Ở tuổi xế chiều, nhưng nhiều người lính năm xưa vẫn miệt mài và cần mẫn chăm sóc, hương khói cho từng phần mộ của đồng đội tại hệ thống nghĩa trang liệt sĩ dọc tuyến đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh. Gần 40 năm bước ra từ lửa đạn, họ vẫn cùng nhau “…Hớp nước uống chung, nắm cơm sẻ nửa/chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa…”.
Người hướng dẫn viên bất đắc dĩ
Mỗi độ tháng 7 về, đoàn cán bộ Bộ GTVT lại có chuyến về nguồn dâng hương, hoa viếng các anh hùng liệt sĩ tại khu di tích lịch sử, nghĩa trang ngành GTVT dọc dải đất miền Trung.
Từ Hà Tĩnh, đoàn chúng tôi theo QL12C hướng về trung tâm huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình sau đó theo QL15 vòng lên Nghĩa trang liệt sỹ TNXP Tân Ấp. Nằm lọt giữa bạt ngàn núi rừng của xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình nhưng Nghĩa trang liệt sỹ TNXP Tân Ấp lúc nào cũng sạch sẽ, ấm cúng khói hương. Người vẫn hàng ngày thầm lặng, cặm cụi làm những công việc để chăm sóc cho từng phần mộ trong nghĩa trang là cựu TNXP Trương Văn Lương (SN 1946, là quản trang tại nghĩa trang này).
Dù đã bước sang tuổi “Thất thập cổ lai hy” nhưng trông cựu TNXP Trương Văn Lương vẫn rất mạnh khỏe và nhanh nhẹn. 10 năm trời tỉ mỉ lau từng vết bụi phủ mờ trên 324 tấm bia liệt sỹ, cũng là từng ấy thời gian cụ Lương tìm hiểu con người, hoàn cảnh gia đình của các anh, các chị. Ở tuổi 73, ông vẫn nhớ vanh vách từng vị trí mộ phần, họ tên, đơn vị chiến đấu, hy sinh ở chiến trường… của từng anh hùng liệt sỹ như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp mà không cần sổ sách gì: “Nằm ở mộ thứ 6, hàng số 1, lô thứ nhất là liệt sỹ Cù Minh Ngọc sinh năm 1931, mất năm 1969; quê ở xã Nhân Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Còn nằm ở mộ thứ 3, hàng cuối cùng, lô thứ 2 là liệt sỹ Đường Đức Thịnh, sinh năm 1930, mất năm 1967; quê ở xã Hương Long, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Lúc còn sống anh Ngọc là kỹ sư cầu đường, có dáng người nhỏ, rám đen; còn anh Thịnh là cán bộ vật tư ngành GTVT...”.
Được biết, ông Lương vốn là thầy giáo dạy bổ túc văn hóa. Năm 1965, trước nhu cầu bức thiết của cuộc chiến, ông gác bút xin tham gia TNXP. Đơn vị của ông Lương là N73-P31 đảm bảo ATGT trên tuyến đường QL15. Sau nhiều năm phục vụ, lăn lộn trên khắp các nẻo đường Trường Sơn, khi hòa bình lặp lại ông được cử đi học rồi về công tác tại Ty Giao thông Quảng Bình. Năm 1980, ông nghỉ theo chế độ 176 về tiếp tục làm ăn, phát triển kinh tế. Đến năm 2010, được sự động viên Hội cựu TNXP xã Hương Hóa, ông Lương đã tiếp nhận công việc trông coi, dọn dẹp và hương hoa tại Nghĩa trang liệt sỹ TNXP Tân Ấp. “Chiến tranh đi qua, tôi may mắn hơn đồng đội là còn sống sót để trở về. Tôi qua đây chăm nom, hương khói để anh em nằm dưới đó cảm thấy ấm lòng”, ông chia sẻ.
30 năm “quản gia” của “đại gia đình” 563 người con ưu tú
Chia tay ông Lương và các anh hùng liệt sỹ ở Nghĩa trang Tân Ấp, chúng tôi tiếp tục hành trình về Nghĩa trang liệt sỹ TNXP Thọ Lộc (ở xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình).
Tuyến đường ra Ba Trại - một trong những tuyến “đường lửa” những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước giờ đây đã được láng nhựa, phẳng lỳ, hai bên rợp bóng thông xanh. Dù đã từng một lần về đây, nhưng trong chúng tôi vẫn nguyên cảm giác hồi hộp bởi đây là nơi thờ tự nhiều anh hùng liệt sỹ ngành GTVT nhất. Và cũng bởi, chúng tôi mong ngóng được gặp lại người “quản gia” Lê Văn Cư (SN 1948) của “đại gia đình” có đến 563 người con ưu tú là liệt sỹ TNXP.
Ông Cư vốn là lính lái xe của Binh đoàn Trường Sơn (gọi tắt là Đoàn 559). Sau 8 năm ngồi sau vô lăng, cùng đồng đội thực hiện hàng trăm chuyến xe vận chuyển bộ đội, vũ khí, đạn dược, lương thực vào chiến trường trên các cung đường Hồ Chí Minh. Năm 1976, ông rời quân ngũ, trở về quê hương Cự Nẫm thì gặp bà Trương Thị Lê - là TNXP mới từ chiến trường ra. Cảm nhau, thương nhau rồi nên duyên vợ chồng, 5 mặt con (ba trai, hai gái) lần lượt chào đời.
Cảm nhận hết sự khốc liệt của chiến tranh, đồng thời cũng là nạn nhân của cuộc chiến (ông Cư là bệnh binh, ảnh hưởng chất độc da cam, còn vợ là thương binh, bị thương tại tuyến đường 16 - Thống Nhất), hơn ai hết, ông Cư luôn đau đáu một nỗi niềm về những người đã mãi mãi nằm xuống cho độc lập, tự do của dân tộc. Ông kể: Năm 1990, Nghĩa trang liệt sỹ TNXP Thọ Lộc còn rất hoang sơ, bốn bề rừng rậm, dân cư thưa thớt, đường sá đi lại rất khó khăn. Trước đó, nghĩa trang cũng có quản trang, nhưng chế độ đãi ngộ thấp, sống quạnh quẽ, trống vắng nên họ không làm nữa.
“Lúc bấy giờ, bà nhà tôi (bà Trương Thị Lê - vợ ông Cư) công tác tại Hội Phụ nữ xã Cự Nẫm được lãnh đạo xã đề nghị: “Động viên ông nhà lên đó hương khói cho đồng đội, đồng chí mình?”. Về nhà, bà bảo tôi: “Các anh, các chị ấy hy sinh cho dân, cho nước, giờ an nghỉ trên quê hương mình, lại không ai chăm sóc, hương khói. Ông tuy sức khỏe yếu, nhưng mình là người lính, có việc chi mà chẳng làm được. Có ông, nghĩa trang ấm tình người”. Vợ chồng bàn nhau hôm trước, hôm sau tôi chính thức lên làm “quản gia” Nghĩa trang liệt sỹ TNXP Thọ Lộc. Chớp mắt vậy mà 30 năm”, ông Cư nhớ lại.
Đưa đôi mắt đã đầy nếp nhăn vì thời gian hướng về những ngôi mộ, ông Cư nói: “563 anh hùng liệt sỹ nằm đây, có người cùng quê, có người mãi tít tận trên Lạng Sơn, Yên Bái; có người đã gặp, nhưng cũng nhiều người chưa. Nhưng tất cả đều là đồng đội, đồng chí một thời lửa đạn. Đã là đồng chí, đồng đội, tôi may mắn hơn còn sống trở về, sao nỡ để anh em nằm lạnh lẽo giữa rừng được”.
30 năm chẵn, canh “giấc ngủ” cho đồng đội, điều ông Cư thấy hạnh phúc nhất là ngoài sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Nhà nước và Bộ GTVT thì hàng năm có rất nhiều bạn trẻ đã về nghĩa trang viếng và dâng hương. Tấm lòng biết ơn của thế hệ trẻ là minh chứng hùng hồn cho đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đó cũng là nguồn lực động viên những cựu binh trở về từ chiến tranh như ông Cư cống hiến, đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương, đất nước.
…Chia tay Quảng Bình, đoàn chúng tôi theo đường Hồ Chí Minh tiến về Quảng Trị. Trời tháng 7 trong xanh và lộng gió, tôi nghe văng vẳng đâu đó, giọng ai đọc câu thơ của nhà thơ Chính Hữu: “Đồng đội ta/ Là hớp nước uống chung/ Là nắm cơm bẻ nửa/ Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa/ Chia khắp anh em một mẩu tin nhà/ Chia nhau chỗ đứng trong chiến hào chật hẹp/ Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận