Xã hội

Những người thầm lặng tuyến đầu chống dịch Covid-19

20/03/2020, 06:58

Suốt hai tháng qua, họ đã thầm lặng làm việc miệt mài không ngừng nghỉ, góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan ngay từ tuyến đầu.

img
Nhân viên Đội An ninh trật tự, ga quốc tế, sân bay Nội Bài trong bộ đồ bảo hộ, phát đồ ăn miễn phí cho khách trong lúc chờ đưa về nơi cách ly. Ảnh: Thanh Bình

Hàng ngày phải tiếp xúc với nghìn hành khách, với hành lý, giấy tờ tùy thân của nhiều khách đến từ các quốc gia đang là tâm dịch, nguy cơ lây nhiễm với họ luôn rất cao. Tuy vậy, chưa khi nào họ có ý định buông xuôi hay sợ hãi.

Anh Mai Xuân Phán (Trưởng khoa xử lý y tế, Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế TP HCM):
Mong hành khách tuân thủ quy trình

img

Sau 2 tháng đứng đầu phòng tuyến chống dịch với công suất làm việc hơn 200%, hôm 18/3 có một thành viên của khoa đuối sức, xong ca làm việc đi vào nhà vệ sinh và khuỵu luôn. Hôm sau các anh em trong tổ phải thay nhau đôn vào vị trí.

Bản thân tôi thực sự nhiều lúc cũng cảm thấy đuối. Bình thường làm việc 8 tiếng đã mệt rồi, giờ làm việc liên tục. Trong quá trình làm việc phải mặc bộ đồ bảo hộ rất nóng, đeo bình bơm khử trùng nặng, di chuyển từ xe này đến xe khác, lên cả tàu bay. Lúc xuống ca chỉ muốn lăn ra ngủ. Tỉnh dậy lại tới giờ làm việc, lại tiếp tục, vòng quay như vậy cả 2 tháng nay. Vất vả như vậy nhưng anh em chưa ai dám nghĩ sẽ buông xuôi, chưa ai nghĩ đến chuyện phải nghỉ việc vì áp lực, mệt mỏi.

Trước đây chưa có dịch, tôi đi làm theo ca, hết ca là về nhà, cuối tuần đưa vợ con đi chơi, nhưng giờ thì khác rất nhiều. Bình thường về đến cổng là con chạy ra ôm, reo lên mừng “bố về!”. Nhưng từ khi trực chiến chống dịch, mỗi lần về nhà con chạy ra định ôm là tôi phải ngăn lại. Con đang vui mà bị hụt hẫng, thương vô cùng.

Từ khi các nước châu Âu bùng phát dịch, lượng khách về nước rất nhiều nên áp lực với anh em làm việc rất lớn. Khi hành khách xếp hàng khai tờ khai y tế, đâu phải ai cũng làm đúng hết, sai một cái là sửa, ngồi chờ, người khác đứng đợi nên thêm lâu. Chưa hết, vừa giải đáp cho người này xong, tiếp có người khác hỏi cũng vấn đề đó.

Vừa rồi có một trường hợp khách về nước thuộc diện phải đưa đi cách ly, nhưng vị khách này nói có mối quan hệ này nọ, nói cán bộ y tế ở sân bay không đủ tư cách để nói chuyện. Vị khách này đòi gặp lãnh đạo Sở Y tế hoặc cấp trên để giải quyết, cứ ngồi yên vậy, không chịu hợp tác. Những lúc như vậy anh em cũng ức chế lắm, nhưng rồi cũng cố khuyên giải suốt mấy tiếng đồng hồ.

Có người trong lúc ngồi chờ khát nước, được phục vụ nước, nhưng bảo nước này không uống, đòi uống nước khác. Có người kêu đói bụng thì được phục vụ suất ăn theo tiêu chuẩn hàng không, nhưng họ lại nói ăn ngán quá, rồi la lối om sòm…

Trong tình hình như hiện nay, chúng tôi chỉ mong mọi người khi về nước phải thực hiện đúng theo các quy định về phòng chống dịch của cơ quan chức năng. Khai tờ khai y tế phải đầy đủ, trung thực, khi đó chỉ cần khoảng 1 phút là cán bộ kiểm tra xong các thủ tục để nhập cảnh, tạo thuận lợi cho mình và cho các cơ quan quản lý, hạn chế ùn tắc tại sân bay.

Chị Trương Thị Mộng Thường (Nhân viên thủ tục quốc tế VIAGS Tân Sơn Nhất):
Ai cũng nghỉ vì sợ, lấy đâu người làm việc?

img

Thực sự mà nói công việc hiện nay của chúng tôi khác nhiều so với khi chưa có dịch. Chẳng hạn trước khi vào ca nhận nhiệm vụ, 100% cán bộ nhân viên phải rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, riêng những CBNV làm ở những vị trí đặc biệt hoặc phục vụ các chuyến bay nhạy cảm có nguy cơ lây nhiễm cao phải đeo thêm găng tay. Ai ai cũng phải thuộc nằm lòng các quy trình phòng chống dịch để tự bảo vệ mình, nhắc nhở đồng nghiệp cùng thực hiện.

Gia đình cũng lo lắng và bản thân tôi cũng lo lắng vì có con nhỏ. Vì vậy, tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch đã được đưa ra. Khi bản thân mình an tâm thì mới có sức để cống hiến trong mùa dịch này. Công ty cũng có chính sách sắp xếp cho cán bộ nhân viên nghỉ không lương luân phiên trong bối cảnh sản lượng sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng dịch bệnh, nhưng tôi suy nghĩ nếu ai cũng nghỉ thì lấy đâu ra người làm việc?

Trước đây, mỗi lần sau khi xuống ca, về nhà là quây quần bên con, nhưng giờ khi về đến nhà là phải nhờ ba mẹ phun dung dịch khử khuẩn rồi mới vào nhà. Tối ngủ nhiều khi không dám ôm con vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của con.

Nhiều hành khách bay quốc tế, trong đó có các khách nước ngoài họ không có thói quen đeo khẩu trang. Có lần một hành khách người Anh không mang khẩu trang nên nhân viên phục vụ mặt đất nhắc nhở, nhưng họ phản ứng lại, họ nói không bị bệnh nên không cần phải đeo. Sau một hồi giải thích đây là quy định của Việt Nam và vì sức khỏe chung của cộng động, cuối cùng họ mới chấp nhận.

Nói chung những ngày này đi làm rất áp lực, bởi nhân viên mặt đất như chúng tôi phải tiếp xúc với nhiều hành khách và giấy tờ, hành lý của họ - những người đến từ nhiều quốc gia khác nhau, có những quốc gia nằm trong tâm dịch rất nhạy cảm, tất cả đều có nguy cơ lây nhiễm. Nhưng nhờ công tác tuyên truyền, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe rất chu đáo của công ty nên chúng tôi cũng yên tâm khi thực hiện nhiệm vụ.

Khi có bạn tiếp viên hàng không bị nhiễm bệnh, rồi một số cán bộ nhân viên phục vụ ở sân bay phải đi cách ly do tiếp xúc gần, nói chung cũng có người lo lắng. Nhưng chúng tôi đã được chuẩn bị từ trước về tâm lý, tư tưởng, cố gắng hạn chế những rủi ro có thể xảy ra.

img
Hàng nghìn người xếp hàng điền tờ khai y tế tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: Phan Tư

Anh Dương Quốc Việt (Đội An ninh trật tự, ga quốc tế, sân bay Nội Bài):
Nghẹn lời khi khách chê khẩu phần ăn miễn phí

img

Mùa dịch cũng như ngày bình thường, nếu hôm nào làm ca sáng thì cứ 4h là tôi đã phải ra khỏi nhà. Tuy nhiên, từ sau Tết, khi có dịch Covid-19, cứ đi làm là tôi xách theo một chiếc túi, bên trong là một bộ đồ mới bọc kín trong túi nilon.

Lên đến sân bay, việc đầu tiên của tôi là nhận khẩu trang y tế, găng tay và đồ bảo hộ đặc chủng. Nhân viên y tế sẽ khử khuẩn toàn thân trước khi tôi “chui” vào bộ đồ bảo hộ kín mít này. Khi hết ca cũng vậy, sau khi trút bỏ bộ đồ bảo hộ, nhân viên y tế sẽ lại khử khuẩn toàn thân. Sau đó, sẽ thay bộ đồ mới sạch sẽ mang từ nhà đi.

Trong bộ “đồng phục” mà trước khi có dịch không ai có thể tưởng tượng nổi mình lại có ngày mặc để đi làm này, nhân viên Đội An ninh trật tự quốc tế sẽ toả khắp khu vực được phân công để chốt trực. Những ngày thường, đội chỉ tuần tra quanh khu vực ga quốc tế đến, nếu phát hiện có gì bất thường thì xử lý. Nhưng trong mùa dịch, mỗi người được phân công chốt trực một điểm nóng, chủ yếu tập trung khu vực nhập cảnh.

Khi xuống máy bay, việc đầu tiên của hành khách là kiểm tra thân nhiệt, sau đó khai báo y tế rồi xếp hàng chờ xét nghiệm. Xét nghiệm xong, có chứng thực của bên kiểm dịch thì khách mới được vào khu vực làm thủ tục nhập cảnh. Nhiều hành khách không tìm hiểu trước quy định cách ly bắt buộc, không hiểu quy trình nên không hợp tác với lực lượng chức năng, thậm chí là phản ứng, to tiếng. Công việc của tôi và các đồng nghiệp cũng vì thế mà vất vả hơn nhiều khi có hành khách nhất định không chịu xét nghiệm, mắng chúng tôi rất thậm tệ.

Ngoài công việc hàng ngày, tôi phải đảm nhiệm thêm một việc nữa là phát khẩu phần ăn cho khách chờ cách ly. Mỗi suất ăn có một bánh mỳ kẹp thịt, một chai nước suối và thêm một gói bánh quy. Nhà nào có trẻ em, người già còn có thêm cả cháo, 1 hộp sữa. Nhiều khách khen và cảm ơn. Nhưng cũng có khi vừa hào hứng bê ra cho khách thì sững người khi nhận được câu nói: “Đồ ăn như thế này thì sao mà nuốt được”. Những lúc như thế, tôi nghẹn lời mà chả nói được gì.

Đi làm đã vậy, về đến nhà, lúc gặp hàng xóm đôi khi cũng nhận được những ánh mắt lo lắng của họ. Cũng phải thôi, làm việc ở sân bay, tiếp xúc với nhiều khách, nguy cơ lây nhiễm càng cao. Dù đã được bảo hộ hết sức kỹ càng, tự bản thân cũng cẩn trọng, nhưng không thể gặp ai cũng giải thích được...

Chị Nguyễn Thu Hằng (Đội phục vụ hành khách quốc tế đến - CTCP Phục vụ mặt đất Hà Nội):
Đeo khẩu trang đến… rách cả mang tai

img

Khẩu trang, găng tay là vật bất ly thân khi đi làm mùa dịch. Đã đeo khẩu trang vào rồi là không tháo ra trong suốt ca. Những ngày đầu vô cùng khó chịu, có những người rách cả mang tai, hằn thành vệt trên mặt. Nhưng lâu rồi cũng quen. Làm ở sân bay, không cẩn trọng không được.

Hàng ngày tiếp xúc với hành khách và hành lý gửi về, đặc biệt từ vùng dịch nên nguy cơ nhiễm bệnh đối với chúng tôi đương nhiên cao hơn người bình thường. Để tránh những e ngại không đáng có của hàng xóm, cứ về nhà là tôi không ra khỏi nhà. Không cần để mọi người tránh mình, mà mình tránh trước.

Nhiệm vụ chính của tôi và các anh em trong đội là trực tiếp lên tàu, đón và hướng dẫn hành khách qua khu vực kiểm dịch và xuất nhập cảnh, khu vực nhận hành lý.

Những ngày này, khách sẽ được đi qua khu vực kiểm dịch đầu tiên. Theo quy định mới, với những chuyến bay quốc tế đến, 100% khách phải đi cách ly. Trong khi một bộ phận hướng dẫn khách, một bộ phận khách khác trong đội sẽ chịu trách nhiệm về hành lý, từ khâu lấy hành lý trong hầm hàng máy bay đến khi đưa ra băng chuyền (với khách thường) và ra khu vực tập trung đi cách ly (với khách phải cách ly).

Phục vụ hành lý của khách đi cách ly trong mùa dịch vô cùng vất vả. Trước đây, sau khi khách khi qua khu vực xuất nhập cảnh, sẽ xuống khu vực băng chuyền lấy hành lý. Tuy nhiên trong mùa dịch, khách phải đi cách ly sẽ đi theo luồng riêng ra điểm chờ xe để tránh lây lan ra những hành khách khác. Trong quá trình này, bộ phận phục vụ hành lý sẽ phải tách lọc hành lý, đưa những hành lý của khách ra một khu vực riêng, bàn giao cho khách tại khu vực tập kết.

Nhiều thời điểm, lượng khách về đông, phía quân đội không đủ xe để chở ngay cả hành khách nên sẽ ưu tiên hành khách trước và chở hành lý sau. Lượng hành lý tồn lại sân bay vì thế cũng rất nhiều. Rất nhiều ngày, bên công ty phải phối hợp với hãng hàng không để thuê riêng xe tải để chở hành lý của khách về khu cách ly.

Anh Nguyễn Thanh Phong (Tổ khẩn nguy, Đội an ninh cơ động, sân bay Nội Bài):
Sợ nhất mệt mỏi tinh thần

img

Đi làm mùa dịch cực lắm. Nhưng vất vả chúng tôi không ngại, mà ngại nhất là mệt mỏi về tinh thần. Tinh thần ở đây không phải là lo nhiễm dịch mà là vì luôn phải căng mình để nói chuyện, giải thích cho hành khách hiểu quy trình.

Công việc của tôi là phối hợp với các lực lượng bên trong ga quốc tế đến, khu vực nào có điểm nóng, hành khách bức xúc, xảy ra vấn đề gì ngoài ý muốn thì phải có mặt để giải quyết. Mà những ngày này thì bức xúc nhiều lắm. Khách về nước đông, nguy cơ dịch bệnh cao, lại chuẩn bị phải cách ly nên chẳng mấy người vui. Thay vào đó là sự khó chịu, cáu gắt, thậm chí là nổi nóng, chửi bới.

Như câu chuyện về nhóm khách hồi hương từ Ba Lan về đang lan truyền trên mạng xã hội mấy ngày qua. Tôi là người trực tiếp có mặt hôm đó. Nhóm khách bao gồm cả người lớn và trẻ nhỏ, họ liên tục có những lời lẽ không hay vì cho rằng phải chờ đợi quá lâu.

Một người trong nhóm phản ứng dữ dội, cố tình kích động mọi người, thậm chí còn thúc những người khác nhảy qua bục cửa khẩu để vào khu vực băng chuyền lấy hành lý. Cán bộ an ninh cửa khẩu giải thích cách nào chị cũng không chịu nghe, còn nhất quyết không chịu đi cách ly tập trung vì cho rằng “cả chuyến bay không ai bị sao cả, chỉ cần tự cách ly ở nhà”. Phải mất rất nhiều thời gian giải thích, thuyết phục, nữ hành khách này mới chấp nhận làm theo khuyến cáo. Những trường hợp như thế nhiều không đếm xuể.

Thông thường một chuyến bay sau khi xuống máy bay thì khoảng 4 giờ sẽ giải toả xong khách, đưa về khu vực cách ly. Những khách nghi nhiễm sẽ được ưu tiên đưa đi trước. Các gia đình có trẻ em, người già, phụ nữ có thai cũng được ưu tiên. Việc sàng lọc từng khách qua tờ khai y tế, đo thân nhiệt, xét nghiệm tại chỗ… muốn nhanh cũng không được. Sân bay những ngày này đông lắm. Chỉ mong ai cũng tuân thủ hướng dẫn của lực lượng chức năng, có thế thì việc mới nhanh được.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.