Ngày nào anh Sơn cũng phải lom khom dưới gầm tàu |
30 năm trong nghề, 10 năm thức đêm
Ga Hà Nội những ngày này chuẩn bị vào chiến dịch cao điểm phục vụ Tết. Số lượng đoàn tàu dự kiến tăng vọt từ khoảng 26 đoàn lên hơn 40 đoàn một ngày đêm. Tổ khám chữa, chỉnh bị toa xe nằm trong phạm vi khu ga cũng vì thế mà luôn bận rộn.
Trên cái bảng phân công nhiệm vụ treo cẩn thận ở nơi dễ quan sát nhất của căn phòng, tôi thấy dày đặc lịch khám tàu trong ngày. Tàu SE5 khám lúc 8h, tàu LC khám lúc 11h... Sâu bên trong căn phòng là cái gác xép được kê tạm. Anh Tống Thanh Phương, Tổ trưởng nói với tôi, thực ra đấy là kho được gác thêm mấy tấm ván làm gác xép để ai mệt có thể nghỉ ngơi một chút vào ban đêm. Làm cái nghề này gần như ai cũng bị chứng đau lưng, mỏi gối nên cố gắng bố trí cho anh em một chỗ nghỉ tạm.
Thông thường, tàu đi về ban đêm nhiều hơn ban ngày. Nếu ban ngày chỉ có khoảng bốn đoàn tàu khởi hành thì ban đêm có khoảng gần 22 đoàn. Đợt cao điểm có khi gấp đôi. Thế nên anh em ở phân đoạn khám chữa, chỉnh bị toa xe cũng phải xoay trần với số lượng chuyến tàu dày đặc như thế.
Anh Phương bảo: “Tôi có 30 năm trong nghề nhưng phải đến hơn 10 năm thức đêm với những chuyến tàu. Anh em dậy từ 5h sáng, lên ban lúc 6h để chuẩn bị thay quần áo, bắt đầu làm việc lúc 6h 30. Ai có mùi rượu bia lập tức cho nghỉ. 17h chiều đổi ban. Lên ban xong phải ra tàu kiểm tra các đoàn chuẩn bị xuất phát, phải theo giờ tàu đi về, chứ không chủ động được thời gian”.
“Đợt này tàu đi và về đúng giờ nên công nhân khám chữa chỉnh bị đỡ vất vả hơn trước đây, có thể chủ động thời gian khám chữa, nghỉ ngơi một chút”, anh Phương cho biết.
Cả ngày bò lom khom
Ở phân đoạn khám chữa chỉnh bị ga Hà Nội có khoảng hơn 200 người, được chia làm 10 tổ. Trong đó, có ba tổ khám xe với khoảng 30 thành viên. Còn lại là Tổ lâm tu chỉnh bị, Tổ khu gian... Nhưng vất vả hơn cả có lẽ phải kể đến công nhân ở phân đoạn khám chữa toa xe. Tất cả đều phải lom khom chui dưới gầm tàu hỏa, khám từng con ốc, bu lông, lò xo, bình chứa nước thải vệ sinh... Nếu không phát hiện được lỗi kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn của đoàn tàu.
Ví như lỗi bó hãm, nếu không được sửa chữa sẽ gây mùi khét, thậm chí phanh hãm rơi ốc và chống xuống đường ray có thể gây trật bánh. Nếu ổ bi bị mòn sẽ gây tiếng ồn rất lớn lên toa tàu khiến hành khách khó chịu...
Chính vì tính chất công việc phức tạp nên để được làm việc ở tổ khám xe cũng không dễ do ke ga thấp. Đầu tiên phải qua đào tạo ở trường nghề đường sắt cẩn thận, có chứng chỉ chuyên môn. Sau đó phải qua một thời gian sửa chữa trực tiếp tại hiện trường mới được xét cho sang tổ “ngửi tàu”.
Anh Nguyễn Ngọc Sơn có thâm niên 20 năm trong nghề cho biết, trước đây cũng đã có vài năm đi áp tải theo tàu để sửa chữa kịp thời những hỏng hóc và sự cố phát sinh. Sau đó thấy tay nghề vững, lãnh đạo mới bố trí cho về “mặt đất” làm khám chữa chỉnh bị toa xe.
Dẫn tôi ra chỗ đường ke ga Hà Nội, anh Sơn kể, khi tàu vào ga, những người làm cái nghề lạ lẫm này lại ngồi sát mặt đất chăm chú theo dõi từng gầm toa tàu, chuyển động của bánh sắt. Để phát hiện được lỗi, họ phải vận dụng tất cả các giác quan, mắt quan sát, tai nghe để phát hiện tiếng động lạ, mũi ngửi mùi khét...
Ở các ga chính như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng... mới có phân đoạn khám chữa chỉnh bị. Mỗi lần có tàu vào ga là lúc các thành viên tập trung nhất để phát hiện lỗi, sau đó thông báo cho các lực lượng sửa chữa. Công việc tưởng nhàn nhưng vất vả lắm thay. |
Trước đây, khi ga Hà Nội chưa nâng cao đường ke ga, toàn bộ các công đoạn được thực hiện khá dễ do ke ga thấp bằng mặt ray nên công nhân dễ dàng chui xuống gầm toa để thao tác.
Nay đường ke ga cao lên, hành khách đi lại thuận tiện hơn khi lên xuống tàu nhưng những người làm công tác khám chữa chỉnh bị lại vất vả hơn một chút. Ngay như việc chui được xuống hầm ke ga đã khó khăn.
Dọc đường ke đều bố trí các đường xuống hầm được đậy bằng nắp sắt rất nặng khoảng năm chục cân, phải hai người mới nhấc nổi. Từ dưới muốn chui lên, phải nhờ người ở trên hỗ trợ. Vậy mà ngày nào cũng hàng chục lần công nhân khám chữa phải chui lên xuống cái hầm này.
Chiều cao hầm ke ga khoảng 1,7m, ai đi lại không cẩn thận dễ cộc đầu như chơi. Trong khám xe ở hầm ke ga, quy định tất cả đều phải đội mũ bảo hộ để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, theo anh Sơn, việc khám xe ở hầm ke ga còn thuận tiện, chứ khám ở phía bên kia đoàn tàu chỗ chưa làm đường ke nay cũng vất vả hơn nhiều.
Nói dứt câu, anh Sơn lom khom chui vào gầm toa xe để khám xe. Tôi thấy anh đứng không ra đứng, ngồi xổm cũng không phải mà bò thì càng không. Một tay không được phép đặt ở trên mặt ray hoặc bám vào các bộ phận chuyển động của toa tàu, chỉ được phép bám ở các bộ phận cố định dưới gầm toa. Anh Sơn bảo, dù đã có các biện pháp phòng vệ, nhưng vẫn phải đề phòng lúc đang khám xe thì bất ngờ toa xe trượt đi vì lý do nào đấy, người khám xe có điểm tỳ bám để thoát ra ngoài nhanh nhất. Đây là yếu tố an toàn phải tuân thủ chặt chẽ.
Thú thật là chỉ nhìn anh Sơn khám đủ 8 bước cứ lom khom như thế tôi cũng đã thấy mệt. Tôi thấy anh phải trực tiếp sờ từng bộ phận, lấy búa gõ vào từng cái bu - lông xem có lỏng, gãy nứt gì không. Hết một trục, anh Sơn lại luồn sang trục hai, khám gầm toa xe theo bước 7b, thò tay vào ắc ở bộ phậm hãm, lấy tay sờ ổ bi xem bị nóng không, sau đó dùng tay chọc guốc hãm xem có bị lỏng không, gõ bu-lông, quệt lò xo cứ thế lặp đi lặp lại hết toa này đến toa khác.
Anh khám kỹ từng bộ phận theo quy trình, không được bỏ sót bất cứ bộ phận nào. Có nhiều toa xe, thùng nước nằm ngay sát phía ngoài nên rất khó để chui vào trong. Để thực hiện được các bước kiểm tra, anh lại phải chui cả hai chân lọt vào đường ray.
“Có hôm đang khám, nước chảy từ thùng ra ướt hết cả đầu, mặt, quần áo mà vẫn phải cố khám kỹ. Nếu khám mà để sót lỗi, dứt khoát ăn con B to đùng”, anh Sơn nói.
Theo quy định, mỗi một trục được khám trong 1,5 phút. Một toa xe khám trong 6 phút. Mỗi ban có ba người khám, trung bình khoảng 30 phút khám xong một đoàn tàu. Ngày thường có khoảng 17 đến 22 đoàn tàu. Anh Tống Thanh Phương cho biết, đây đang là thời kỳ nông nhàn nhất.
Dịp cao điểm lên tới 40 đoàn một ngày và làm đêm là chính. Vì tính chất công việc vất vả nên mỗi ban khoảng bốn người làm ban ngày nhưng đêm phải có 8 người chia thành hai đội hình chính. Bên cạnh đó, còn phải có thêm một người trực thay thế, sẵn sàng làm nhiệm vụ khi trong tổ chính có một ai đó đau ốm đột xuất.
Anh Phương cho biết thêm, khi hoàn thiện đường ke ga cao bằng sàn tàu đã tạo thuận lợi cho hành khách rất nhiều khi lên xuống tàu, tạo bộ mặt mới cho nhà ga. Tuy nhiên, đối với công nhân khám chữa chỉnh bị toa xe có phần tác nghiệp khó khăn hơn. Nhưng đó không phải là điều đáng ngại, kiểu gì cũng tìm ra cách để làm, để nâng cao chất lượng khám chữa toa xe đảm bảo an toàn, mà công nhân cũng sẽ đỡ vất vả hơn. Chúng tôi đã nghiên cứu áp dụng quy trình phù hợp khi đường ke ga cao đi vào hoạt động.
Thiện Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận