Xã hội

Những phát ngôn "gây bão" về vụ cá chết hàng loạt

27/04/2016, 13:12

"Không thể có chuyện vừa có nhà máy thép mà biển nơi đây vẫn nhiều tôm cá"...

untitledaaaaaaaaaa

Những phát ngôn "gây bão" về vụ cá chết hàng loạt

Chưa có ai đến hiện trường vì... lãnh đạo mới nhập chức

Theo thông tin báo Lao Động đưa ngày 22/4, sau khi sự việc cá chết hàng loạt xảy ra nhiều ngày nhưng cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa vào cuộc. Khi phóng viên báo này đặt câu hỏi lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp xuống địa bàn khảo sát, chỉ đạo nhằm làm rõ nguyên nhân vụ việc chưa?

Thì ông Lê Minh Đạo – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Chúng tôi mới có chủ tịch UBND tỉnh hôm qua (21/4), còn các đồng chí phó chủ tịch mới được bầu đang còn chờ phê duyệt”.

Những ngày qua, sự kiện nổi bật ở Hà Tĩnh là tỉnh này có Chủ tịch UBND tỉnh trẻ nhất nước chứ không phải thảm hoạ môi trường khiến hàng tấn cá biển chết dạt vào bờ khiến nhân dân hoang mang, thiệt hại, Báo Lao Động bình luận.

Bà con yên tâm ăn cá, tắm biển Vũng Áng

Vừa qua, Báo Giao thông có bài phỏng vấn ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trả lời về việc có nên ăn cá, tắm biển khi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung trong thời gian qua hay không.

Vị Phó Chủ tịch cho biết, hiện tại các lồng bè đang nuôi trồng thủy sản ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) nhiều loại thủy, hải sản vẫn sinh trưởng bình thường. Những loại hải sản như mực, tôm, cua cá vẫn đang sống thì người dân có thể ăn được. Ngoài ra, người dân cũng có thể yên tâm tắm biển ở các vùng biển này.

dsc_4931-1740

Phát ngôn "gây bão" của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn

"Chúng tôi không thể vào kiểm tra KCN Vũng Áng"

Đây là thông tin được Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản, Bộ NN&PTNT Phạm Khánh Ly cho biết trên Báo VietNamNet hôm 21/4. Thông tin này khiến dư luận bức xúc, khi Khu công nghiệp này tự cho mình quyền từ chối các đoàn thanh tra.

Theo đó, ông Ly cho biết: Chúng tôi vào làm việc với Sở Nông nghiệp PTNT tỉnh Hà Tĩnh với tư cách là cơ quan quản lý theo ngạch dọc. KCN Vũng Áng bao gồm nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng và KCN Formosa có yếu tố nước ngoài nên cần thành lập đoàn công tác liên ngành, có chỉ đạo của Chính phủ thì mới tiến hành kiểm tra được".

Không hiểu sao cá biển lại chết?

Khi hiện tượng cá chết hàng loạt khởi phát ở bờ biển sát với khu kinh tế Vũng Áng rồi lan dần đến Thừa Thiên - Huế, nhiều người dân và một số nhà khoa học đặt nghi vấn về hệ thống xả thải của dự án Formosa ở Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Những ngày qua, một số ngư dân lặn biển trình báo về việc họ nhìn thấy một hệ thống ống ngầm lớn nối từ dự án của Formosa ra biển. Theo mô tả của ngư dân, ống dài khoảng 1,5 km, đường kính hơn một mét được chôn nông dưới đáy biển, phủ phía trên là lớp đá hộc cùng bao tải cát. Nước trong ống phun ra rất mạnh, có màu vàng đục, mùi hôi thối khó thở.

Trả lời VnExpress về những đường ống này, một lãnh đạo cao cấp của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cho biết: "Xung quanh hệ thống kênh xả thải, chúng tôi nuôi cá để kiểm tra chất lượng nước. Thực tế trong kênh của chúng tôi, cá vẫn sống. Nếu do xả thải, thì cá trong này phải chết trước cá ngoài biển. Do vậy công ty yên tâm về việc mình không làm gì ảnh hưởng tới môi trường biển Việt Nam".

phatngon1

Phát ngôn gây bão của Giám đốc đối ngoại Fomorsa

Chọn thép hay chọn cá?!

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình VTC14 vào ngày 24/4, Giám đốc đối ngoại của Fomorsa đã bày tỏ quan điểm về việc cá chết hàng loạt tại bờ biển khu vực Vũng Áng (Hà Tĩnh) cũng như việc nhà máy Formosa xả thải.

Theo đó, ông Chu Xuân Phàm - Giám đốc đối ngoại công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh nói rằng người dân ở đây cũng như Nhà nước sẽ phải cân nhắc và lựa chọn. Bởi lẽ, việc xả thải chắc chắn sẽ có tác động đến môi trường.

"Không thể có chuyện vừa có nhà máy thép mà biển nơi đây vẫn nhiều tôm cá", vị Giám đốc đối ngoại nói trước ống kính phóng viên truyền hình VTC14.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.