Đời sống

Những nụ cười ở nơi sơ tán của người dân rốn lũ Hà Tĩnh

21/10/2020, 20:51

Tại khu nhà KTX của Đại học Hà Tĩnh, hơn 600 người dân ở xã Cẩm Bình, Cẩm Vịnh (huyện Cẩm Xuyên) được chăm lo từ cái ăn, cái mặc.

img
Khu vực KTX Trường Đại học Hà Tĩnh - nơi sơ tán của hơn 600 người dân vùng rốn lũ Hà Tĩnh khô ráo, ấm cúng

Giữa khó khăn bủa vây vẫn không vắng tiếng cười lạc quan

Sáng 21/10, dù bốn phía xung quanh nước ngập trắng xóa nhưng tại khu nhà B1, KTX Đại học Hà Tĩnh vẫn vui nhộn khác thường. Hàng chục đứa trẻ nô đùa, trêu chọc nhau í ới cả dãy nhà 5 tầng. Lũ trẻ chia nhau thành từng nhóm, rồi đi tất cả các tầng, đi đến đâu là tiếng cười lại vang lên đến đó.

Trong các phòng, các cụ bà lớn tuổi tụ tập ngồi uống nước nói chuyện mưa lũ. Trong khi đó, ở dưới tầng trệt một đoàn cứu trợ đang bàn với một số người trẻ tuổi về phương án đưa nhu yếu phẩm cho từng phòng… Không khí ồn ào, náo nhiệt hiện tại đã xóa tan cái lạnh lùng của mưa lũ đang bủa vây xung quanh.

Vừa nhận một chăn ấm từ các chiến sĩ Công an Trại Tạm giam Cầu Đông, Công an tỉnh Hà Tĩnh, bà Lê Thị Lĩnh (60 tuổi, trú ở xóm 1, xã Cẩm Vịnh) không giấu hết niềm xúc động, bà kể: Ngày 17/10, con dâu bà chuyển dạ nên gia đình đưa lên bệnh viện, ơn trời mẹ tròn con vuông nên sáng 18/10 được bệnh viện cho về. Tối ngày 18 thì trời mưa to nên mẹ con, bà cháu kéo nhau lên gác xép, dự định cầm cự trên đó. Đến ngày 19 thì nước ngập gần nửa nhà, sợ quá nên tôi cùng con dâu và 2 cháu gọi lực lượng chức năng sơ tán đến đây.

“Ngày chạy lũ mẹ con chỉ kịp mặc mỗi bộ quần áo trên người, nhưng so với những người bám trụ lại nhà thì sướng hơn rất nhiều. Nơi ở khô ráo, kín gió; cơm nước, quần áo khô và các nhu yếu phẩm có bộ đội, công an và các đoàn cứu trợ đưa đến tận nơi; mới đây Công an còn phát thêm chăn ấm”, bà Lĩnh nói.

Gác lại những lo toan về mưa lũ, cụ ông Võ Văn Cương (89 tuổi, ở thôn Bình Minh, xã Cẩm Bình) động viên con cháu: "Giữa mệnh mông sóng nước, chúng ta được ăn ở như thế này là tốt lắm rồi. Nhiều người dân ở ngoài kia còn khổ hơn nhiều, hãy lạc quan lên, còn người là còn tất cả".

img
Dù được chăm lo chu đáo nhưng thương bình Nguyễn Văn Hóa vẫn còn nhiều lo toan cho cuộc sống những ngày tới

Tương lai khó khăn chồng chất khó khăn

Tranh thủ trời tạnh mưa, thương binh Nguyễn Văn Hóa (ở thôn Ngũ Phúc, xã Cẩm Vinh) ra hành lang dãy nhà KTX hóng gió. Nhìn bốn bề xung quanh nước trắng xóa, ông nói: Nhà tôi nước ngập đến hơn 3m, cả 2 ông bà và con cháu trong nhà được lực lượng chức năng đi xuồng sơ tán đến nay.

Trong những ngày mưa lũ vừa qua, Trường Đại học Hà Tĩnh đã bố trí dãy nhà KTX B1 cao 5 tầng với hàng trăm phòng làm nơi sơ tán cho khoảng hơn 600 người dân từ 1 ngày tuổi đến gần 100 tuổi của 2 xã Cẩm Bình và Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên. Hàng ngày, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng và các đoàn cứu trợ đưa các nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân sinh hoạt.

“Với mức ngập như vậy thì mọi tài sản trong nhà chắc chắn sẽ hư hỏng hết, để sắm sửa lại phải tốn một số tiền rất lớn trong khi người nông dân vốn đã nghèo nay càng thêm khó khăn. Lương thực, thực phẩm dự trữ cũng ngấm nước, hư hỏng hết; không có gì để ăn, nạn đói đang hiện hữu trước mắt. Chưa hết, tiền mua cây con giống chắc chắn cũng sẽ không có nên tương lai thật sự rất mùi mịt”, thương binh Hóa lo lắng.

Nghe thương binh Hóa nói vậy, một người phụ nữ đứng cạnh bên nói thêm: Năm nay nhà tôi vay 100 triệu đồng để chăn nuôi trang trại lợn, những tưởng cuối năm sẽ có thêm đồng tiêu tết, giờ thì trắng tay hết rồi. Cũng theo người phụ nữ này, nước ngập sâu lâu ngày, vệ sinh không đảm bảo nên nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát khi người dân quay về nhà sinh sống.

"Thời gian vừa qua, người dân Hà Tĩnh rất cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm, và tận tình giúp đỡ. Mong rằng sau khi hết mưa lũ, Nhà nước hỗ trợ thêm tiền và cây con giống để người dân tái sản xuất, sớm ổn định cuộc sống", người phụ nữ này hi vọng.

Người dân nơi đây cũng đang nơm nớp nỗi lo trên biển Đông đang xuất hiện cơn bão số 8 với cường độ mạnh đang tiến thẳng vào khu vực miền Trung. Hà Tĩnh được xác định là một trong những địa phương của tâm bão, nên nguy cơ lũ trước chưa qua, lũ mới lại đến.

Một số hình ảnh PV Báo Giao thông ghi lại:

img
Bà Lê Thị Lĩnh vui mừng nhận chăn ấm từ các chiến sĩ Công an Trại Tạm giam Cầu Đông, Công an tỉnh Hà Tĩnh
img
Một nhóm bạn nhỏ chụm đầu nghe nhạc
img
Một bạn nhỏ vui cười với chiếc bánh chưng trên tay
img
Cụ ông Võ Văn Cương (89 tuổi, ở thôn Bình Minh, xã Cẩm Bình) động viên con cháu "Còn người là còn tất cả"
img
Một cụ bà tóc bạc phơ, lưng còng đi lại dọc hành lang khu sơ tán
img
Nụ cười người dân vùng rốn lũ nơi sơ tán tập trung
img
Ngoài cơm, bánh, xôi, các em nhỏ cũng có đủ nước để pha sữa
img
Nhiều người dân đưa thêm bếp ga mi ni, xoong nồi lên khu sơ tán để đa dạng thêm bữa ăn
img
Người dân không bị ngập ở xung quanh trường Đại học Hà Tĩnh còn nấu nước chè tiếp tế cho bà con sơ tán
img
Em bé cười tươi trước khi đóng cửa trốn ống kính phóng viên
img
Bên cạnh tiếp tế nhu yếu phẩm, các chiến sĩ Công an Trại Tạm giam Cầu Đông, Công an tỉnh Hà Tĩnh còn động viên bà con vượt qua khó khăn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.