Ít ai biết được ở nơi đó có sự cống hiến thầm lặng của những “chiến sỹ không quân hàm”, những câu chuyện buồn vui lẫn lộn…
Hàng ngày, những “chiến sỹ không quân hàm” vẫn miệt mài với công việc giữ ánh đèn
Những tháng ngày biền biệt xa nhà
“Cha tôi từng được đồng đội hai lần làm lễ truy điệu trước khi xung phong cảm tử phá thủy lôi trong kháng chiến chống Mỹ. Công việc của chúng tôi hôm nay dẫu vất vả, thầm lặng nhưng so với thế hệ cha ông đã là gì đâu?”, anh Trần Văn Nhân (SN 1979, quê xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa), Trạm phó trạm Lạch Trào mở đầu bằng câu chuyện xúc động như vậy.
Anh đến với nghề như một cái duyên. Vốn là lính đặc công nước, sau khi xuất ngũ, anh đã từng trải qua một số công việc với thu nhập khá ổn. Nhưng rồi cuối cùng lại gắn bó với một nghề mà xã hội nhìn vào thấy “khô khan và cô đơn”.
“Có lẽ chính những câu chuyện kể của cha về những năm tháng gác đèn biển chống bom Mỹ là niềm tự hào và là sợi dây đưa tôi đến với những ngọn hải đăng ở khắp dải đất miền Trung”, anh Nhân tâm sự.
Trạm hải đăng của chúng tôi thường đóng ở các địa danh như: “Cửa”, “Mũi”, “Đảo”, “Lạch”, “Hòn”… Đó là những vùng đất xa xôi, hẻo lánh thường gợi nên một cảm giác xa xăm, buồn vời vợi nhưng vô cùng thiêng liêng, đó là nghề đi thắp sáng cho biển trời của Tổ quốc.
Trạm phó Trần Văn Nhân
Anh Nhân chính thức đến với nghề gác đèn biển vào năm 2004. Suốt 18 năm qua, bàn chân anh đã đi khắp các trạm hải đăng dọc miền Trung: Từ Cửa Việt, Mũi Lay, Cửa Tùng (Quảng Trị) đến Đảo Mê, Nghi Sơn, Lễ Môn, Lạch Trào (Thanh Hóa).
Có những nơi như Đảo Mê, anh đến, đi rồi trở lại, không khác gì một người lính biển. Chỉ khác là những người gác đèn biển như anh không mang quân hàm.
“Hồi ở Đảo Mê, trạm có 6 người, anh em ở biệt lập với bộ đội, đường lên trạm rất khó khăn. Mùa mưa bão việc vào bờ là một hành trình gian nan. Các đoàn từ đất liền ra thăm đảo gần như không ai biết sự có mặt của những người gác đèn biển nơi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thú thật chúng tôi cũng có lúc thấy chạnh lòng. Nếu không thực sự yêu nghề, khó mà gắn bó lâu bền được”, anh chia sẻ.
Tại Trạm gác hải đăng ở Lạch Trào có tổng cộng 5 người, mỗi người một quê, mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng tất thảy đều xem nhau như anh em ruột thịt.
Người giữ thâm niên gác đèn lâu nhất ở trạm là anh Vũ Thọ Quý (51 tuổi, trú Hải Phòng), đã trải qua 30 năm xa nhà biền biệt. Lúc độ 40 tuổi, anh Quý vẫn cứ là “trai tân” vì chưa kịp bén duyên cô gái nào đã phải chuyển đi trạm khác cách xa vài trăm cây số.
Thế nhưng cũng chính nhờ nghề gác cột đèn mà anh đã “cột” được một cô gái kém mình tới 16 tuổi.
“Nhà cô ấy ở chân ngọn hải đăng Quất Lâm, Nam Định. Lúc ấy mình cũng đánh liều hứa là anh không chuyển đi đâu nữa, sẽ ở đây mãi mãi với em. Nhưng rồi cưới xong, tôi lại đi biền biệt khắp nơi.
Cô ấy về làm dâu Hải Phòng và ngóng chồng vài tháng mới được về nhà một lần từ Thanh Hóa. Hàng ngày, tôi vẫn đều đặn gọi điện thoại để nghe tiếng đứa con trai nhỏ. Xa vợ con cũng có cái hay là khi gặp tình cảm lúc nào cũng như thuở ban đầu!”, anh Quý tâm sự.
Vừa gác đèn biển, vừa chăm vợ nằm liệt giường
Sau mỗi giờ làm, anh Thường về nhà chăm vợ bị ốm liệt giường
Trong số 5 “chiến sỹ không quân hàm” ở Trạm đèn biển Lạch Trào, câu chuyện của anh Nguyễn Tiến Thường (SN 1982, ở TP Thanh Hóa) ai nghe cũng thấy thương và cảm phục.
Hơn 10 năm trước, anh Thường kết hôn với chị Vũ Thị Thêm (SN 1987, quê Nam Định). Cưới xong, chị Thêm đi làm công nhân giày da ở khu công nghiệp gần nhà, còn anh Thường làm nhân viên gác đèn biển ở Trạm đèn biển Lạch Trào, cách nhà hơn 20 cây số. Cuộc sống dẫu không dư dả nhưng ngập tràn hạnh phúc với 2 đứa trẻ chào đời.
Tháng 7/2019, tai họa bất ngờ ập xuống khi chị Thêm phát hiện bị ung thư. Lúc đó, anh thực sự tuyệt vọng. Đứa lớn 7 tuổi, đứa nhỏ mới 3 tuổi, vợ chồng không biết phải xoay xở, nhờ cậy vào ai. Thời điểm đó, có bao nhiêu tiền tích cóp được, anh đều dồn hết để lo chạy chữa cho vợ.
Ngày 16/8/2019, sau gần 1 tháng điều trị ở Bệnh viện K, phép màu đã diễn ra. Dù đã vét cạn những đồng tiền tiết kiệm cuối cùng để điều trị nhưng hai vợ chồng đều động viên nhau, còn sống, còn sức khỏe là còn tất cả…
Nhưng số phận thật trớ trêu. Một ngày giáp Tết Nguyên đán năm 2020, vợ chồng anh một lần nữa nhận hung tin khi chị Thêm được các bác sĩ xác định bị u tủy. Do phát hiện muộn nên sau phẫu thuật chị Thêm liệt nửa người từ thắt lưng xuống chân. Mọi nỗ lực điều trị phục hồi chức năng bất thành.
Để tiện chăm sóc, giữa năm 2021, anh Thường đã chuyển vợ con từ nhà bố mẹ đẻ xuống ở cạnh Trạm đèn biển Lạch Trào. Đó là một căn nhà nhỏ lợp mái tôn nằm lọt thỏm giữa cồn cát, được một người dân địa phương thương tình cho mượn.
Hơn chục năm làm nhân viên gác đèn biển, thu nhập chính của anh Thường được hơn 5 triệu đồng/tháng, cộng với 1,8 triệu đồng tiền bảo trợ xã hội của vợ. Hàng ngày, ngoài giờ trực, anh lăn lộn đủ thứ nghề để kiếm tiền nuôi gia đình, trả khoản nợ 400 triệu đồng.
Khi nhắc tới đồng đội, anh Trần Văn Nhân cho biết: “Thường có hơn 10 năm ở trạm, là người chịu thương, chịu khó. Nghề gác đèn biển vất vả, kinh tế gia đình của anh em đều eo hẹp nên cũng chỉ dừng lại ở việc chia sẻ và đỡ đần bằng cách trực thay, gác giúp cho Thường mà thôi”.
Tọa độ sống
Trạm gác đèn biển Lạch Trào ở xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa
Lạch Trào thuộc địa phận xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, nơi con sông Mã hòa mình vào biển cả. Trong kháng chiến chống Mỹ, đây là một trong những điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ.
Năm 1967, trạm đèn biển bắt đầu có mặt tại Lạch Trào. Dù chỉ là một vệt đèn dầu leo lét bên bờ biển nhưng kể từ đó, nó trở thành một tọa độ với sứ mệnh dẫn dắt cho những con tàu.
Lần giở lại những trang tư liệu của ngành đảm bảo an toàn hàng hải, anh Nhân chỉ cho chúng tôi thấy những dòng hồi ức kể lại chuyện hai lần cha anh được đồng đội làm lễ truy điệu trước khi xung phong làm cảm tử quân phá thủy lôi của giặc Mỹ ở Hòn Dáu và Long Châu (Hải Phòng).
Có những thời điểm đèn biển bị đánh sập nhưng chỉ sau 24 giờ, ngọn đèn đã sáng trở lại nhờ những nỗ lực của những “người lính không quân hàm”. Trong chiến tranh, ngay tại Trạm đèn biển Lạch Trào, có hai nhân viên gác đèn đã hy sinh, được công nhận là liệt sỹ.
Bất kể thời tiết, hàng ngày công việc của những người gác đèn biển phải lên, xuống 94 bậc cầu thang hình xoắn ốc hàng chục lần để kiểm tra kỹ thuật, thường xuyên bảo trì cả một hệ thống điện mặt trời, máy phát điện…
Thời tiết ổn định không sao nhưng hễ mưa bão, giông lốc, sấm sét thì thực sự là một… cuộc chiến. Thời tiết càng khắc nghiệt thì đèn càng phải sáng để báo hiệu cho những con tàu ngoài khơi biết hướng vào bờ.
Thanh Hóa hiện có 3 trạm đèn biển và 2 trạm quản lý báo hiệu hàng hải. Trạm đèn biển Lạch Trào được xây dựng từ năm 1967, đến năm 1998 được đầu tư xây mới. Ngọn hải đăng hiện tại cao 27m so với mực nước biển với 94 bậc cầu thang hình xoắn ốc. Trạm trực thuộc Tổng công ty Đảm bảo an toàn hàng hải Miền Bắc (Bộ GTVT).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận