Lưu dấu vàng son
Theo Ban Quản lý di tích tỉnh Bạc Liêu, những căn nhà cổ ở Bạc Liêu được xây dựng từ nửa cuối thể kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, tập trung nhiều ở TP Bạc Liêu.
Những căn nhà này hầu hết đều có lối kiến trúc theo phong cách Pháp, pha trộn các kiểu kiến trúc khác để phù hợp với điều kiện đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất Bạc Liêu.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều ngôi nhà đã có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.
Phủ thờ dòng họ Cao Triều (đường Đống Đa, phường 5, TP Bạc Liêu) được xem là một trong những căn nhà xưa đẹp nhất nhì xứ này. Đây là căn nhà cổ duy nhất có bộ nội thất gần như nguyên vẹn
Theo các tài liệu lịch sử, năm 1882, chính quyền Pháp lúc bấy giờ đã tiêu tốn khá nhiều tiền để xây cất dinh thự, công sở làm việc như: Tòa Tham biện (nay là trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu); Tòa bố Pháp (nay là trụ sở làm việc của Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Bạc Liêu).
Bên cạnh đó, nhiều căn biệt thự được các địa chủ, điền chủ trước đây của địa phương xây cất theo kiến trúc phương Tây như tòa nhà Hội đồng Trạch (cụm nhà công tử Bạc Liêu); nhà ông Trần Văn Chương - thân phụ bà Trần Lệ Xuân, phu nhân của ông Ngô Đình Nhu (nay là Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu); tòa nhà của đại điền chủ Vưu Tụng, Huyện Sổn… được xây cất dọc theo bờ sông Bạc Liêu…
Nhà ông Võ Văn Giỏi và bà Triệu Thị Vạn (nay là Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh Bạc Liêu)
Đặc biệt, có phủ thờ dòng họ Cao Triều nằm trên đường Đống Đa (khóm 1, phường 5, TP Bạc Liêu) sang trọng, cổ kính vang tiếng một thời.
Phủ thờ dòng họ Cao Triều được xem là một trong những căn nhà cổ đẹp nhất nhì xứ này. Đây là nơi thờ tổ phụ của nhân sĩ yêu nước Cao Triều Phát. Căn nhà có mặt tiền theo lối kiến trúc hội quán của người Hoa, bên trong mang đậm phong cách văn hóa người Việt và hiện là căn nhà cổ duy nhất có nội thất gần như nguyên vẹn.
Một người trong họ đang trông giữ ngôi nhà chia sẻ, phủ thờ được xây dựng khoảng năm 1897, theo lối kiến trúc phương Bắc, mái nhà lợp ngói âm dương, hai bên xây tường, khung và mặt trước, mặt sau đều làm bằng gỗ quý, cột làm bằng gỗ lim, gỗ trắc.
Người dân ở gần căn nhà cổ này cho biết, trước đây, căn nhà có mở cửa cho du khách vào tham quan miễn phí, nhưng thời gian gần đây (trước giãn cách xã hội), họ không thấy mở cửa nữa.
Theo bà Đỗ Ái Lam, Phó chủ tịch UBND TP Bạc Liêu, trong số các ngôi nhà cổ, hiện một số căn đang được sử dụng làm trụ sở cơ quan Nhà nước và được tôn tạo, sử dụng hiệu quả, nhưng vẫn giữ trên nền kiến trúc xưa như: Nhà luật sư Lý Bình Huê (nay là tòa soạn Báo Bạc Liêu); nhà ông Võ Văn Giỏi và bà Triệu Thị Vạn (nay là Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh)…
Về việc phát huy giá trị văn hóa kiến trúc, khai thác du lịch, hiện nay mới chỉ có cụm nhà công tử Bạc Liêu (tọa lạc trên đường Điện Biên Phủ, phường 3, TP Bạc Liêu) tổ chức cho khách du lịch tham quan, tuy nhiên chưa mang hiệu quả như mong muốn.
Trong khi đó, không ít ngôi nhà cổ hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Điển hình là ngôi nhà cổ số 59 (kề bên phủ thờ dòng họ Cao Triều).
Dù đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh từ lâu, song hiện tại quanh ngôi nhà cỏ mọc um tùm, rong rêu bám đầy vách tường. Mái lợp tôn đã cũ, nứt, nhiều chỗ gây dột vào mùa mưa. Kết cấu mái gồm vì kèo và xà gồ bị cong vênh, có dấu hiệu mục gãy.
Tương tự là một tòa nhà cổ khác từng được sử dụng làm Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục - Thể thao, hiện đang bị đóng cửa, cỏ mọc đầy, dù vẫn còn giữ được vẻ đẹp kiến trúc rất độc đáo.
Chưa phát huy được giá trị du lịch
Nhà ông Trần Văn Chương - thân phụ bà Trần Lệ Xuân, phu nhân của ông Ngô Đình Nhu (nay là Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu)
Dù có rất nhiều căn nhà gắn với lịch sử, minh chứng một thời, nhưng những căn nhà này hiện tại chưa được khai thác du lịch một cách hiệu quả.
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Châu Ngọc Sinh, Phó trưởng Ban Quản lý di tích tỉnh Bạc Liêu cho biết, khoảng năm 2014, tỉnh có lập đề án công nhận toàn bộ những căn nhà cổ của Bạc Liêu là di tích. Nhưng đến thời điểm này chỉ mới phê duyệt danh mục.
Theo ông Sinh, hơn 2 tháng trước, tỉnh đã công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh cho nhà cổ của dòng họ Cao Triều (phường 5, TP Bạc Liêu) do hội tụ đủ về yếu tố lịch sử gốc, việc trùng tu, tôn tạo trung tu tôn tạo được thực hiện đúng quy trình.
Ông Sinh thông tin thêm, qua thời gian có thay đổi, nhiều căn nhà bị xuống cấp, TP Bạc Liêu cũng đang có kế hoạch khắc phục, sửa chữa. Khi TP lập hồ sơ dự án, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch cùng Ban Quản lý di tích sẽ thẩm tra, thẩm định lại yếu tố gốc và sẽ cho trùng tu theo quy định.
Ông Sinh cũng thừa nhận, thời gian quan phần lớn các căn nhà cổ ở Bạc Liêu chưa phát huy được thế mạnh về thu hút du lịch.
“Nhiều căn nhà cổ do người dân quản lý và ở tại đó, người dân cứ nghĩ Nhà nước bỏ tiền ra trùng tu, tôn tạo thì Nhà nước sẽ quản lý luôn, nên bà con không thiết tha”, ông Sinh nói.
Tòa nhà Hội đồng Trạch (nay là cụm nhà Công tử Bạc Liêu)
Ông Sinh cũng thông tin thêm, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh sẽ do Chủ tịch UBND huyện, thị, thành quyết định để trùng tu, tôn tạo và bảo quản. UBND tỉnh và Sở Văn hóa chịu trách nhiệm tôn tạo di tích cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt.
Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Ban Quản lý di tích tỉnh Bạc Liêu (người có thâm niên quản lý di tích của tỉnh Bạc Liêu) cho biết: “Hiện có nhiều căn nhà cổ đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong số này có những căn do cơ quan của tỉnh đang sử dụng, họ đã tự bỏ tiền ra để bảo quản và chỉ xin ý kiến về thiết kế cơ sở để phù hợp với nhu cầu công việc của đơn vị. Đối với những căn nhà do tư nhân đang quản lý, khi lập đề án để trùng tu thì người dân không thống nhất và tự cơi nới, không còn như hiện trạng ban đầu của căn nhà”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận