Cứu nạn nhân ra khỏi cổng hầm |
Mũi khoan quyết định…
Mọi hoạt động tiếp oxy, nước, sữa, thức ăn và đặc biệt là tiếp sức tinh thần cho 12 công nhân bị kẹt trong hầm Thủy điện Đạ Dâng kéo dài 82 giờ đồng hồ đều thông qua hai ống thép đặc biệt. Ít ai biết rằng, để đặt được hai ống thép đó, các kỹ sư, công nhân của Tổng công ty Sông Đà 10 đã phải mất một ngày, một đêm.
Tổng Giám đốc Sông Đà 10 Vũ Văn Tính nhớ lại, ngay sau khi nhận thông tin vụ sập hầm, lãnh đạo công ty tại Hà Nội đã được triệu tập khẩn cấp cùng với Công ty cổ phần (CTCP) Sông Đà 505 bàn phương án xử lý ban đầu. Qua kinh nghiệm hơn 30 năm làm việc trong lĩnh vực thủy điện, xây dựng các công trình ngầm và trực tiếp xử lý nhiều vụ sập hầm, ông Tính chỉ đạo lực lượng Sông Đà 10 (do Công ty 10.6 - Công ty số 6 của Sông Đà 10 trực tiếp thi công đoạn hầm phía hạ lưu) phải tìm mọi cách khoan bằng được một lỗ đường kính càng rộng càng tốt với ba mục tiêu: Cấp khí cho công nhân; Thoát nước và tiếp phẩm; Lưu ý gia cố đoạn hầm sát vị trí sạt lở để tránh sụt tiếp theo. Ngay sau cuộc họp khẩn đó, ông Tính cùng lãnh đạo Sông Đà 10 lập tức bay đi Đà Lạt, trực tiếp có mặt tại hiện trường.
Ông Vũ Thế Công, người trực tiếp chỉ huy lực lượng khoan cứu hộ của Sông Đà 10 tại hiện trường kể lại: Ba lỗ khoan đầu bị vướng thép, bê tông nên không đóng ống thông được. Tiếp tục vừa dò vừa khoan, vừa gia cố, 19h ngày 16/12, lỗ khoan thứ tư đã đóng được ống thép đường kính 60 cm, xuyên qua khối sụt lở 28 m. “Sau ít phút đóng được ống thông, chúng tôi đã nghe được tiếng công nhân ở bên trong. Biết được lực lượng cứu hộ đã bước đầu tiếp cận, anh em công nhân bật lên reo hò, vỗ tay; bên ngoài cũng vỡ òa theo. Qua trao đổi mới biết số lượng, tình hình công nhân trong đó và ai cũng mừng là anh em vẫn khỏe mạnh”, ông Công nhớ lại.
Trung úy Nguyễn Văn Tiền, Đại đội phó công binh cho biết, khi anh và đồng đội đang đào thì bất ngờ xuất hiện một lỗ hổng trên nóc hầm nên anh chui qua lỗ thông đó. Vừa tiến vào vừa gọi, anh Tiền đã nghe tiếng kêu cứu bên trong vọng ra. Khi chạm tay vào người anh Nam đứng gần miệng hầm, anh Tiền đã kiềm chế xúc động để hướng dẫn mọi người lối ra, lúc ấy là 15h55 ngày 19/12. |
Cũng từ đường ống này, oxy, nước, sữa, thức ăn và cả những lời động viên kịp thời đã được truyền vào cho nhóm công nhân. Tuy nhiên, ống thông này sau đó bị gập. Sau 3 - 4 lần khoan đi khoan lại, ống thông thứ hai được hoàn thành lúc 6h ngày 17/12 đã giúp tiếp tục liên lạc, luồn thêm cáp điện, thức ăn vào, đồng thời bơm hút nước ra…
Giọng vẫn còn khản đặc sau gần một tuần bám trụ hiện trường, ông Tính cho biết, hầu hết máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ công tác cứu hộ đều do Sông Đà 10 cung cấp như: Máy khoan, máy hơi nén, búa phá, khoan tay, cưa đục, máy phát điện, máy bơm nước… Sau hai mũi khoan đặt ống thông vào khu vực sạt lở, Sông Đà 10 tiếp tục khoan thêm một mũi ngược phía hạ lưu, có đường kính 102 m, dài 60 m phục vụ hút nước, nhờ vậy giúp hạn chế rủi ro cho lực lượng cứu hộ cũng như công nhân.
“Mặc dù đã trực tiếp có mặt, xử lý nhiều sự cố sụt hầm thủy điện trong quá trình thi công, song chưa lần nào tôi trải qua tâm trạng căng thẳng, lo lắng như bốn ngày ở Thủy điện Đạ Dâng. Khi công nhân đầu tiên được đưa ra khỏi khu vực nguy hiểm, tôi cảm thấy như vỡ òa hạnh phúc”, ông Tính chia sẻ.
Lăn xả hết mình
Góp phần để công tác cứu hộ, cứu nạn thành công, không thể không kể đến các chiến sỹ cảnh sát, an ninh Công an tỉnh Lâm Đồng. Các anh đã chia ca, kíp trực bảo vệ hiện trường nghiêm ngặt, chu đáo cũng như trực tiếp tham gia đào hầm, đào rãnh thoát nước…
Ghi nhận của các PV có mặt tại hiện trường chiều 19/12, sau khi có tin vui từ trong báo ra, hàng chục chiến sỹ Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Lâm Đồng đã nhanh chóng sắp xếp đội hình từ trong hầm, tạo thành hành lang bảo vệ và hỗ trợ lực lượng cứu hộ, cứu nạn đưa các công nhân ra khỏi hầm. Nhờ vậy, các thợ mỏ đã được chuyển gấp đến bộ phận y tế sơ cứu rồi chuyển tiếp đến Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cấp cứu. Trong không khí giá lạnh, hình ảnh các chiến sỹ mồ hôi nhễ nhại, đầu tóc lấm lem bùn đất song rạng rỡ khi hỗ trợ đưa công nhân ra ngoài đã ghi dấu ấn đẹp trong lòng nhiều người dân.
Sẽ kiểm tra giấy phép, thiết kế Trao đổi với PV Báo Giao thông sáng 21/12, Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã thành lập Tổ điều tra liên ngành vụ sập hầm Thủy điện Đạ Dâng. Tổ này do Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Công thương, Sở LĐ, TB&XH và nhiều ban ngành liên quan. Tổ liên ngành bước đầu đã ghi nhận hiện trường, đồng thời, yêu cầu đại diện CTCP Sông Đà 505 cung cấp các thông tin để phục vụ công tác điều tra… |
Vĩnh Phú - Phan Tư
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận