27 năm băng rừng vượt núi tới trường
Từ lời kể của Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu Bùi Thanh Tùng về một lớp của "người thầy đặc biệt" chúng tôi đã tìm về trường Mầm non Hoa Sen tại thôn Tống Trong, xã Túc Đán.
Từ điểm trường chính của huyện Trạm Tấu, vượt qua những con dốc, những khúc cua ngoằn ngoèo, những cây cầu gỗ bắc tạm, sau hơn một giờ chúng tôi mới đến được trường.
Từ xa, đã vọng tiếng thầy giáo và học sinh đang học bài.
Sau tiết học, tôi gặp được người thầy giáo Thào A Tủa, hiện là giáo viên mầm non duy nhất tại huyện vùng cao Trạm Tấu.
Trò chuyện được biết, thầy Tủa là người dân tộc Mông, sống ở thôn Tống Ngoài, xã Túc Đán, cách điểm trường Tống Trong chừng 4 km đường rừng.
27 năm gắn bó với ngành giáo dục là 27 năm thầy Tủa gắn bó với thôn Tống Trong, trong đó có 10 năm làm giáo viên mầm non. Dù từng động tác múa khi dạy hát, hay bón cơm, ngụm nước cho trẻ còn đôi chút gượng gạo song nó thể hiện được sự cố gắng và tâm huyết của thầy dành cho các em.
Theo thầy Tủa, để chăm trẻ được như hôm nay, ngoài những kiến thức đã học ở trường, thầy còn tự học từ đồng nghiệp nữ, từ người vợ.
Dù là điểm trường lẻ với nhiều khó khăn thiếu thốn, song những năm qua, lớp học của thầy giáo Tủa luôn đạt chất lượng không thua kém lớp học của các cô giáo.
Từ khi có lớp mầm non ở thôn, người dân đã quen với hình ảnh người thầy giáo mầm non đứng lớp. Tình yêu trẻ thơ và sự tâm huyết với nghề, chính là động lực để thầy Tủa vượt qua được những khó khăn, ươm những mầm non tương lai ở nơi vùng cao xa xôi này.
Người con núi rừng trở về bản dạy chữ
Chia tay thầy Tủa, chúng tôi vượt thêm 100 km dọc theo QL 32 đến với Trường mầm non Lao Chải, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải. Ở đây, có đến ba thầy giáo dạy học mầm non.
Người đầu tiên chúng tôi gặp là thầy giáo Cứ A Giàng. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp mầm non trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương, thầy Cứ A Giàng về quê xin nuôi dạy trẻ tại điểm lẻ ở bản Hú Trù Lìn, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, cách điểm trường chính hơn 9km.
Lớp học do thầy Cứ A Giàng phụ trách nằm ngay trung tâm của bản. Lớp có 30 cháu từ 3-5 tuổi nhưng có buổi học, sỹ số của lớp lên tới gần 50 cháu.
Nói về điều thú vị này, thầy Cứ A Giàng cho biết là do các bé 2 tuổi cũng theo các anh chị mình đến lớp. Nhiều khi đang học, các cháu bé buồn ngủ và khóc, thầy Giàng lại trở thành bảo mẫu.
Nhớ về ngày đầu lên bản dạy học, thầy Cứ A Giàng kể: "Trời nắng thì có thể đi được xe máy, còn trời mưa là phải cuốc bộ, mất hơn nửa ngày đường mới tới nơi. Lúc tôi vào lớp, các cháu cứ tưởng mình là cán bộ xã. Nhưng chỉ hơn tuần sau, các cháu đã gọi tôi bằng "mẹ". Nhiều lúc mình cũng ngại nhưng rồi cũng thành quen và thấy thật hạnh phúc."
Không chỉ làm tốt việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ khi đến trường, những ngày nghỉ, thầy Cứ A Giàng còn đến từng nhà thăm hỏi, động viên phụ huynh tạo mọi điều kiện cho con em đến lớp. Niềm vui lớn nhất của thầy A Giàng là mỗi ngày đến lớp lại thấy lớp học đông đủ, không trẻ nào nghỉ học.
Chị Giàng Thị Máy (ở thôn Dào Cu Nha, xã Lao Chải, tỉnh Yên Bái) cho biết: "Từ khi các thầy giáo mầm non về thôn công tác, bà con thấy các thầy giáo cũng rất yêu quí trẻ, quan tâm đến các cháu như con của mình. Thầy giáo còn chải tóc, hướng dẫn các cháu giữ gìn vệ sinh sạch sẽ nữa, nên bà con mình yên tâm lắm".
Ông Nguyễn Anh Thủy (Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) khẳng định: Các thầy giáo mầm non cắm bản ở Lao Chải đều đam mê, nhiệt huyết với nghề nghiệp.
"Giữa đại ngàn gió núi nếu không có sự đam mê nghề, tình yêu đặc biệt với những "mầm non” của núi rừng thì rất khó níu chân các thầy cô giáo, nhất là những "mì chính cánh” theo dạy bậc học mầm non.
Tình yêu ấy chính là động lực để các "thầy giáo nuôi dạy trẻ” vượt qua mọi khó khăn, nuôi dưỡng, ươm mầm cho những tâm hồn trẻ thơ, để các em có nền tảng vững chắc, bước tiếp lên những bậc học cao hơn", thầy Thuỷ chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận