Độc - Lạ

Những nghệ sĩ nhặt tiền lẻ trên đất Mỹ

19/02/2015, 11:19

Khi đến đây, không có nhà cửa, ví rỗng tuếch, gia tài của Soll chỉ là một giọng hát “nghe được”.

291
Bên trong quán bar, các ban nhạc say sưa trình diễn...

Thành phố Nashville được mệnh danh là thánh địa của nhạc đồng quê. Tới Nashville, ở bất kỳ đâu, từ sân bay, nhà hàng, khách sạn, quán bar, trên đường phố đến nhà hát và thậm chí là trong nhà vệ sinh, du khách đều được thưởng thức những bản nhạc đồng quê. Tại Nashville, đâu đâu cũng thấy những biểu tượng của thứ nhạc nổi tiếng này, nhất là ở khu vực Music City Center (Trung tâm thành phố âm nhạc), từ panô, tượng đài đến những quảng trường mà mỗi viên gạch lát ở đó đều có chữ ký của một người đã và đang làm rạng danh nhạc đồng quê Mỹ... Và cũng tại đây, chúng tôi đã gặp những người ngày ngày cất lên lời ca, tiếng đàn nơi quán bar, trên vỉa hè, vừa để thỏa nỗi đam mê, vừa để mưu sinh.

Ngày chăn bò, tối hát bar

Hơn 20h, ở Nashville, trời mới bắt đầu nhá nhem tối. Đây cũng là lúc những đường phố tại Music City Center trở nên nhộn nhịp. Hai bên con phố nơi chúng tôi đến thăm, chi chít quán bar nhạc đồng quê. Nhạc vọng ra từ các bar như muốn níu chân dòng người đang đi lại nườm nượp. Những tay “cò” đứng trước cửa quán, luôn tay vẫy, miệng không ngừng mời chào khách, y chang như cách mời chào của các quán nhậu, quán cà phê ở Hà Nội và TP HCM.

Các bar “welcome” tất cả mọi người, kể cả những người vào đó chỉ để ngồi nghe nhạc, thăm thú, chụp ảnh. Nhưng thông thường, đã bước chân vào bar, ai cũng tới quầy, mua cho mình một chai bia bản địa, giá khoảng 6 đô la (kể cả phí hay còn gọi là thuế), rồi tìm một chỗ ngồi, vừa nhâm nhi, vừa nhìn ngắm những vị khách khác say sưa nhảy theo điệu nhạc.

"Tối nào tôi cũng đến “con đường âm nhạc” từ lúc 8h30 và ngồi hát cho đến khi những người khách cuối cùng rời đi. Những lúc đau ốm, không thể đến đây, tôi bứt dứt lắm. Tôi nhớ những bước chân người, nhớ ánh đèn vàng vọt. Tôi thèm được cất lên tiếng hát... Tôi hát mỗi tối, không chỉ để nhặt nhạnh những đồng bạc lẻ. Tôi hát còn là để thỏa nỗi đam mê. Các “đồng nghiệp” của tôi ở đây cũng đều như tôi cả”.

Ira Green Soll

Chúng tôi bước vào bar Layla’s khi hàng chục người đang ngồi uống bia, đang ôm nhau nhảy múa vui vẻ. Một tốp 7-8 cô gái trẻ nổi bật giữa đám đông. Cứ sau tiếng cụng chai lách cách, nhâm nhi vài ngụm bia, họ lại ôm nhau nhảy múa, nói cười rất rôm rả. Hỏi ra mới biết, cả nhóm đến đây, tổ chức lễ “chia tay đời con gái” cho một cô bạn, trước khi cô ấy trở thành cô dâu trong một đám cưới sẽ được tổ chức trang trọng tại nhà thờ vào chiều ngày hôm sau.

Trên sân khấu, các tay trống, tay đàn trổ hết tài năng, hai cô ca sỹ xinh đẹp vừa hát, vừa diễn rất ăn ý như để tri ân khán giả. Có điều lạ, cứ sau vài ba tiết mục, cả ê kíp lại tất tả thu dọn đồ nghề, chuẩn bị rút sang bar khác, chỉ duy nhất một người trong số đó, được phân công cầm chiếc bình sành đi đến từng bàn, từng nhóm khách quyên tiền. Cách làm này xem ra cũng hữu ích khi đại diện phần lớn những nhóm bạn đến đây đều lấy những đồng đô la trong ví, rồi vui vẻ thả vào chiếc bình sành.

Nhóm hát này vừa rút đi, nhóm hát khác lại đến. Sân khấu lại được làm mới với trống, đàn, người hát mới. Nhưng màn quyên tiền sau khi đợt diễn kết thúc là vẫn như cũ với chiếc bình sành. Hóa ra, dù cách xa nhau nửa vòng trái đất, ở Mỹ cũng có những nghệ sỹ không chuyên có cách mưu sinh na ná như ở bên ta vậy.

Tôi chợt nhớ lời GS. Prob Roger Sawe, giảng viên Đại học Tennessee nói khi tôi cùng đoàn phóng viên Việt Nam tới thăm và học tập tại ngôi trường đẹp đẽ này mấy ngày trước đó: “Đặc sản của Nashville là nhạc đồng quê. Ở đây có rất nhiều nhóm nhạc biểu diễn. Họ là những người ban ngày làm đủ thứ việc khác nhau, tối tối ôm đàn đến bar biểu diễn, vừa để thỏa niềm đam mê ca hát, vừa để kiếm tiền trang trải cuộc sống”. GS. Prob Roger Sawe nói rằng, ông đang cho hai “nghệ sỹ nhạc đồng quê” thuê nhà. Ban ngày, các nghệ sỹ này chăn bò thuê cho chủ nhà, đêm đến, lại ôm đàn ra bar hát...

292

Bên ngoài quán bar, nhiều nghệ sỹ đường phố đang miệt mài mưu sinh

Nghệ sỹ đường phố

Bên ngoài những quán bar, dọc theo vỉa hè, nhiều “nghệ sỹ đường phố” cũng đang miệt mài mưu sinh. Tôi đã bắt gặp không dưới 10 người, già có, trẻ có đang chơi đàn ghi ta, violon... trên đoạn đường dài chừng hơn 1 km. Họ hát rất hay. Tiếng đàn và giọng hát của họ cất lên đủ để át đi những tạp âm như tiếng bước chân người, tiếng cười nói, tiếng xe ngựa chở du khách tham quan dưới phố. Và cũng vừa đủ để níu lại những bước chân của khách phương xa.

Những nghệ sỹ đường phố, theo quan sát của chúng tôi, đa phần đều “đứng” một mình, có người dắt thêm chú chó cưng làm bầu bạn, nhưng cũng có một vài người tụ lại với nhau thành nhóm để tạo sự khác biệt. Mỗi người một nhạc cụ, mỗi người một giọng hát nhưng dưới chân những người hát nhạc đồng quê trên vỉa hè đường phố này đều có một thứ chung, đó là chiếc hộp đàn đã mở nắp. Ông đi qua, bà đi lại, ai đó, sau khi thưởng thức một vài bản nhạc, vì cảm mến tài năng của người nghệ sỹ hay chỉ vì một lý do chính đáng nào đó, sẽ nhẹ nhàng đặt vào trong lòng hộp đàn một vài tờ đô la.

Trên vỉa hè một góc phố tại ngã tư đông đúc người qua lại, Ira Green Soll ngồi ôm cây đàn ghi ta, say sưa hát dưới ánh sáng vàng vọt hắt ra từ ánh đèn đêm. Sở hữu mái tóc dài và trắng như cước, chòm râu cũng bạc trắng, khuôn mặt đậm “chất bụi”, đội chiếc mũ cao bồi, vận quần bò, áo thun bên trong, ngoài khoác chiếc sơ mi không cài cúc, trông Soll rất "chất nghệ”. Soll cứ ngồi hát, hồn thả vào những nốt nhạc, lời ca, dường như không quan tâm đến những người xung quanh, cũng chẳng để ý đến việc có ai đó dừng lại lắng nghe rồi nhẹ nhàng bỏ những tờ 1 đô la, 2 đô la vào chiếc hộp đàn đã mở sẵn đặt ngay dưới chân người “nghệ sỹ đường phố”. Thi thoảng, Soll buông tay đàn, với lấy cốc bia, nhâm nhi vài ngụm, khà khà vài tiếng, ra chiều sảng khoái lắm. “Có nó tôi đàn hay hơn, mà tôi hát cũng hay hơn”, Soll tếu táo.

Trò chuyện với chúng tôi, Soll cho biết, ông là người từ xa đến và đã gắn bó với góc phố này nhiều năm rồi. Khi đến đây, không có nhà cửa, chiếc ví thì rỗng tuếch, gia tài của Soll chỉ là một giọng hát “nghe được” và đôi bàn tay “biết gảy đàn”. Lúc đầu Soll hát “vo” vì không có tiền mua đàn. Ông chủ cửa hàng bán hot dog gần đó vì mến giọng hát “đẹp” và cũng vì muốn quán mình có thêm một điểm nhấn, đã tặng Soll một cây ghi ta. Cây đàn đã chắp cánh cho giọng hát của Soll, giống như một chiếc “cần câu cơm” sắc lẹm, giúp “người nghệ sỹ đường phố” nghèo khó này sống “khỏe” hơn. Soll bảo, có ông ngồi hát mỗi đêm, ông chủ tiệm hot dog cũng bán được nhiều bánh hơn. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.