán Đài Loan tháo chạy, bỏ rơi hàng nghìn “cộng tác viên”, bỏ rơi cả trung tướng “tâm lí chiến” Nguyễn Chấn Á được cử sang làm cố vấn cho Thiệu. Tướng Smith ngao ngán nói tiễn đưa với nhân viên dưới quyền: “Thế là hết. Giá tôi được như các bạn, tôi cũng bỏ đi ngay bây giờ”.
Cũng trong ngày 20-4-1975, đại sứ Martin đến gặp Thiệu và nói thẳng: “Tình hình rất tồi, người Việt Nam cho rằng ông phải chịu trách nhiệm. Họ cũng không tin rằng quá trình thương lượng có thể được bắt đầu nếu ông không từ chức. Theo cảm nghĩ của tôi, nếu ông không từ chức thì các tướng của ông cũng sẽ đề nghị ông từ chức”. Martin cũng hứa sẽ đảm bảo cho Thiệu ra đi an toàn, trọn vẹn.
Mặt khác, các nhân viên sứ quán Mỹ được phái đi tiếp xúc, vận động, thăm dò mọi nhân vật có tên tuổi, các chính khách cầm đầu các phe nhóm chính trị ở Sài Gòn để tìm những gương mặt có thể đảm nhiệm được vai trò trong bộ máy nguỵ quyền mới thay cho những con bài đã hết thời. Đích thân Martin gặp đại sứ Pháp Marion và đại sứ nhiều nước khác để vận động ủng hộ giải pháp của Mỹ và thăm dò ý định của “phía bên kia”. Mỹ hi vọng dùng con bài thương lượng để có thời gian tăng cường phòng thủ phần đất còn lại, kéo dài thời gian tận số của chính thể Sài Gòn để có thể vớt vát được chút ít nào đó. Song mọi nỗ lực của họ đều vô ích.
Còn tiếp
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận