Hội thảo bàn giải pháp cho phát triển logistics Việt Nam.
95% các DN logistics quy mô nhỏ, hạn chế vốn
Tại Hội thảo “Phát triển thị trường dịch vụ logistics cho DN” diễn ra sáng nay (20/4), Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng: Dịch vụ logistics là ngành có tiềm năng phát triển rất lớn, đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng.
Trong khi hiện nay, khoảng 95% các DN logistics đang hoạt động là DN Việt Nam với quy mô nhỏ và hạn chế cả về vốn, nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế; Chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics với DN xuất nhập khẩu.
“Việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và DN sản xuất, xuất khẩu sẽ thúc đẩy sự chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tạo dựng niềm tin giữa các doanh nghiệp”, ông Khánh nói.
Được biết, kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã đặt mục tiêu: Tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
Giải pháp từ những "ông lớn"
Cũng tại buổi Hội thảo, nhiều DN lớn đã chia sẻ kinh nghiệm về quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của mình, đồng thời, đưa ra những thực trạng và giải pháp thiết thực cho phát triển logistics Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Trần Trung Hưng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) kể lại, cách đây chỉ một vài năm, để chuyển phát nhanh, người bán cần mang hàng ra bưu cục, hoặc gọi trung tâm thông tin để nhân viên giao hàng đến lấy.
Lúc đó, Viettel là đơn vị tiên phong trong việc cung cấp giải pháp hậu cần kho vận 42 toàn diện, cam kết giúp doanh nghiệp: Tiết kiệm chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, chi phí vận chuyển; Xóa bỏ nỗi lo về năng lực vận hành kho bãi; Đảm bảo an toàn hàng hóa trong kho và tối ưu thời gian giao hàng lên tới 50%.
Còn trong giai đoạn Covid-19, bài học của Viettel chính là sự nhạy bén. "Ngay khi mới có dịch, Viettel đã tập trung vào đánh giá báo cáo nguy cơ của đại dịch, từ đó hoạt động sát. Bên cạnh đó, chuyển đổi số chính là tiền đề giúp họ luôn thuận lợi khi mọi việc xẩy ra", ông Hưng nói và đặt vấn đề: “Rất nhiều người nói, dịch vụ logistics tại Việt Nam chi phí cao nhưng theo tôi câu đó kết luận chưa đúng bởi Việt Nam chủ yếu xuất, nhập mặt hàng thô như nông sản, đồ gỗ...., trong khi, các nước khác phần lớn là những mặt hàng giá trị cao. Nếu chúng ta so sánh theo từng ngành thì chính xác hơn”, vị này nói.
Còn ông Nguyễn Quốc Phương, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho rằng, để logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, ngoài vấn đề về cơ chế, chính sách, kết cấu hạ tầng, cần sự nỗ lực của các ngành, các cấp có liên quan.
Theo bà Ngô Thị Trúc Anh, Giám đốc Bộ phận vận chuyển, Lazada Việt Nam, để dịch vụ logistics phát triển, rất cần sự đầu tư công nghệ của DN vào hạ tầng logisctics, “số hóa” các khâu từ giao hàng đến thanh toán...
"Nếu như trước đây, hàng hóa được khách hàng order hôm trước, hôm sau mới đến tay, thì nay, hàng được giao trong ngày. Để nâng sức cạnh tranh, việc chuyển đổi số là rất quan trọng và các DN Việt Nam từ DN sản xuất đến các DN vận chuyển, logistics cần phải nỗ lực số hóa để đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh hiện nay”, bà Ngô Thị Trúc Anh nêu quan điểm.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, với thực trạng hiện nay của các DN Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa, ngoài những nỗ lực chuyển đổi số trong bản thân mỗi DN, các DN ngành logistics cần “bắt tay nhau” kết nối lại để phát triển thành DN lớn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận