Báo Giao thông đã phản ánh, các hoạt động đấu thầu tại tỉnh Bình Thuận thời gian qua thường xuyên ghi nhận dấu ấn của một số tên tuổi quen thuộc tại địa phương như Công ty Cổ phần XDCB Rạng Đông, Công ty TNHH Thiết kế Đầu tư Xây dựng...
Bên cạnh đó, các gói thầu của nhiều ban quản lý dự án tại Bình Thuận cũng được khối doanh nghiệp tư nhân tích cực hỗ trợ mở thầu, phê duyệt, như Công ty TNHH Đầu tư xây dựng An Lập Thịnh, Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Tổng hợp Phương Việt; thậm chí cả Công ty TNHH Thiết kế Đầu tư Xây dựng Thăng Long, khi vào vai chủ đầu tư, khi vào vai nhà thầu.
Việc các đơn vị địa phương sử dụng xoay vòng nhóm doanh nghiệp quen mặt trong hoạt động đấu thầu đặt ra câu hỏi về sự tuân thủ luật pháp, kẽ hở pháp lý có thể có và biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này.
Không được "tùy tiện" chỉ định doanh nghiệp làm dịch vụ mở thầu
Theo luật sư Nguyễn Sương, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, quy định tại Khoản 7, Điều 104 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (nay là Khoản 7 Điều 126 Nghị định 24/2024/NĐ-CP), chủ đầu tư giao cho tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan mình thực hiện thẩm định hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà thầu, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này.
Trường hợp tổ chức, cá nhân được giao thẩm định không đủ năng lực thì chủ đầu tư tiến hành lựa chọn một tổ chức tư vấn có đủ năng lực và kinh nghiệm để thẩm định.
Các doanh nghiệp phải có tư cách hợp lệ theo quy định tại Điều 5 Luật Đấu thầu. Thành viên tham gia tổ thẩm định đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư số 19/2015/TT-BKHĐT ngày 27/11/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Một trong những yêu cầu đối với thành viên tham gia tổ thẩm định được quy định tại Điều 4 Thông tư 19/2015/TT-BKHĐT (hết hiệu lực từ ngày 15/6/2024) là có trình độ chuyên môn liên quan đến gói thầu và có tối thiểu 3 năm công tác trong lĩnh vực liên quan đến công việc được phân công (trừ vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, yêu cầu tối thiểu 1 năm).
Nay Khoản 1 Điều 19 Nghị định 24/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ 27/02/2024) cũng quy định thành viên tổ thẩm định phải có tối thiểu 03 năm công tác thuộc một trong các lĩnh vực liên quan đến nội dung pháp lý, kỹ thuật, tài chính của gói thầu: có kinh nghiệm hoặc thực hiện các nội dung liên quan đến kỹ thuật nêu trong hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu hoặc các công việc về tài chính hoặc các công việc về pháp lý.
Như vậy, ngoài các yêu cầu chung về chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu, năng lực hành vi dân sự… thì cả quy định cũ và quy định mới đều đòi hỏi thành viên tổ thẩm định phải có kinh nghiệm liên quan đến gói thầu.
Trong khi đó, thực tế có rất nhiều gói thầu khác nhau và phát sinh ở tùy từng thời điểm. Khó có một tổ chức, cá nhân nào thuộc chủ đầu tư có năng lực, kinh nghiệm liên quan đến tất cả các gói thầu khác nhau.
Do đó, quy định tại Khoản 7 Điều 104 Nghị định 63/2014/NĐ-CP (nay là Khoản 7 Điều 126 Nghị định 24/2024/NĐ-CP), chính là dự phòng trong trường hợp chủ đầu tư không thể tìm được tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan mình có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm liên quan đến gói thầu để làm thành viên của tổ thẩm định.
Tuy nhiên, chủ đầu tư cũng không thể "tùy tiện" căn cứ vào quy định nêu trên để lựa chọn một doanh nghiệp với tư cách là tổ chức tư vấn, thành lập tổ thẩm định nếu như tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan mình có đủ năng lực, kinh nghiệm.
"Việc liên tục sử dụng 2-3 doanh nghiệp "ruột" mở thầu và phê duyệt thầu hộ có đúng với quy định pháp luật hay không thì cần phải có sự vào cuộc, thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền. Cần phải làm rõ chủ đầu tư có tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan mình có năng lực, kinh nghiệm theo quy định của pháp luật liên quan đến gói thầu đó hay không và tổ chức tư vấn do chủ đầu tư lựa chọn có đầy đủ năng lực kinh nghiệm liên quan đến gói thầu hay không", Luật sư Nguyễn Sương nói.
Cũng theo luật sư: Nếu chủ đầu tư có tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan mình có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để làm thành viên tổ thẩm định nhưng vẫn "cố tình" lựa chọn một tổ chức tư vấn khác để thành lập tổ thẩm định thì có thể có dấu hiệu không khách quan trong hoạt động đấu thầu. Trường hợp có vi phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Kiểm tra, giám sát thông tin phản ánh: Báo chí cũng là một kênh
Không chỉ riêng Bình Thuận, hiện ở nhiều địa phương, một số doanh nghiệp cũng đang đóng "2 vai" khi vừa là nhà thầu, vừa là tổ chức được các ban quản lý dự án chỉ định làm đối tác mở thầu, phê duyệt hồ sơ như Công ty TNHH Thiết kế Đầu tư Xây dựng Thăng Long mà Báo Giao thông đã phản ánh trong bài Mối quan hệ của Rạng Đông và Thăng Long - hai nhà thầu "mạnh" nhất Bình Thuận.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Sương nhấn mạnh: "Trong một gói thầu không thể tham gia với hai tư cách vừa là đơn vị tư vấn, thẩm định vừa là bên tham dự thầu, điều này không đảm bảo công bằng, minh bạch trong đấu thầu. Tuy nhiên, pháp luật về đấu thầu cũng không cấm doanh nghiệp "quen mặt" tham dự thầu, trúng thầu nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định".
Trong mọi trường hợp, chủ đầu tư đều chịu trách nhiệm về việc thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển và kết quả lựa chọn nhà thầu.
"Vì lẽ đó mà đôi khi trong hoạt động đấu thầu vẫn có sự ưu ái riêng dành cho các doanh nghiệp "ruột", tuy nhiên mọi sự ưu ái đều phải tuân thủ đúng và nghiêm ngặt quy định của pháp luật. Để đảm bảo khách quan, khi một doanh nghiệp trúng đa số các gói thầu của tỉnh thì cũng cần phải có sự theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra kịp thời, thường xuyên và toàn diện của cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo sự cạnh tranh, công bằng, minh bạch cho các doanh nghiệp khác có cùng năng lực, kinh nghiệm khi tham gia dự thầu", luật sư Nguyễn Sương nêu quan điểm.
Luật sư Sương cũng lưu ý, hoạt động đấu thầu như một "tảng băng", nếu nhìn thoạt qua thì chỉ thấy "bề nổi" bởi có thể các chủ đầu tư và nhà thầu đã cố gắng "hợp thức hóa" mọi thủ tục để được xem là "đúng quy trình". Chỉ khi các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc thanh tra, kiểm tra, làm rõ thì "phần chìm" - sự vi phạm trong hoạt động đấu thầu mới bắt đầu lộ diện.
Pháp luật về đấu thầu đã trao quá nhiều quyền cho chủ đầu tư, đây cũng có thể được xem là lỗ hổng để nhiều doanh nghiệp "ruột" được ưu ái. Và sự ưu ái đó đôi khi đã biến tướng thành hàng loạt hành vi vi phạm quy định về đấu thầu như: Thông thầu, gian lận, không công bằng minh bạch, đưa/nhận/môi giới hối lộ, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu… Điều này được minh chứng khi hàng loạt cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bị khởi tố do sai phạm trong hoạt động đấu thầu thời gian qua.
So với trước đây thì Luật Đấu thầu 2023 và Nghị định 24/2024/NĐ-CP đã có những đổi mới trong quy định về thanh tra, kiểm tra, giám sát trong hoạt động đấu thầu, đặc biệt là quy định về giám sát thường giám sát thường xuyên hoạt động đấu thầu của cơ quan quản lý Nhà nước về đấu thầu thuộc bộ, ngành, địa phương.
Theo đó, việc giám sát thường xuyên hoạt động đấu thầu được thực hiện khi phát hiện hoạt động đấu thầu có dấu hiệu không bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế theo thông tin được tổng hợp trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoặc theo kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân liên quan, bao gồm:
Chủ đầu tư không trả lời yêu cầu làm rõ hồ sơ mời thầu, không trả lời kiến nghị về hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu của nhà thầu; Chủ đầu tư vi phạm quy định về thời gian đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu và các thông tin khác; Chủ đầu tư có số lượng trung bình nhà thầu tham gia đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, chào giá trực tuyến theo quy trình thông thường thấp; Chủ đầu tư có nhiều gói thầu có kiến nghị về hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu; Hồ sơ mời thầu bị kiến nghị có các quy định làm hạn chế cạnh tranh.
Trên cơ sở đó, luật sư Sương cho rằng, để quy định này được thực thi một cách có hiệu quả trên thực tế và đảm bảo hoạt động đấu thầu được diễn ra một cách minh bạch, công bằng, cạnh tranh cho các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm ngang nhau thì các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu cần tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, xác minh giải quyết kịp thời thông tin, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân liên quan, trong đó bao gồm của cả cơ quan báo chí. Hoặc kiểm tra đột xuất khi nhận thấy bất kỳ một doanh nghiệp nào đó chiếm tỷ lệ cao hơn so với các doanh nghiệp khác về lượt trúng thầu trong năm tại địa phương.
Việc kiểm tra, giám sát phải toàn diện, chặt chẽ tất cả các giai đoạn của gói thầu, trường hợp có sự vi phạm thì phải công khai xử lý nghiêm khắc, răn đe nhằm chấn chỉnh hoạt động đấu thầu trên địa bàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận