Nhiệm vụ chủ yếu hằng ngày là trực an toàn. Ngoài ra, trong tháng sẽ thực hiện kế hoạch kiểm tra tuyến luồng, sửa chữa, duy tu, sơn hệ thống phao tiêu, báo hiệu (Trong ảnh: Anh Hoàng Triều Dương đang kiểm tra đèn tín hiệu).
Dọc đường lên, dễ dàng bắt gặp những cây hoa bỏng, hoa dừa cạn, gần đến nhà trạm có cả cây lựu, cây chanh, vài khóm sả trên những hốc đá, tô điểm thêm chút tươi thắm cho quang cảnh cô quạnh. “Cây hoa ở đây khó sống lắm, rất dễ lụi vì không có đất. Các cây này là do trước kia anh em nấu cơm bằng bếp than tổ ong, xỉ than thì dầm ra, tãi vào các hốc đá để trồng. Các khóm sả kia trồng quanh nhà trạm để ngăn rắn đấy, nhiều rắn lục lắm”, ông Tính kể.
Theo lời anh Hoàng Triều Dương, công nhân trạm, do đảo đá nên đôi khi các tàu khó cập vào bờ. Anh em trạm thường phải dùng thuyền mủng nhỏ, chèo tay để "tăng bo" lấy đồ ăn mang lên trạm. "Ở đây ai cũng biết nấu cơm. Do việc mang thực phẩm ra đây khó khăn nên anh em cũng chỉ nấu những món đơn giản. Nguồn thực phẩm dồi dào nhất chủ yếu là hàu vì chúng tôi có thể mua của các hộ nuôi bè ngay bên cạnh", anh Dương cười (Trong ảnh: Ông Tính, anh Dương chèo thuyền mủng "tăng bo" thực phẩm).
“Tôi nhớ trường hợp một thuyền đánh lưới cá, hai vợ chồng vừa chạy thuyền vừa lúi húi nấu cơm bằng bếp dầu, không may sóng đánh, nồi cơm rơi xuống hầm máy, cô vợ đưa tay xuống nhấc nồi cơm lên, không may bị khớp mềm nối giữa máy và hộp số quệt vào, lột hết da một bên cánh tay, nổi cả mạch máu. Họ nhờ sơ cứu, tôi vệ sinh bằng cồn, băng bó rồi đưa xuồng máy đưa đi cấp cứu ở bệnh viện tỉnh. Sau khi điều trị khỏi, phục hồi da tay, chị ấy ra tận nơi cảm ơn tôi. Còn tôi sau hôm sơ cứu cho chị ấy cũng ám ảnh hình ảnh cánh tay bị thương, mất cả ngày không ăn được cơm. Lại có vụ bục dạ dày của công nhân tàu đẩy. Anh này bị đau bụng, đêm đến trạm xin thuốc chữa tiêu chảy, đến khoảng 5h sáng, đau quá mới đề nghị trạm cho đi cấp cứu. Tôi cũng lấy xuồng đưa đi bệnh viện tỉnh, chưa kịp kê khai gì thì vào mổ ngay vì lúc đó đã bục dạ dày rồi”, ông Tính nhớ lại (Trong ảnh: Nhà sơ cứu đã xuống cấp vì gần 20 năm không dùng đến).
Chia sẻ về công việc, ông Tính cho biết, làm nghề sông nước này rất rủi ro, chưa nói về người, nếu không may tàu đắm, cả khối tài sản như vậy mình phải xử lý sao? Đền thì lương thấp, chỉ 6-7 triệu, làm đến bao giờ mới đền được. Khổ nhiều rồi thành quen, anh em bảo ban nhau làm, mục tiêu đảm bảo an toàn là trên hết. Trước khi thực hiện nhiệm vụ gì, anh em bàn bạc phương án cho khả thi nhất. Trước khi chia tay, ông Tính hỏi chúng tôi: “Nhà báo biết ước mơ lớn nhất của anh em trên đảo là gì không?”, rồi ông tự trả lời: “Là hằng ngày, dậy mở mắt ra là thấy xe ô tô chạy qua”, ông cười, nét mặt bừng sáng. Ước mơ rất bình dị, nhưng chứa đựng cả nỗi niềm, khát khao được hòa vào nhịp sống xã hội ngày ngày đang chuyển động.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận